Lý luận - phê bình

Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại

Thụy Phương 06:26 14/11/2024

Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.

“Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” (Nhã Nam và NXB Hà Nội liên kết xuất bản năm 2024) đề cập tới một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành của Thành phố Hà Nội ngày nay. Đây là giai đoạn mà Hà Nội đi qua những năm tháng cả hào hùng lẫn thương đau, bị tàn phá và được kiến thiết. Những biến động lớn lao đó đã hiện hữu lên trang sử của Hà Nội một dấu ấn không thể phai mờ.

bia-sach-ha-noi-thoi-can-dai.jpg
Bìa sách Hà Nội thời cận đại

Cuốn sách mở đầu với hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882 và kết thúc là sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội năm 1945 - năm cuối cùng của chế độ thuộc địa. Trên cơ sở các thông tin khai thác từ các phông tài liệu thời Pháp thuộc của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tác giả đã có những phân tích vừa mang tính bao quát, vừa đi sâu vào chi tiết cụ thể để giải mã sự thật lịch sử qua 40 bài viết đề cập nhiều phương diện của lịch sử Hà Nội thời kỳ này.

Phần I cuốn sách gồm 5 bài viết xoay quanh thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873 - 1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị thất thủ, chiếm đóng và phá hủy. Người đọc dễ dàng hình dung ra quá trình đánh chiếm Hà Nội của thực dân, tinh thần chiến đấu kiên cường của nhân dân, đặc biệt là tấm gương kiên trung của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu cùng những người con đất Việt quyết giữ thành trong thế tương quan chênh lệch. Đáng chú ý, qua các thư từ, báo cáo của các sĩ quan người Pháp như Coquerie, F. Garnier, H. Rivière…, bạn đọc có thể nhận thức đầy đủ về ý đồ biến Hà Nội thành một “Paris thu nhỏ”, một “thành phố Pháp” hoa lệ của thực dân xâm lược, chứ không chỉ là dã tâm phá hủy văn hóa bản địa của chính quyền thực dân như vẫn tồn tại trong nhiều ghi chép, nghiên cứu.

Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một “thành phố Pháp”, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân. Qua 8 đề mục nhỏ, cuốn sách đã tái hiện lại dáng dấp của một Hà Nội xưa, đặc biệt là trong quá trình tái thiết, xây dựng Thành phố Hà Nội của chính quyền thực dân (từ cuối thế kỷ 19 đến 1945). Với việc tận dụng và khai thác triệt để tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, quá trình quy hoạch địa giới hành chính, việc thành lập và đặt tên đường phố cho tới các vấn đề về văn hóa - xã hội, giáo dục, bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử; xây dựng, mở rộng thành phố đã được phản ánh sinh động trong cuốn sách.

Ngoài 40 bài viết, cuối sách còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954”.

1.-nha-nghien-cuu-dao-thi-dien-chia-se.jpg
Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970 - 1975) và sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội (1975-2008). Bà có bằng Tiến sĩ Lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7 - Denis Diderot (Pháp). Bà là tác giả của nhiều chuyên luận đã xuất bản về Hà Nội: “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954)”, 2 tập, (Nxb Hà Nội, 2010, Đào Thị Diến Chủ biên); “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954” (Nxb Hà Nội, 2019). Bà cũng tham gia biên soạn các sách: Từ điển đường phố Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2010); Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2010); Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính (Nxb Hà Nội, 2017), Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay) (Nxb Hà Nội, 2019).

Hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Soi chiếu lịch sử qua lăng kính tài liệu lưu trữ cũng chính là nét độc đáo trong các nghiên cứu của tác giả. “Lịch sử luôn cần có một độ lùi thời gian cần thiết để chiêm nghiệm và đánh giá công bằng, xác thực về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Và khi đã có độ lùi lịch sử thì việc đánh giá sự kiện lại cần theo phương pháp tiếp cận thực chứng lịch sử. Tài liệu lưu trữ chính là nguồn thông tin vô cùng quan trọng, là những thực chứng lịch sử trong việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Hà Nội nói riêng”, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến chia sẻ.
Ở cuốn sách này, tác giả đã khai thác một lượng lớn tài liệu là các phông lưu trữ như Phông Đô đốc và Thống đốc Nam Kỳ, Phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Phông Tòa Đốc lý Hà Nội, Phông Sở Giáo dục Bắc Kỳ… Ngoài ra còn có các tạp chí được xuất bản thời Pháp thuộc như: Công báo thành phố Hà Nội, Công báo của các lực lượng viễn chinh Nam Kỳ, Việt Nam dân quốc Công báo… Các phông lưu trữ và tạp chí này cung cấp một lượng lớn tư liệu bao gồm các quy định, nghị định, thông báo, sơ đồ của chính quyền thực dân, các thư từ, ghi chép, báo cáo… chứa đựng nhiều thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, có giá trị vô cùng quan trọng trong việc đánh giá lịch sử.

“Khai thác một cách cẩn trọng các nguồn tài liệu nguyên gốc có trong các kho lưu trữ từ Hà Nội đến Aix-en Provence, tác giả đã phác họa nên hình hài của một thành phố được xây dựng và tổ chức theo hướng hiện đại so với thời đó qua ba giai đoạn 1873 -1888, 1889 - 1920 và 1921 - 1945. Nhờ vậy, người đọc ngày nay có thể hình dung được sự hình thành một thành phố của “xứ bảo hộ” dưới quyền cai trị của người Pháp: ranh giới thành phố được xác định, bộ máy quản lý thành phố được tổ chức và các quy chế quản trị được thực thi. Đó là những bước đầu cho việc xuất hiện một thành phố tân tiến với những dãy “phố Tây”, với mạng lưới tàu điện thuận tiện tỏa rộng, và cây cầu đồ sộ vượt sông Hồng mang tên Toàn quyền Paul Doumer”, PGS.NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.

2.trao-giai-thuong.jpg
Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” của tác giả Đào Thị Diến đã được vinh danh ở hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17 năm 2024.

Có thể nói, “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” vừa là một công trình chuyên khảo, vừa có thể xem là một dẫn nhập rõ ràng, dễ hiểu cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội thời cận đại. Dựa trên các tài liệu lưu trữ đáng tin cậy, cùng phương pháp nghiên cứu khoa học tỉ mỉ, nghiêm cẩn, tác giả Đào Thị Diến đã đưa đến một hình dung Hà Nội chân thực, giúp độc giả hôm nay có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội.
Tại lễ trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 17 năm 2024, cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” của tác giả Đào Thị Diến đã được vinh danh ở hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo Giải thưởng, cuốn sách có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội thời cận đại, đặc biệt là những tài liệu về mặt xây dựng và quản lý đô thị cũng như bảo vệ các di sản văn hóa của Hà Nội.

“Là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc thành Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản Thủ đô (1954), tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn vẹn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp…, con đường dẫn tới trường Chu Văn An thân yêu tôi đã học trong những năm cấp II rồi cấp III sau khi đi sơ tán trở về. Với tôi, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế rồi vườn hoa Cửa Nam… đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ. Cuốn sách này như một sự tỏ bày, gửi gắm tình yêu sâu đậm với Hà Nội tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như tôi”, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến bộc bạch./.

Bài liên quan
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
(0) Bình luận
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
  • Dòng chảy hiện sinh trong thơ hiện đại Việt Nam
    Trong triết học phương Tây hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh nổi bật như một cuộc đối thoại sâu sắc với thân phận con người, đặt ra những câu hỏi day dứt về sự tồn tại và mối quan hệ giữa cái hữu hạn - cái vô cùng.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO