Văn hóa – Di sản

Ngày xuân nhìn về văn hiến Thăng Long

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ 07:26 29/01/2025

Nếu tính từ thời điểm vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Hà Nội trải qua 1015 năm lịch sử. Trong suốt hơn 10 thế kỷ ấy, nền văn hiến Thăng Long đã được hình thành và kết tụ bởi một tinh thần bảo vệ độc lập dân tộc, một nền văn hóa độc lập và trường tồn, trong đó phong tục, giao thương, ứng xử, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc… là tố chất điển hình, tạo cốt cách, bản ngã con người Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

van-mieu-quoc-tu-giam-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-thu-do.jpg
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, niềm tự hào của người dân Thủ đô. Ảnh Nguyễn Việt Hồng

Nói về di sản văn chương, có thể nhắc tới những kiệt tác ở các triều đại: Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn. Khởi đầu là “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn. Ngoài ý nghĩa tuyên ngôn về đất nước, dân tộc và thời đại, đây được coi như một áng văn hay về mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đó là những “bộ sưu tập văn chương” đồ sộ của các bậc tiền nhân có sức ảnh hưởng đến đạo lý, đến nhân tình thế thái của của từng thời đại nối tiếp nhau. Ví như các bộ: “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên, “Tinh tuyển thi tập” của Dương Đức Nhan, “Trích Diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương,“Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn và “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích...

Thêm vào đó, nhiều danh nhân đã để lại các áng văn bằng chữ Hán thật vô biên, phản ánh về trật tự xã hội, ý chí, tâm lý, quan hệ bang giao và đạo đức xã hội như: “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), “Thuật hoài” (Phạm Ngũ Lão), “Bạch Đằng giang” (Trương Hán Siêu), “Am Vân tiêu” (Trần Nhân Tông), “Cảnh chiều” (Mạc Đĩnh Chi), “Trường An hoài cổ” (Trần Quang Triều), “Trường An thành hoài cổ” (Nguyễn Trung Ngạn), “Xuân đán” của Chu Văn An, “Bạch Đằng giang”(Trần Minh Tông), “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Đề tháp Báo Thiên” (Phạm Sư Mạnh); rồi thơ của Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Tử Thành, Đặng Dung, Đinh Liệt, Nguyễn Húc, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh… Kế tiếp sau là thơ phú của Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Công Trứ, Lê Hữu Trác, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… Khối di sản văn chương vô giá này đã trở thành linh hồn gốc cho mọi sáng tạo văn chương thời đại ngày nay.

Văn chương gắn liền với giáo dục và coi giáo dục là cái gốc của sáng tạo. Từ ngàn xưa tới nay, Hà Nội luôn là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất của cả nước, nơi hội tụ nhân tài khắp mọi miền. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của con người Thăng Long đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển tiếp nối của nền giáo dục muôn đời, đồng thời là cơ sở để tạo nên bản sắc văn hóa, cốt cách thanh lịch của người Tràng An.

Kể từ khi vua Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, nền giáo dục kinh đô bắt đầu được gây dựng và phát triển với sự ra đời của Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Với nền giáo dục Nho học qua các triều đại, Thăng Long chính là nơi diễn ra các kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - ngôi trường bề thế mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên đã diễn ra nhiều kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước và 82 bia tiến sĩ ở đây là bằng chứng lưu dấu với thời gian về trung tâm giáo dục, đào tạo của nhiều triều đại.

