Một chiêm nghiệm thú vị về chậm - nhanh

Hồ Sĩ Tá| 04/09/2021 08:59

Tôi tình cờ đọc bài thơ Ngày của nhà thơ Bùi Việt Mỹ trên báo Người Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên của tôi là: Một bài thơ cô đọng, tứ thơ gần gũi mà mang nhiều lập luận thú vị, tạo thành tứ lạ.

Một chiêm nghiệm thú vị về chậm - nhanh

Bùi Việt Mỹ
Ngày
Con 
Bận bịu với chùm bóng bay
Để ngày nằm ì trên lưng cỏ
Diều đứt dây ngả nghiêng tai thỏ
Trâu no tròn cười bâng quơ,
Trời giật mình sau mơ
Bóng râm quẹt vào lần ngủ gật
Mấy tiết học bức tranh gà nhem bẩn
Kim giờ vẫn trơ trơ.
Tôi 
Vừa sang chợ về
Mặt trời đánh vèo qua đê, bóng nước
Chưa kịp khô vết bước
Nắng xuyên lẹm gót chân,
Còn lại đây dấu vết mùa xuân
Rét dai, mạ già, cấy lại
Cũng chưa kịp gặt hái
Tóc đã hoa râm.
Vừa ngả lưng, cặp mắt cay nồng
Ngoài hiên đã nghe rì rầm
Ông, bà ngước sương, sao:
Đêm nay nhiều sao
Ngày mai còn nắng.

Bài thơ có ba đoạn, năm khổ, mỗi khổ chở lượng thông tin đầy ắp, thích hợp, tương tác với hoàn cảnh và tâm lý quãng đời:

Con
Bận bịu với chùm bóng bay
Để ngày nằm ì trên lưng cỏ
Diều đứt dây ngả nghiêng 
tai thỏ
Trâu no tròn cười bâng quơ,

Quê hương khởi nguồn bằng tuổi thơ. Hẳn đây là bức tranh quê sinh động: trên cánh đồng xanh, vài con trâu, một cánh diều giấy rớt xuống vệ cỏ, và chú bé thả trâu đang tha hồ chạy chơi. Sự đẫy đà về thời gian và không gian, ngay cả cách thể hiện sự thoải mái qua cái nghếch hàm một cách vô thức thường thấy của những chú trâu. Cỏ có lưng tức là cỏ đủ dài để cõng nắng và đủ che khuất tới nửa thân cái diều cỡ bằng đôi bàn tay. Ham chơi thì bao giờ cũng bận bịu, nhưng chơi mãi, trời vẫn cứ chưa tối. Ở đây, chúng ta chú ý đến tính ước lệ về thời gian mà tác giả đo, thấy nó rất dài đối với trẻ nhỏ: ngày nằm ì trên lưng cỏ. Câu mô phỏng thời gian này là bước đệm, tạo dụng ý cho khổ thơ sau, cứ vẫn là một chuỗi ngày dài nhưng phải có thêm bốn câu này mới tạo lập được đủ và rõ ý các tình tiết thường gắn liền với hoạt động của trẻ thơ: 

Trời giật mình sau mơ
Bóng râm quẹt vào lần ngủ gật
Mấy tiết học bức tranh gà 
nhem bẩn
Kim giờ vẫn trơ trơ.

Tác giả tiếp tục đưa chúng ta về hiện thực đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ: Ai cũng đã từng ngủ gật khi học bài. Ngày xưa, ngủ dưới bóng cây hoặc dưới mái nhà tranh có tia nắng xuyên qua, ngủ khi học bài thì giật mình vì sợ. Đây không phải là quẹt que diêm mà là cái bóng nắng trôi qua đầu, qua má em nhỏ: Bóng râm quẹt vào lần ngủ gật. Trẻ nhỏ thôn quê ngày ấy bụi bặm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặc, cứ rớt vào trang sách có bức tranh Đông Hồ chẳng hạn. Nhưng đấy là trời giật mình chứ không phải là em. Em và mặt trời cùng vô tư như nhau, ai giật mình chẳng được. Tuy nhiên, tôi lại muốn nói kế vào ý của đoạn thơ nói trên: ngày nằm ì trên cỏ khi đi chăn trâu, còn kim đồng hồ - kim chỉ giờ thì mãi chưa hết một tiết học. Tuổi thơ, những tiết học sao mà dài lê thê, mong hoài cho hết tiết mà kim giờ vẫn trơ trơ. Có ai nhìn thấy cái kim chỉ giờ nó quay đâu mà!

Vâng, thời gian của một ngày, một tháng, một năm với con trẻ sao lâu đến thế. 

Đoạn thơ thứ hai với nhân xưng Tôi là trung tâm của bài thơ. Từ con (tức mình khi còn nhỏ) tới tôi là thế hệ kế tiếp, mặc nhiên có hai trạng thái tâm lý khác nhau. Và bởi thế, tạo bước ngoặt cơ bản nhưng không mất đi tính logic của thơ, bởi nó phù hợp tính tự nhiên của đời sống vạn vật.

Người dân đồng bằng Bắc bộ dù phải vất vả lo toan, có thể quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc nhưng họ vẫn luôn bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, tất bật này: “Tôi vừa sang chợ về/ mặt trời đánh vèo qua đê, bóng nước”.Thật vậy, dậy đi chợ từ sớm, tạm xong việc, vội rảo bước trở về thì mặt trời đã kịp vượt qua con đê mà soi bóng xuống kênh nước. Cứ thế, mặt trời lên rồi mặt trời lặn, nắng gió xuyên lẹm gót chân chai sần, chưa kịp rửa cho sạch ở mỗi bận người nông dân đi làm về.

Không chỉ thế, khổ hai của đoạn thơ Tôi là đoạn thơ bổ trợ như để kích hoạt ý nghĩa của đoạn thơ trước. Phải là thấu hiểu lắm đồng đất, nắng mưa, nóng rét quê mình mới diễn tả cô đọng trong mấy câu thơ ghép từ dân dã rằng: Rét dai, mạ già, cấy lại/ Cũng chưa kịp gặt hái/ Tóc đã hoa râm. Ở đây, tác giả đã lấy cái sự gieo mạ gặp rét, qua Tết vẫn rét, phải gieo lại, lấy mạ non cấy lại mới cho mùa vàng, lồng cái ý chính của đoạn thơ là thời gian với Tôi là trôi quá nhanh: cứ cần mẫn lam làm chưa kịp thu hoạch lúa, khoai… mà gót đã lẹm, tóc đã bạc mất rồi… Cũng cần phải nói thêm, về nghệ thuật thì cách mô tả, tạo tứ cho sự cần lao đó cũng chính là làm cho hình ảnh quê hương rất thật, đầy sống động và gần gũi với chúng ta.

Nhưng, điều tôi muốn nói ở đây, qua hai đoạn thơ rất ngắn, tác giả muốn khắc họa hai hình ảnh rất thuần chất về nơi vùng quê để nói về hai thế hệ cuộc sống con người với sự cảm nhận về thời gian rất khác nhau: một chậm và một nhanh, do chính quy luật của mưu sinh tạo ra: không làm, ngại làm thì thấy ngày dài, còn toan lo, theo đuổi công việc thì thấy ngày trôi thật nhanh.

Và, thêm mấy dòng bổ trợ cũng với Tôi là nhân xưng, nếu như lệ thường, tác giả có thể chuyển hẳn khổ thơ sang ý mới, nhưng ta vẫn thấy sự nối tiếp của tâm trạng nhân vật Tôi. Nhấn mạnh thêm sự trôi nhanh đến gấp gáp của thời gian so với cuộc sống: ban ngày thì chóng tối, tối vẫn phải làm, nào được ngủ đẫy giấc. Câu thơ có ý tạo không gian để quan sát về thế hệ trước đó nhằm dẫn tới khẳng định một quy luật thời gian của các thế hệ nhà nông. Đó chính là sự trung dung của thế hệ cha mẹ đã từng trải để về già. Không gì bằng mượn tục ngữ kết lại từ ngàn đời của cha ông ta: đêm nay trời sáng sao, ngày mai nhất định sẽ nắng. Và thế là phải quá. Đến đây, tác giả như muốn chầm chậm lại để chiêm nghiệm. Nhưng để làm gì? Để cân bằng lại quá trình khác biệt của chậm và nhanh chăng? Song, với trung tâm vẫn là Tôi thì con người - về mặt tâm sinh lý, biết nhìn trước, nhìn sau mới hợp với lẽ sống thường tình. 

Bùi Việt Mỹ đã mang nặng hình bóng quê nhà vào nhiều trang viết của mình: từ văn xuôi đến thơ, qua các tác phẩm như: Vụng làng - văn, Vườn nắng, Tản mạn ngoại thành, Những luống cày vắng mùa - thơ… Với Bùi Viêt Mỹ, cái xuất xứ quê mùa đó là niềm tự hào, và những kỷ niệm, trải nghiệm văn hóa ở miền quê là chất xúc tác khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Bài thơ Ngày thật giản dị, đầy ắp hình ảnh, tiết tấu hàm súc của nhà thơ Bùi Việt Mỹ, cùng với nhiều sáng tác khác nữa của anh, có thể hình dung diện mạo tài năng cũng như bản thể chân chính của tác giả.
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một chiêm nghiệm thú vị về chậm - nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO