NXB Trẻ vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” của nhà thơ Lê Minh Quốc. Tác phẩm mới nhất thuộc bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” này giúp bạn đọc khám phá vẻ đẹp từ sự biến hóa đa dạng của tiếng Việt qua nhiều bối cảnh giao tiếp sinh động, từ văn chương đến đời thường, từ đó biết cách làm giàu ngôn ngữ giao tiếp của chính mình để sử dụng trong cuộc sống.
“Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” gồm 4 tiểu mục (Ăn theo thuở, ở theo thời; Nhập gia tùy tục; Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ; Rành sáu câu... mút mùa Lệ Thủy), tương ứng với 4 khía cạnh của tiếng Việt mà tác giả tập trung khảo sát. Cụ thể, tác giả bàn về sự biến hóa của tiếng Việt theo thời gian, thể hiện qua các hiện tượng: từ mới hình thành, từ cũ chuyển nghĩa trong bối cảnh mới, cách diễn đạt mới với từ cũ…; Hiện tượng sử dụng từ mượn rồi “Việt hóa”, tạo nên sắc thái ngữ nghĩa riêng, lâu dần khiến người sử dụng tưởng là “thuần Việt”; Sự phong phú của tiếng Việt thể hiện qua từ địa phương được sử dụng ở miền Trung; Sự đa dạng của tiếng Việt thể hiện qua phương ngữ Nam Bộ xưa nay.
Ở mỗi phần, Lê Minh Quốc khảo sát rất nhiều đối tượng ngôn ngữ, cả văn nói và văn viết, văn chương bình dân và bác học, đặt trong nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau. Sau đó, tác giả tra cứu, tham khảo và đối chiếu với hàng chục từ điển và tư liệu khảo cứu để truy tìm về nguồn gốc và quá trình biến chuyển của từng từ, chỉ ra nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Qua đó, giúp bạn đọc thấy được sự muôn màu muôn vẻ, sự vận động và phát triển của ngôn ngữ.
Trong những đối tượng được khảo sát, Lê Minh Quốc đặc biệt ưu ái văn chương bình dân, đặc biệt là ca dao, tục ngữ. Ngoài ra, anh cũng đặc biệt thích thú với từ địa phương, dành đến 2/3 cuốn sách để đào sâu và khám phá phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là Nam Bộ.
Lưu ý đến tính bình dân và tính địa phương, các tác phẩm văn học viết mà Lê Minh Quốc trích dẫn cũng mang đậm hai tính chất này, các nhà văn được đề cập cũng là những đại diện tiêu biểu cho ngôn ngữ một vùng miền hay ngôn ngữ đời thường: Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Xuân Hương, Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu,...
Bên cạnh đó, độc giả còn bắt gặp các tên tuổi văn chương có phong cách ngôn ngữ bác học hay trí thức hơn, như vua Lê Thánh Tôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử,...
Một nhóm từ ngữ khác cũng được tác giả Lê Minh Quốc nhấn mạnh là nhóm từ ngữ xuất hiện gần đây, trong đời sống hằng ngày: trẻ trâu, bỉm sữa, ảo tung chảo, thổi giá, lùa gà, bom hàng, bóc phốt… Thú vị hơn, tác giả tìm thấy rất nhiều trường hợp vay mượn từ nước ngoài đã đi vào trong đời sống, ca dao, thi ca, thậm chí là cả… đờn ca tài từ…
Những khía cạnh trên của tiếng Việt được tác giả minh họa bởi một lượng tư liệu phong phú vừa rộng vừa sâu. Số lượng từ điển và sách khảo cứu mà Lê Minh Quốc tham khảo lên tới gần 50, được liệt kê rõ ở phần tài liệu tham khảo cuối sách. Đó là chưa tính số lượng khổng lồ những câu ca dao tục ngữ, cải lương, những câu thơ câu văn, các tư liệu báo chí đơn lẻ.
Đặc biệt, tác giả thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của người trẻ vào việc làm phong phú thêm tiếng mẹ đẻ, một điều khá hiếm và thật đáng quý, thể hiện tư duy khá cởi mở của người làm khảo cứu.
Với sự dày dặn về tư liệu và dẫn chứng, “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” là một nguồn tư liệu quý cho người yêu ngôn ngữ, đang học hoặc nghiên cứu về ngôn ngữ. Cuốn sách đã góp một bước trên hành trình đi tìm “linh hồn tiếng Việt”./.
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” của NXB Trẻ là cẩm nang rất hữu ích cho những người làm nội dung, truyền thông, marketing và bất cứ ai yêu thích tiếng Việt. Hiện bộ sách đã xuất bản 11 tựa, bao gồm: Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền), Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Lê Minh Quốc), Triết lý tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân), Tiếng Việt Phương Nam (Trần Thị Ngọc Lang), Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân), Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm), Muôn màu lập luận (Nguyễn Đức Dân), Ăn, Uống, Nói, Cười, & Khóc (Trần Huiền Ân), Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ), Nỗi oan thì, là mà (Nguyễn Đức Dân), Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương (Lê Xuân Mậu).