Gần như liền mạch với thơ là diễn xướng dân gian. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước nên nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng rất phong phú, đa dạng (từ chèo, tuồng, múa cổ, múa rối nước, hát trống quân, hát chèo tàu, ca trù, hát dô…). Mỗi loại hình đều cho thấy sự tinh tế, sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của ông cha ta ngày xưa, góp phần tạo nên bề dày tinh hoa văn hóa đất Thăng Long. Ví như nghệ thuật ca trù (hát ả đào) có nguồn gốc tự lâu đời nhưng thịnh nhất là từ thế kỷ 15, được giới hoàng thân, quý tộc, văn nhân, tài tử yêu thích. Từ xưa, ca trù được diễn xướng ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng loại hình diễn xướng này thịnh hành nhất là ở kinh đô Thăng Long. Nghệ thuật ca trù bao hàm nội dung văn chương ẩn ý, nặng về những trăn trở, tâm tư, tình cảm, thân phận gắn liền với thế sự và vận hội… qua các thể cách, múa, hát, nói và diễn xướng, tất cả thể hiện là một bộ môn nghệ thuật điêu luyện đỉnh cao, góp phần tô đậm nét văn hóa hào hoa của nhu cầu đời sống thẩm mỹ.
Nói đến văn chương, giáo dục, âm nhạc… không thể không nhắc tới hình thức tín ngưỡng và lễ hội. Đây là di sản văn hóa quý báu đã tồn tại, đồng hành và tạo nên ký ức văn hóa của dân tộc. Vượt qua thời gian, tín ngưỡng, lễ hội đã lan tỏa và có sức sống bền bỉ trong đời sống tinh thần của nhân dân. Trong số các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, Tứ trấn Thăng Long - bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng: Bạch Mã (trấn Đông), đền Voi Phục (trấn Tây), đền Kim Liên (trấn Nam), đền Trấn Vũ (trấn Bắc) như một phương thức sáng tạo không gian thiêng liêng đặc biệt; lại thêm chùa Một Cột ở khu vực Tây Nam và các đạo quán (nhất là Bích Câu đạo quán)… đã phản ánh đậm nét đời sống, văn hóa, tín ngưỡng người dân đất Thăng Long.

Nói riêng về lễ hội, từ xa xưa nhân dân đã sáng tạo ra lễ hội và coi như cuộc sống thứ hai của mình. Lễ hội sống động màu sắc dân gian, phần thể hiện nào cũng nhằm hướng con người tới những ước mơ, khát vọng về cuộc sống chân, thiện, mỹ. Với bề dày lịch sử, Kinh đô là nơi tập trung sự giao thoa văn hóa với nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, lễ hội Thăng Long - Hà Nội vô cùng phóng phú, hấp dẫn với hơn 1.000 lễ hội. Ngoài các lễ hội quy mô như lễ hội chùa Hương, lễ hội gò Đống Đa, hội Gióng… Hà Nội còn có nhiều lễ hội được tổ chức rải rác trong năm. Tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt nói chung và người Thăng Long xưa nói riêng đều được thể hiện rõ nét thông qua hình thức lễ hội. Đây cũng là những giá trị văn hóa quý giá, mang đậm sắc thái vùng miền, bản năng và sắc thái riêng biệt của dân tộc ta.

Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể, nghề thủ công truyền thống cũng đã góp phần tạo nên bề dày của văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Xưa kia, Thăng Long đã có nhiều nghề thủ công. Có thể kể tới nghề đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình), vàng bạc ở Định Công (Hoàng Mai), dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), nghề thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)… Tương truyền, 36 phố phường hình thành từ thời nhà Lý - Trần là một đô thị cổ bao gồm khu vực trong và ngoài phố cổ Hà Nội. Vào những năm đầu thế kỷ XI, nơi đây là khu dân cư sinh hoạt và buôn bán vô cùng sầm uất. Đặc trưng của khu phố cổ là những phố làng nghề, thu hút những người thợ thủ công từ các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long tụ tập về 36 phố phường Hà Nội xưa để kinh doanh, buôn bán.

Hà Nội hôm nay ngày một phát triển nhưng trong lòng Thành phố vẫn in đậm dấu ấn lịch sử với hàng nghìn di tích, công trình kiến trúc trong đó có những công trình có niên đại cả trăm, nghìn năm. Sự hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo cho Hà Nội nền di sản kiến trúc vô cùng giá trị, vừa cổ kính vừa hiện đại. Tiêu biểu là chùa Một Cột, hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên… Đây cũng chính là một thành tố tạo nên bề dày của văn hóa đất Kinh kỳ.

