Mùa xuân, tản mạn thú chơi hoa và cây cảnh

Hoàng Mai Hương| 20/03/2022 17:34

Mùa xuân, tản mạn thú chơi hoa và cây cảnh
Chợ Đồng Xuân xưa.
Có câu nói: Người ta là hoa của đất, 
                                  tình yêu là mật của hoa.

Người xưa quan niệm hoa là hun đúc tinh hoa của trời đất, vừa đẹp, vừa thơm lại thanh cao. Hoa có nhiều loại, đa màu sắc, diễm lệ, có hương thơm, vì vậy hoa để thưởng ngoạn, để trang sức và cúng lễ. 
Trong thờ cúng xưa, ở Việt Nam ta chỉ dùng loại hoa không quả như huệ, mẫu đơn, hòe, sói, cúc, lan, ngâu, hồng... không bạo tay cắt cả nụ, cả cành lộc non. Người già thường bảo ban con gái: phải tu bao nhiêu kiếp mới được đầu thai làm hoa, đời của hoa ngắn lắm, con phải nâng niu nó. Hoa chưa héo tàn thì đừng vứt bỏ, tội nghiệp.
Chỉ nói riêng về hoa đào, nước ta nào phải là nguồn gốc của chúng, phải là Trung Quốc, Nhật Bản... Song khác hẳn với cách chơi hoa đào tự nhiên (tháng ba sau Tết) của họ, ở ta, không biết từ bao giờ, các cụ đã biết cách thúc cho hoa nở sớm lên tới vài tháng để đón xuân. Tết Nguyên đán ở mỗi gia đình Việt Nam tưng bừng sắc thắm hoa đào. Nhiều người lượn chơi chợ hoa ở Cống Chéo Hàng Lược (chợ hoa Tết cổ) nhiều lần mà không chán. Ông ngoại chồng tôi là người của phố Hà Trung đầu thế kỉ19 cụ có cả vợ ta lẫn vợ Tây, cụ có thói quen đi thưởng ngoạn chợ hoa xuân từ 23 Tết đến chiều 30, cứ tay chống can (ba toong), đầu mũ phớt, khoác áo va rơi, thong thả đi bộ từ đầu đến cuối chợ hoa. Một ngày có khi dạo hai buổi cả sáng và chiều dưới trời mưa xuân lớt phơt bay để ngắm hoa đào hoa mai, thủy tiên, hải đường... Khi nào ưng ý thì mới vác trên vai mang về một hai cành đào, một phai, một bích để bày trên bàn thờ gia tiên với nụ cười tủm tỉm đầy vẻ mãn nguyện.
Thú chơi đào của người Việt ta thật có một không hai. Một cành đào khẳng khiu màu nâu đậm đà mộc mạc, ngỡ là cành khô, chỉ lấm tấm chút ít nụ trăng trắng, nhỏ xíu. Ấy vậy mà chỉ cắm trong bình nước vài ngày, đột nhiên nụ hé nở đỏ thắm như môi thiếu nữ, và khi gió xuân ấm áp hây hẩy, mưa xuân như bụi bay, cành đào vụt nở bung rực rỡ như có ai vừa thổi một luồng sinh khí vào vậy. Không gian trong nhà bừng bừng sức sống ấm áp, tươi vui rạng rỡ hẳn lên. Vì vậy hoa đào được coi là biểu tượng của ngày Tết. 
Từ xa xưa trên đất nước ta, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán đã có những hội thi hoa. Ở Hải Phòng, ngày mồng tám tháng hai âm lịch, ngày sinh nữ tướng Lê Chân, có hội hoa thủy tiên. Ở Nam Định, cũng có hội thi hoa thủy tiên và hoa cúc. Còn thú chơi hoa cây cảnh ở đất Hà thành thì sao?. 
Tình cờ khi giở tập bài thi Hương của sĩ tử, chúng tôi thấy bài luận bằng chữ Nôm trong Tân văn tập nhan đề Nông phố đấu xảo luận, viết về hội đấu xảo nông phố đầu tiên của nước ta, mở tại ngoại thành Hà Nội năm Nhâm Dần đời Thành Thái thứ 14. Thì ra, ngày 16/2/1902, người Pháp bắt đầu mở cuộc đấu xảo đầu tiên ở Đông Dương, đặt tại nước ta do toàn quyền Paul Bert chủ trì. Nơi đây trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo của người Pháp và tay nghề của nghệ nhân trong khu vực Đông Dương. Khu phức hợp này có diện tích 17 ha. Hội chợ kéo dài suốt bốn tháng từ tháng 11/1902 đến tháng 2/1903. Sau hội chợ, nơi đây trở thành bảo tàng Maurice Long, bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương. Về sau cứ hai ba năm hội chợ lại mở một lần. Sau chiến tranh, dấu tích còn sót lại chỉ là bức tượng sư tử bằng đồng đặt trước rạp xiếc Trung ương ở công viên Thống Nhất. Còn vị trí nhà đấu xảo xưa bây giờ là cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Mùa xuân, tản mạn thú chơi hoa và cây cảnh
Chợ hoa Hàng Lược xưa.
Khi cuộc đấu xảo đầu tiên do người Pháp mở ra thì ở ấp Thái Hà cũng có Long Biên ái hoa hội (hội những người yêu hoa Long Biên) do người Việt mở ra để thi hoa, thi cây cảnh vào đúng khoa thi Hương, nhân đó mà tổ chức thi làm thơ luật Đường cho đủ mặt thi nhân tham gia hội ái hoa Long Biên. Người đến thưởng hoa tất nhiên không thể thiếu những thi nhân hội viên của hội, thứ đến là khách xa gần khắp trong nước về Hà thành đón xuân.
Trong hội thi cỏ cây hoa lá chim chóc, non bộ, hội đủ mặt danh hoa, kì thụ như: quế, lan, trà, cúc, hòe, sen, hồng, mai, tùng, bách... Đến cả những cây dân dã như đào, mận, huệ, cam, chanh, bòng, bưởi, duối, dổi, sung, si... cũng tụ về. 
Nhiều tác giả khẳng định: hoa đẹp quả thơm, cây cối tốt tươi là vì “đất tốt , giống tốt” nhưng cũng không thể không kể đến “Con cháu Rồng Tiên thật khéo thay” đã thổi hồn vào cây cỏ:
Hoa nở tưng bừng tưởng nhạn sa
Suốt đường hoa hội lựng mùi hương.
Đến cả những thứ cây bình dân cũng trở nên cao quý, duyên dáng dưới bàn tay các nghệ nhân:
Viện chi bòng bưởi không đượm thắm,
Đến cả cam chanh cũng mặn mà
Duối dổi tài vun nên cánh phượng,
Sung si khéo uốn hóa râu rồng.
Hội thi hoa càng thu hút hơn bởi chọn được đúng nơi xứng đáng để mở hội:
Phồn hoa đã nức chốn Thành Long
Vượng khí non Nùng kể xiết bao
Đành rằng đây là cuộc thi thơ nhân hội đấu xảo hoa xuân do Hoàng Cao Khải chủ trì, nhưng đáng chú ý là ngoài vài bài mang ý nghĩa chính trị, còn lại những bài khác đều toát lên lòng yêu cái đẹp, tự hào trước vẻ đẹp của thiên nhiên cây cỏ hoa lá đất Việt, biết ơn công lao gây dựng non sông tươi đẹp của cha ông, trân trọng bàn tay lao động cần cù sáng tạo, khéo léo tài hoa của những con người:
Dấu nghệ chân tay tuy lấm láp
Cũng nên tai mặt mấy đời nay.
Những thi nhân tham gia hội, khi thì nhắn nhủ tha thiết như vừa nhắc người lại vừa tự khuyên mình vậy:
Một lòng yêu nước với yêu hoa
Yêu hoa xin rộng lòng yêu giống,
Có lúc lại đắm mình trong niềm hoài cổ:
Cành Lê cổ thụ chưng đấy nhỉ?
Gốc Lý tiền triều phải đó a?
Thế kỉ trước, ở ta, hội đoàn chơi hoa cây cảnh không nhiều. Ngày nay ở Hà Nội, đời sống mỗi ngày một khá giả về vật chất, tinh thần và tri thức, thì nhu cầu được sống gần gũi với hoa lá, thiên nhiên cũng ngày một nhiều hơn. Những năm gần đây, sở thích chơi cây cảnh, hoa lá ở Thủ đô thật muôn màu muôn vẻ. Ngoài các loài phong lan chơi quanh năm, Tết đến, thú chơi đào mai rừng với những cành khẳng khiu, thân mốc thếch dãi dầu nắng mưa, hoa lưa thưa, mỗi bông dăm bảy cánh phớt hồng đẹp tự nhiên hoang dã, được nhiều tay chơi đam mê. Các làng hoa ven đô thi nhau trồng những vạt hoa cải ngồng vàng rực, hoa cúc hoạ mi trắng tinh, thậm chí có cả cánh đồng tam giác mạch xinh xắn để thu hút khách... Ra Tết người ta lại rủ nhau tầm những cành lê trắng muốt, mong manh về chơi. Tháng ba, tháng tư, nhanh tay chơi hoa loa kèn nhanh kẻo hết mùa... Cũng bởi thế mà Hà Nội quanh năm ngập tràn những sắc hoa
(0) Bình luận
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân, tản mạn thú chơi hoa và cây cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO