Làng nghề kim hoàn: Mạch ngầm văn hiến

hanoimoi| 29/05/2020 15:12

Trong nghìn năm lịch sử, đất kinh kỳ luôn là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, bao gồm cả những nghệ nhân, thợ tinh xảo của đủ mọi nghề từ khắp bốn phương. Trong đó, nghề kim hoàn có bề dày lịch sử với những câu chuyện thăng trầm lý thú như một mạch ngầm văn hiến vẫn luôn chảy mãi trong lòng Thăng Long - Hà Nội.


Làng nghề kim hoàn: Mạch ngầm văn hiến
Với những đóng góp trong việc giữ gìn, duy trì nghề đậu bạc Định Công, nghệ nhân Quách Văn Hiểu đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Tinh hoa Hà Nội

Dân gian xưa có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Có thể thấy, nghề đậu bạc ở Định Công từ xa xưa đã được đánh giá là một trong 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ VI, thời Tiền Lý, làng Định Công có ba anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa. Họ học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc (nghề đậu bạc) và mở cửa hàng lấy tên là “Kim hoàn”. Nhờ cần cù, khéo léo nên sản phẩm họ làm ra rất tinh xảo. Ba anh em dạy dân làng cùng làm nghề, truyền từ đời này sang đời khác. Từ đó, nghề làm vàng bạc làng Định Công được khắp nơi biết đến. Để ghi nhớ công ơn, dân làng Định Công lập đền thờ ba anh em họ Trần, vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hằng năm tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng.

Với lịch sử khoảng 1.500 năm, nghề đậu bạc Định Công có nhiều nét độc đáo so với các làng nghề khác như Châu Khê (Hải Dương), Đồng Xâm (Thái Bình). Thợ kim hoàn Định Công khi chế tác sản phẩm vàng bạc tinh xảo luôn thực hiện 3 khâu quan trọng là chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, họa tiết trên mặt các đồ trang sức hoặc các sản phẩm bằng vàng bạc như các loại chóp nón, kiềng, vòng, khánh, ống vôi, ống nhổ... Kỹ thuật đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành sợi rồi từ những “sợi chỉ” này kết hình hoa lá, chim muông gắn vào đồ trang sức. Tiếp đó là kỹ thuật trơn, người thợ không cần chạm trổ mà phải “cườm” cho sản phẩm nhẵn, bóng, trơn. Thợ kim hoàn lành nghề phải giỏi cả ba kỹ thuật chuyên môn trên và biết thủ thuật luyện kim cổ truyền. Theo kinh nghiệm, muốn có vàng tốt, tức là vàng đủ 10 tuổi, người thợ phải nắm được kỹ xảo cổ truyền gọi là “chở vàng”.

Nói đến nghề kim hoàn tại Hà Nội cũng không thể không nhắc đến phố Hàng Bạc. Con phố dài gần 300m thuộc quận Hoàn Kiếm là một trong những phố cổ của “36 phố phường Hà Nội”. Từ xa xưa, phố Hàng Bạc đã hình thành 3 nghề có quan hệ gắn bó với nhau. Thứ nhất là nghề đúc bạc nén do người làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) lên Thăng Long cư trú, lập nghiệp thời Lê Thánh Tông (1460-1497). Thứ hai là nghề đổi bạc cũng do người làng Châu Khê đảm nhận đổi tiền kẽm lấy bạc nén, bạc vụn (vì thế, thời Pháp thuộc phố này được gọi là Rue des Changeurs - phố Những người đổi tiền). Thứ ba là nghề kim hoàn với những kỹ thuật chạm, đậu, trơn tinh xảo học từ thợ kim hoàn Định Công.

Thời kỳ hoàng kim của nghề kim hoàn tại đất kinh kỳ là giai đoạn trước năm 1945. Trong một thời gian dài các sản phẩm kim hoàn có tính thẩm mỹ cao là niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 1954, nghề kim hoàn gặp khó khăn, đến sau năm 1972 thì gần như mai một hẳn.

Từ năm 1983, làng nghề kim hoàn Định Công và nghề kim hoàn ở Hà Nội nói chung bắt đầu được hồi sinh, ngày càng khởi sắc, nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn ở trong, ngoài nước.

Còn đó những trăn trở

Nghệ nhân Quách Văn Trường, người có công phục hồi nghề kim hoàn truyền thống của làng Định Công, cho biết: Vào năm 1983, Ban tổ chức một festival thủ công mỹ nghệ quốc tế ở Nga biết tiếng làng nghề kim hoàn Định Công nên đã đặt làm sản phẩm hoa bướm đậu bằng đồng cài ve áo để làm quà lưu niệm. Dẫu thời điểm đó còn nhiều khó khăn nhưng ông Trường vẫn quyết tâm khôi phục nghề. Ông đã cùng nhiều thợ giỏi trong làng vừa sản xuất, vừa dạy nghề. Trong vòng 2 năm sau khi diễn ra festival, nhiều gia đình đã quay trở lại sống với nghề truyền thống.

Nếu như nghệ nhân Quách Văn Trường là người “đặt nền móng” cho quá trình hồi sinh của làng nghề kim hoàn Định Công thì nghệ nhân Quách Văn Hiểu lại là người có công quảng bá, đưa hình ảnh nghề đậu bạc đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Tác phẩm của ông đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các triển lãm lớn. Năm 2004, lần đầu tiên làng nghề Định Công đoạt Huy chương vàng tại một hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ với tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc”. Năm 2008, tác phẩm “Hộp quạt Xuân Hương” của nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng ASEAN - tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ các nước ASEAN. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải. Với những đóng góp trong việc giữ gìn, duy trì nghề đậu bạc Định Công, ông Quách Văn Hiểu đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Mặc dù vậy, việc lưu giữ, phát triển nghề kim hoàn truyền thống của Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nghệ nhân Quách Văn Trường bày tỏ: “Tôi mong muốn có được nơi trưng bày, quảng bá nghề kim hoàn Định Công và một trung tâm để đào tạo nghề. Trước đây, nghề kim hoàn Định Công chỉ truyền cho người trong làng nhưng bây giờ tôi sẵn sàng dạy cho những ai yêu nghề, muốn học hỏi”. Còn nghệ nhân Quách Văn Hiểu chia sẻ: “Nghề đậu bạc đòi hỏi người thợ phải kiên trì, thường xuyên nâng cao tay nghề nên hiện giờ người trẻ không mấy mặn mà. Việc thiếu thợ lành nghề hiện vẫn là một trong những khó khăn của làng nghề Định Công, bởi để có được một nghệ nhân giỏi có thể mất khoảng 10 năm”.

Chia sẻ những trăn trở về nghề kim hoàn tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1950), một thợ kim hoàn lâu năm ở phố Hàng Bạc cho biết: Gia đình ông lập nghiệp tại Hà Nội từ năm 1902, đến nay đã có 5 thế hệ theo nghề kim hoàn. Đây là nghề chế tác kim loại quý nên đòi hỏi người thợ phải trung thực, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Có lẽ vì vậy mà từ trước tới nay gia đình ông chưa từng dạy nghề cho ai ngoài huyết thống. Thế nhưng, những năm gần đây, có nhiều người trẻ đam mê với nghề kim hoàn đã tìm đến học hỏi và ông sẵn lòng chia sẻ những bí quyết của nghề. Hiện con trai của ông cũng đang phát triển nghề kim hoàn Việt Nam tại Thụy Điển…

Trải bao thăng trầm lịch sử, nghề kim hoàn như một mạch ngầm vẫn chảy mãi ở đất kinh kỳ văn hiến bởi được hun đúc từ sự tâm huyết của các nghệ nhân. Thật mừng là những năm gần đây, tinh hoa nghề cổ lại được bồi đắp thêm bởi sự đam mê “tầm sư học đạo” của các thế hệ trẻ. Những đơn hàng liên tục từ thị trường trong nước và quốc tế đã mang đến tín hiệu vui, báo hiệu sự khởi sắc của nghề kim hoàn, một nét đẹp tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chuyện chưa biết về cây Thị hơn 300 năm tuổi ở Cố đô Huế
    Cây thị 324 năm tuổi gắn với lịch sử hình thành họ Thân Văn ở Thừa Thiên - Huế và đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, rất ít người biết đến do “cụ” thị được trồng trên triền bán sơn địa Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, TP Huế).
  • Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa
    Thủ đô Hà Nội sẽ tăng cường nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố, trước mắt đến năm 2025 với các lĩnh vực: Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Ẩm thực, Xuất bản, Kiến trúc…
Làng nghề kim hoàn: Mạch ngầm văn hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO