Tản văn

Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà

Tản văn của Quách Hoàng Lan 07:46 31/03/2025

Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.

thuong-tra-dau-xuan-nhu-mot-thu-tieu-dao..jpg
Thưởng trà đầu xuân như một thú tiêu dao.

Khách quý là một cặp vợ chồng người gốc Tràng An nhưng định cư ở nước ngoài. Đã nhiều năm không ăn Tết ở quê hương nên họ rất háo hức. Từ tối qua chị đã nhắn: “Chị mong đến ngày thẩm trà quá, chị muốn uống trà trong mưa phùn để bõ những ngày nhớ thương xuân Hà Nội”.

Vậy thì nhất định phải mời chị trà sen! Và nhất định phải là trà Long Tỉnh Minh Tiền ướp trong búp sen Bách Diệp của Hồ Tây. Sở dĩ tôi lựa chọn loại cốt trà này là bởi khi ướp trong bông sen Bách Diệp Hồ Tây, hương trà nhẹ nhàng, tươi mới hòa quyện với hương sen thanh tao mà tinh tế tạo nên một tầng hương vô cùng phong phú và đặc biệt.

Dẫu vẫn biết khách là người vô cùng tinh tế, lại đến từ kinh đô của nước hoa nhưng tôi vẫn rón rén dặn nhỏ: “Thời tiết này những người chưa quen rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, anh chị chú ý giữ gìn sức khỏe và khi đến chị nhớ không dùng nước hoa đậm để thưởng thức trọn vẹn vị thuần khiết của trà nhé!”.

Thời tiết cũng thật chiều lòng người, từ đầu giờ chiều đã thấy sương giăng mù mù, gió lạnh và lất phất mưa bay. Cảm giác như mùa xuân đang ùa về cùng vạn vật hồi sinh, gieo những mầm hy vọng cho một khởi đầu mới mẻ và những hành trình dài phía trước. Lựa một chiếc chén khải, gói mứt sen trần, gẩy một lò than nhỏ, thả vài miếng vỏ bưởi khô, vừa vặn khi lò than bén hồng nổ tí tách thì khách tới cửa trà thất.

sen-de-uop-tra-phai-la-sen-bach-diep-cua-ho-tay.jpg
Sen để ướp trà phải là sen Bách Diệp Hồ Tây.

Tôi không pha trà trong ấm tử sa mà chọn chiếc chén khải miệng rộng để khi rót nước sôi vào, khách được ngắm nhìn từng búp trà nhỏ vươn mình bật lên như những chồi non, màu xanh như ngọc, tỏa hương thơm ngát. Long Tỉnh Minh Tiền là loại cho phẩm trà vô cùng cao cấp vì được trồng trên vùng núi cao của Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) với lịch sử hơn 1200 năm. Những búp trà non mới nhú được thu hái vào những ngày đầu xuân gom trọn nắng gió và tinh hoa của đất trời sau những ngày đông lạnh cho hương thơm tươi mới, thuần khiết, nhẹ nhàng. Được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, lá trà được sao khô trước khi bị héo để ngăn triệt để quá trình lên men. Vì thế mới có câu phú “Vũ Tiền thị thượng phẩm, Minh Tiền thị trân phẩm” ý nói Vũ Tiền là loại trà Long Tỉnh thơm ngon hảo hạng, còn Minh Tiền trà đích thị là loại trà Long Tỉnh quý như trân bảo.

Ấy là mới nói về trà, còn nói về sen, muốn ướp trà ngon thì hoa sen để ướp trà phải là sen Bách Diệp Hồ Tây. Chỉ lựa những nụ hoa hàm tiếu và được thu hái vào lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa lên những nụ hoa còn ngậm sương. Mọc lên từ bùn lầy, những búp sen vươn mình gom góp hương thơm của đất trời, tỏa mùi hương thanh khiết. Từng cánh sen được bóc nhẹ nhàng, tỉ mẩn, giữ lớp phấn hương và gạo sen để ướp những cánh trà từ cây cổ thụ đẫm sương gió. Cách thức ướp cũng quyết định hương vị: ướp xổi để giữ được sự tươi mới, ướp lâu để đượm hương. Sự kết hợp của Long Tỉnh Minh Tiền và sen Bách Diệp Hồ Tây - một từ vùng núi cao, một từ hồ dưới đất bằng, hòa quyện tạo thành một dải hương đậm sâu và tinh tế.
Nước để pha trà sen là nước tinh khiết, đun sôi trong ấm gang rồi hạ về 90 độ mới pha trà. Khi rót nước vào chén khải cũng phải thật nhẹ tay rót theo vòng tròn quanh chén để trà không bị cháy và ém hương, rồi nhanh tay chắt vào chén tống, sau đó mới rót ra chén trà mời khách thưởng.

