“Cẩm Hương đình”: Vẻ đẹp của tiếng Việt từ 100 năm trước
“Cẩm Hương đình” là một tác phẩm văn học Trung Hoa do Tống Lang Ngô Tất Tố dịch, được xuất bản lần đầu năm 1923. Đã 100 năm trôi qua với bao thử thách của thời gian nhưng tới nay cuốn sách vẫn còn nhiều giá trị. Mới đây, cuốn sách được Tri Thức Trẻ Books tái bản nhân kỷ niệm 100 năm bản dịch đầu tiên và 130 năm sinh Ngô Tất Tố.
Cẩm Hương đình là một trường thiên tiểu thuyết được sáng tác từ đầu thời nhà Thanh và khuyết danh tác giả. Được viết theo lối chương hồi mang bóng dáng tiểu thuyết diễn nghĩa, Cẩm Hương đình là câu chuyện lấy bối cảnh thời Đường với loạn An Lộc Sơn: Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ và ước hẹn giữa trạng nguyên Chung Cảnh Kỳ và tiểu thư Cát Minh Hà, con quan Ngự sử đại phu đương triều. Chẳng may biến cố ập đến, đôi trẻ chưa kịp bên nhau thì phải phân ly vì quyền thần mưu hại và binh đao khói lửa.
Chủ đề trung tâm của cuốn tiểu thuyết là tình yêu. Song qua các tình tiết truyện dựa trên sự kiện trong chính sử, nổi bật lên trong câu chuyện là sự thanh liêm, chính trực, trung nghĩa, thủy chung của các nhân vật.
Cuốn tiểu thuyết được Ngô Tất Tố dịch vào năm 1915. Năm 1923, cuốn tiểu thuyết đứng tên Tống Lang Ngô Tất Tố (Tống Lang) dịch, được Tản Đà Tu thư cục và Nghiêm Hàm Ấn quán in, phát hành tại Hà Nội.
Thông thường, để có được đánh giá, cảm nhận khách quan về một bản dịch, các nhà chuyên môn sẽ dựa trên cơ sở đối chiếu bản dịch với bản gốc. Song nếu bỏ qua điều này, thì Cẩm Hương đình là một bản dịch hấp dẫn, lôi cuốn và gần gũi, dễ đọc.
100 năm trước, tiếng Việt đã tồn tại như thế nào? 100 năm trước, thông qua bản dịch Cẩm Hương đình, có thể nhận biết được phần nào quan điểm dịch thuật của Tống Lang hay không?
Bản thân Ngô Tất Tố xuất thân từ gia đình có truyền thống nho học và được truyền dạy chữ Hán từ ông nội là cụ Tú Thông và cha ruột là cụ Ngô Thanh Tiến – đều là những thầy dạy chữ Hán ở quê. Dù Ngô Tất Tố có học thêm tiếng Pháp nhưng đây cũng là thời điểm mà nho học thất thế, chữ quốc ngữ buổi đầu phát triển còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Nhưng việc Cẩm Hương đình được dịch, được giới thiệu qua chữ quốc ngữ, cho thấy một chàng nho sinh Ngô Tất Tố không những tự thay đổi và thích nghi với dòng chảy của thời đại mà còn làm chủ được bản thân và đứng vững trong dòng chảy đó.
Lại nói, tại sao Ngô Tất Tố không chọn một tác phẩm khác thuộc dòng liêu trai, trinh thám hay những câu chuyện diễm tình nhẹ nhàng để dịch mà lại là Cẩm Hương đình? Trong nhiều lý do khác, thông qua nội dung tác phẩm, ta có thể nhận thấy một lựa chọn về quan điểm chính trị của Tống Lang:
Trong Cẩm Hương đình, các nhân vật bị đẩy vào một cục diện buộc phải lựa chọn: Phản loạn dấy binh, loạn lạc muôn nơi, hoặc là chọn theo giặc, hoặc là chọn trung thành và tôn phò vua. Và bật lên trong đó là những chân dung đầy trung nghĩa khí khái, như quan Ngự sử đại phu Cát Thái Cổ dù chịu ngục tù cận kề cái chết vẫn nguyện trung thành với vua Đường hay Ngô phu nhân tự kết liễu để dâng xác mình cho quân sĩ đói lương… Và những nhân vật phò vua mang đầy công trạng ấy, biết dừng lại cáo quan về quê mà không màng ỷ công quyền.
Kẻ sĩ thời loạn, biết nhìn nhận đúng sai để tôn phò chính nghĩa; liệt nữ anh hùng không tiếc thân vì nghĩa; phò vua giúp nước đến toại nguyện biết dừng là những điều mà Tống Lang tâm đắc trong tác phẩm này chăng?
Tiếng Việt 100 năm trước trong bản dịch của Tống Lang vô cùng gần gũi quen thuộc với người Việt. Dù trong mối quan hệ chủ tớ của các nhân vật đều tình thâm như người thân nhưng cách xưng hô chủ - tớ lại rất gần với làng quê Việt lúc bấy giờ: “ông (ông chủ) – con (người hầu)”, “cô (tiểu thư) – con (liễu hoàn)”, “ả” (chỉ người nữ, ở ngôi thứ ba)…
Thời điểm dịch Cẩm Hương đình, Tống Lang mới ngoài 20 tuổi. Bản dịch đã khẳng định một Tống Lang Ngô Tất Tố tuổi trẻ tài cao: Từ việc đặt tên cho 17 hồi tiểu thuyết như “Tài tử ra tay chen trận bút/ Giai nhân vui gót dạo vườn xuân”, “Lôi Vạn Xuân đỡ tiền cấp giấy/ Lệnh Hồ Trào vào trướng chiêu hàng”… đến việc dịch các đoạn thơ mà nhân vật cảm tác.
Cẩm Hương đình có nhiều đoạn thơ mang đầy bóng dáng của các nhà thơ trung đại khác. Ví như Tống Lang dịch thơ có đoạn: "Má hồng không thuốc mà say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình". Rõ ràng, đây là lối tập cổ mà các nhà nho vẫn dùng. Bởi câu thơ rõ ràng là được chọn ghép từ câu: "Má hồng không thuốc mà say/ Nước kia muốn đổ, thành này muốn long" - (Trích Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều) và "Nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình" - Trích Truyện Kiều đoạn Hồ Tôn Hiến gặp Kiều.
Các nhà nho tập cổ, nhắc tới các điển tích điển cố trong tác phẩm của mình để chứng tỏ vốn sở học và Tống Lang cũng thế. Trong các khái niệm bây giờ, có thể hiểu rằng đó là sự kế thừa, tính liên văn bản trong văn học.
Nói về cuốn tiểu thuyết này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Ngôn ngữ Việt được Ngô Tất Tố làm cho trở nên quyến rũ và sống động kỳ lạ. Chính bản dịch Cẩm Hương đình đã cho người đọc nhận ra khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ Việt và thái độ của ông trước cuộc đời. Và tất cả những phẩm chất ban đầu ấy đã làm ông trở thành một nhà văn, một nhà văn hóa lớn của nền văn học Việt Nam với những đóng góp đáng kể cho sự phát triển văn học, văn hóa Việt Nam mà cho tới lúc này chúng ta thực sự vẫn chưa đánh giá hết được”./.
Ngô Tất Tố (1893 - 1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam giai đoạn trước 1954. Ông sinh ra tại làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh nay là làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội.
Một số tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp văn chương của ông là: “Tắt đèn”, “Lều chõng”, “Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim”.