Nằm ở trung tâm huyện lị Ba Vì, thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đình cách Hà Nội khoảng hơn 60km về phía tây. Từ trung tâm Thủ đô, theo Quốc lộ 32 đến km 52 rẽ trái đi khoảng 1km nữa là tới di tích.
Đây là công trình kiến trúc đình làng tiêu biểu, đặc trưng: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, có giá trị nghệ thuật cao, niên đại vào loại sớm nhất nước ta (thế kỷ XVI). Quy mô kiến trúc của đình hiện nay gồm: Cổng ra vào, hồ bán nguyệt, Nghi môn, Tả hữu mạc và toà Đại đình.
Phía trước Đại đình, cách một khoảng sân rộng, bên ngoài 411. Không gian bên trong đình Tây Đằng Nghi môn là hồ nước thả sen. Hai bên hồ nước là hai lối đi vào đình và được giới hạn bởi 2 cột trụ biểu, có tiết diện hình vuông. Đấu cột bổ trụ ô lồng đèn vuông vức.
Nghi môn đình Tây Đằng xây dựng kiểu Nghi môn trụ biểu gồm hai cột lớn và hai cột nhỏ. Thân cột đề hai đôi câu đối ca ngợi cảnh quan và công đức của vị thần. Phía trên cột trụ đắp nổi hình tứ linh, đôi lân chầu, mặt hổ phù, chim phượng chụm chân vào nhau tạo thành hình hoa dành cách điệu.
Tiếp đến là hai dãy nhà Tả, Hữu mạc đối diện nhau. Mỗi nhà có kết cấu ba gian hai dĩ, kiểu chồng rường giá chiêng, phía bên ngoài làm theo lối chồng diêm hai tầng tám mái. Các đạo đình làm cong hình đầu rồng. Mái lợp ngói mũi hài. Toà nhà này được xây dựng năm Canh Thân dưới triều vua Tự Đức (1960).
Toà Đại đình làm kiểu chữ “nhất”, gồm ba gian hai dĩ. Các bờ nóc, bờ dải đắp cao và trang trí một đường gạch hoa chanh. Hai bờ nóc đao đình có hai con kìm. Bốn đầu đao và giữa các bờ dải đắp nổi một con lân. Bộ khung nhà được làm chắc chắn trên các hàng chân cột to, tròn chu vi từ 2,20m - 1,55m. Gian giữa Đại đình được làm cao để thờ
Thành hoàng làng. Các gian bên để trống tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng xã.
Điều đặc biệt ở đình Tây Đằng là nghệ thuật điêu khắc. Hầu hết các cấu kiện gỗ đều được chạm khắc độc đáo, đặc sắc với các đề tài phong phú như: tứ linh, vân mây, hoa lá, rồng, phượng. Hình rồng, phượng ở đây được trang trí mềm mại, linh hoạt và rất hiếm gặp ở các đình làng khác. Hoa lá cũng được chạm trổ nhiều, phổ biến nhất là hoa cúc, hoa phù dung. Những cánh hoa nở xoè ra ở giữa những lớp cánh khác còn chụm lại, bên cạnh là những lá cúc cách điệu trông rất sống động. Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả trong nghệ thuật điêu khắc ở đình Tây Đằng là những bức chạm trên các bức cốn, ván lóng phản ánh sinh động nhiều mặt cuộc sống của người dân.
Chỉ với vài nét đục chạm đơn giản, các nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào những thớ gỗ bao cảnh đời khác nhau: từ những cảnh lam lũ của người tiểu phu đốn củi, hào hứng như người làm trò trồng cây chuối, say sưa như cảnh bơi thuyền chuốc rượu, trăn trở như cảnh mẹ gánh con hoặc tình tứ như cảnh trai gái chải tóc cho nhau. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đắc sắc trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc, tiêu biểu cho nghệ thuật điều khắc gỗ Việt Nam thế kỷ XVI, XVII.
Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều di vật quý gồm: 1 sập thờ bằng gỗ sơn son. Đôi hạc gỗ, 1 hương án sơn son thếp vàng, chạm lộng đề tài hổ phù, tứ linh, hoa lá, niên đại thế kỷ XVII. Bức cửa võng, bức đại tự Hiển vu tây thổ, 4 cỗ kiệu, 3 cỗ long ngai và một số đồ thờ tự khác, chất liệu bằng đồng, gốm.
Đình Tây Đằng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 29/VH- QĐ ngày 13/1/1964.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01