Và như là một yếu tố tất yếu của văn hiến Thăng Long, đó là nét hào hoa, thanh lịch.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch,
cũng người Tràng An!

Nét hào hoa thanh lịch ấy đâu dễ hình thành trong ngày một, ngày hai mà chính là tự Thăng Long - Hà Nội chung đúc hồn thiêng sông núi, vượng khí tự nhiên hàng mấy ngàn năm. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng lý giải: “Thực ra, trong cả nước, chỗ nào văn minh thì đều có người thanh lịch. Nhưng Hà Nội với bề dày nghìn năm tuổi, cả nghìn năm đô thị hóa, thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, đồng thời có giao lưu quốc tế, thời sau thường xuyên hơn, lắm vẻ hơn thời trước, lại là kinh thành, là trung tâm chính trị, văn hóa lớn nhất nước, cũng có nghĩa là thịnh vượng hơn các vùng, tạo ra nền tảng vật chất cũng cao hơn cho nên chất văn minh, thanh lịch cũng đậm đà hơn”. Nét thanh lịch của người Hà Nội thực chất là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý, văn hóa trong làm ăn, ứng xử, cũng như sinh hoạt hàng ngày, từ ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật… tất cả đều được chăm chút, cân nhắc, tề chỉnh một cách khéo léo, tinh tế.

6308e18a20d1d.jpg

Nhìn về văn hiến Thăng Long, GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng “văn hiến Thăng Long - Hà Nội chính là sự kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội tiếp thu tinh hoa của các vùng đồng thời lại chuyển tiếp tinh hoa ấy cho các vùng khác”.

Danh xưng Hà Nội - Thành phố ngàn năm văn hiến vừa là niềm tự hào cũng đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển Thủ đô. Ngày nay, khi Thủ đô Hà Nội bước sang giai đoạn hội nhập và phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc, truyền thống văn hiến vẫn trường tồn và được xác định như nguồn sức mạnh nội sinh, là bước đệm để xây dựng nên thành phố văn minh, hiện đại./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia dệt Dèng A Lưới
    Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới (TP Huế) đang được bảo tồn và phát huy giá trị với các sản phẩm văn hóa kết hợp hiện đại phục vụ du lịch, trải nghiệm, trình diễn thời trang.
  • Đình, chùa Tây Vị được công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp thành phố
    Chùa Tây Vị không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một biểu tượng cố kết cộng đồng từ xưa đến nay. Sự tồn tại của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân nơi đây.
  • Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm: Kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm
    Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều nghề thủ công truyền thống dần bị lãng quên, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm lại chọn gắn bó với nghệ thuật thêu - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả chiều sâu văn hóa. Không chỉ nghiên cứu, thực hành nghệ thuật, chị còn là người kết nối textile art (nghệ thuật tạo hình từ sợi vải) với di sản văn hóa Việt Nam, khám phá và tái hiện những giá trị thêu cổ bằng góc nhìn đương đại. Từ xưởng thêu ven sông Hội An đến các triển lãm, workshop, hành trình của Ngọc Trâm là sự kết hợp giữa nghiên cứu, sáng tạo và gìn giữ ký ức dân tộc, nơi mỗi mũi chỉ, đường kim đều kể một câu chuyện về truyền thống và bản sắc.
  • "Hội diều làng Bá Dương Nội" đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Chiều 12/4, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
  • Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
    Lễ hội Tổng Nam Phù được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, nơi truyền thống được tôn vinh và giá trị văn hóa được thắp sáng hôm nay và mai sau.
  • Nghề làm chiếu Cà Hom trở thành di sản quốc gia
    Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 2321/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
    Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
    Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân nhìn về văn hiến Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO