Giá trị lịch sử văn hoá:
Khu “36 phố phường" Hà Nội ra đời cùng với hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ XI đời Lý. Khu thị dân cổ này nằm ở phía đông và đông bắc thành cổ trong gần 10 thế kỷ đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm giữ nền độc lập cho nước nhà. Khu phố cổ này, cùng với sông Hồng, là khu bảo vệ vòng ngoài cho thành cổ trong thời chiến, là khu vực buôn bán sầm uất nuôi sống thành cổ trong thời bình, là gương mặt của đất nước trong quan hệ đối ngoại.
Khu “36 phố phường" trước năm 1954 theo thống kê có 115 công trình tôn giáo tín ngưỡng, tới nay hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu, tổng cộng là 85 công trình phân bố trên khu vực gần 100ha. Có thể nói là mật độ công trình tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ thuộc loại cao. Nhiều công trình có niên đại khởi dựng từ thế kỷ XI cùng thời đặt móng xây dựng thành Thăng Long. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ thuộc loại cao. Nhiều công trình có niên đại khởi dựng từ thế kỷ XI cùng thời đặt móng xây dựng thành Thăng Long. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng này là không gian tâm linh mang tính cộng đồng, nó có mối quan hệ vô hình với các không gian tâm linh riêng của từng ngôi nhà trong khu vực. Các không gian văn hoá tâm linh này vẫn đang tồn tại, góp phần tạo hồn cho khu phố cổ.
Khu “36 phố phường" xưa, nay đếm được 76 phố, ngõ, có tới trên 50 phố được đặt tên phố bắt đầu bằng chữ Hàng, như: Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Cân v.v... Tên phố là tên phường nghề, tên của các sản phẩm bày bán... Cảnh sống sinh hoạt từ xưa đã nổi tiếng khắp đất nước là nơi “ngàn năm văn vật" là nơi... Dập dìu tài tử giai nhân - Ngựa xe như nước, áo quần như nêm... (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Nơi đây không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng: văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều cửa hàng ăn uống nổi tiếng, văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của các đoàn Quảng Lạc, Chuông Vàng, Kim Chung, Kinh Phụng; hoạt động sôi nổi của các rạp chiếu phim. Nơi đây có các trụ sở làm việc của toà soạn các báo trong thời kỳ Cận đại, như Trung Bắc tân văn, Hà thành Ngọ báo, Phong hoá, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Tin tức Đảng Cộng sản Đông Dương, Nhà xuất bản Tân Dân, trụ sở Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Khai trí tiến đức, và đặc biệt là di tích lịch sử Cách mạng ở 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập v.V...
Giá trị về không gian đô thị, về quần thể kiến trúc:
Trước hết phải nói lại rằng khu “36 phố phường" là thành phần khu thị dân trong tổng thể kinh thành Thăng Long, được hình thành theo quan điểm của thuyết phong thuỷ. Thăng Long là một đô thị sông nước: sông Nhị Hà viền quanh từ bắc sang đông; phía tây nam có hồ lớn: hồ Tây, Bảy Mẫu, có sông Tô Lịch, Kim Ngưu chảy quanh.
Khu “36 phố phường" nằm ở phía đông thành Thăng Long, xưa là phường Giang Khẩu; nơi có nhiệm vụ trấn phía đông kinh thành với đền Bạch Mã thờ Thành hoàng của Thăng Long là Long Đỗ (76 phố Hàng Buồm), có chợ Cửa Đông, chợ Đông Bạch Mã, xưa đặt ở phố Hàng Buồm sau chuyển lên địa điểm chợ Đồng Xuân ngày nay. Khu chợ Đông Bạch Mã này gắn kết với sông Nhị Hà là nơi “trên bến, dưới thuyền", buôn bán sầm uất là một thương cảng cổ - xuất phát từ lịch sử văn hoá truyền thống đó, kết hợp với thực tại hiện hữu về di sản nhà cửa ở nơi đây, các nhà nghiên cứu đã đề xuất khu vực mà giới hạn ở phía bắc là phố Hàng Chiếu, phía đông là đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, phía nam là phố Hàng Bạc, phía tây là Hàng Đường, Hàng Ngang, là khu vực bảo tồn số một; phần còn lại được gọi là khu hai.
Cả khu vực 1 và khu vực 2 của khu phố cổ Hà Nội hiện nay, mặc dầu đã được cải tạo nhiều từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song đến nay vẫn còn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với đường phố, ngõ nhỏ hẹp, nhiều đoạn đường gãy khúc hoặc uốn cong từ thời xa xưa để lại (nhất là ở khu vực 1). Hai bên phố là các loại nhà với đa phong cách, các nhà chia lô nhỏ bé, chiều cao 2 - 3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Nhà lợp ngói, mái ngói lô xô cao thấp khác nhau; cùng các hoạ tiết trang trí mặt tiền nói lên sự giao lưu, cộng sinh văn hoá giữa văn hoá Việt với các văn hoá Hoa, Pháp và có cả văn hoá ấn trong quá trình hình thành, phát triển khu cư dân, buôn bán, thủ công hiệp phố cổ.
Giá trị về công nghệ xây dựng tiêu biểu cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử:
Trong phần trình bày về giá trị các loại hình công trình kể trên đã đề cập đến phần nào về công nghệ xây dựng - khu "36 phố phường" xưa của Hà Nội là nơi tụ hội buôn bán, thợ thủ công nghiệp có tiếng của cả nước; do vậy nơi đây trở thành đặc trưng sự tài hoa của người kinh kỳ. Nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng cổ truyền với các kiểu hệ vì kèo gỗ trang trí chạm khắc từ các công trình tôn giáo tín ngưỡng, đến nhà ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Kỹ thuật xây nhà với tường gạch chịu lực, với hệ san vỉa gạch trên dầm gỗ, hay trên dầm sắt - trần vôi trơn, mái ngói Tây... Và ngày nay là sử dụng khung bê tông cốt thép với các vật liệu trang thiết bị hiện đại v.v...
Các giá trị về công nghệ xây dựng ở các giai đoạn lịch sử trước cũng cần được tôn trọng giữ gìn cùng với những hình thức kiến trúc đã được sáng tạo trên cốt cách của kỹ thuật đã được sử dụng.
Từ những giá trị kể trên có thể nói rằng khu "36 phố phường" xưa là tài sản có giá trị kinh tế và văn hoá của Hà Nội, của đất nước. Nó là di sản văn hoá quý báu của đất nước.
Giữ gìn khu phố cổ Hà Nội là giữ gìn một dấu ấn bản sắc cho đô thị Hà Nội; làm cho Hà Nội trong tương lai có được những không gian truyền thống trong lòng không gian hiện đại... Khu phố cổ Hà Nội đang được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất quan tâm trong việc bảo tồn, cải tạo, phát triển sẽ là những khu vực hấp dẫn khách du lịch đến thăm, tạo đà phát triển kinh tế du lịch cho Hà Nội và cho đất nước. Thăm khu phố cổ Hà Nội, khách tham quan hiểu được sinh hoạt và truyền thống “ngàn năm văn hiến" góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hoá, trong quá trình hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc.
Khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01