Lẩn khuất trong sương mù và mưa phùn, làn khói mỏng manh từ chén trà tỏa hương thơm mát như kết nối và tiếp tiếp thêm năng lượng cho những tâm hồn đồng điệu. Nhấp một ngụm trà nhưng đừng vội nuốt để hương trà, hương sen ùa kín khoang miệng rồi từ từ cảm nhận vị chát nhẹ thoảng qua rất nhanh để lại hậu vị ngọt ngào, mềm mại. Từng tầng hương xen kẽ thanh mát, nhẹ nhàng cứ như hương hoa mùa xuân tụ cả về đây trong chén trà.

Bên lò than ấm tỏa hương vỏ bưởi, câu chuyện cứ rôm rả xoay vòng từ cái Tết những ngày bao cấp với bát hoa thủy tiên, dơn, thược dược, violet đến những cái Tết tha hương đầy hoài niệm về ấm trà xưa. Chẳng biết tự bao giờ mà trà đã trở thành một thức uống mỗi ngày, hầu như nhà nào cũng có bộ ấm chén để mời khách.

Dù là lá trà xanh nở bung cánh trong chiếc ấm tích của ngôi nhà bình dị hay những chén trà thượng phẩm được nâng lên thành “đạo” trong trà thất tịch mịch; dù lá trà hái từ vườn đẫm sương sớm đưa đến thẳng chiếc ấm trong giỏ mây tre hay hái từ cây cổ thụ trên núi cao rồi tinh tế ướp thêm cả những hương hoa theo mùa… đều là một nét đẹp về ẩm thực chốn Kinh kỳ, mang đến sự kết nối, mở ra những chuyện trò vào lúc người thong dong nhất, an ổn tự tại và cũng hoài niệm nhiều nhất.

Thưởng trà đầu xuân như một thú tiêu dao. Ấm trà đã nhạt mà khách nhất định không chịu thưởng thêm một vị trà khác để “giữ trọn hương sen cho những ngày xa Hà Nội có cái để nhớ về”. Cứ thế, buổi chiều trôi thật nhanh trong hương trà, hương xuân vấn vít. Lòng cả chủ và khách ngân nga như lời chia tay đầy lưu luyến, như một lời hẹn gặp đâu đó đã thầm ấn định. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”, một mùa sen Bách Diệp nữa lại sửa soạn đến với Hồ Tây nhưng trong lúc đợi cho hoa sen bung cánh, tỏa hương thơm ngát, có lẽ chẳng ai dễ dàng chối từ một chén trà xuân ngay đây, lúc này../.

Bài liên quan
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
(0) Bình luận
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhìn lại nửa thế kỷ văn học nghệ thuật Việt Nam
    Ngày 27/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Với 33 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, hội thảo là dịp tổng kết quá trình phát triển của VHNT Việt Nam trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm phát triển VHNT trở thành thành tố quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • “Con rối hát ngoài rừng xa”: Bước chuyển trong hành trình sáng tác của Khải Đơn
    Tác giả Khải Đơn từ lâu đã được biết đến như một cây bút sắc sảo trong địa hạt tản văn, ký và du ký với văn phong giàu chiều sâu nội tâm, sự cô đơn, bản dạng, ký ức và cảm thức di cư. Năm 2025, chị đánh dấu một bước chuyển mới táo bạo khi lần đầu tiên ra mắt độc giả ở thể loại truyện ngắn qua tác phẩm “Con rối hát ngoài rừng xa”. Sách vừa được Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc.
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu trong ESG và đổi mới sáng tạo năm 2025
    Chiều 27/6, tại Hà Nội, Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu trong ESG và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
  • Huyện Quốc Oai đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
    Chiều 27/6, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quốc Oai long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Đừng bỏ lỡ
Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO