Bộ sách cho những ai muốn tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Việt
Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế (International Mother Language Day) được UNESCO chọn là ngày 21/2 hằng năm. Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” là một gợi ý cho những ai muốn tìm hiểu những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng.
“Tiếng Việt giàu đẹp” là bộ sách gồm 9 cuốn: “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” của cố giáo sư Hoàng Tuệ; “Ăn, uống, cười, nói & khóc” của tác giả Trần Huiền Ân; “Đi tìm bản sắc tiếng Việt” của Trịnh Sâm; bốn cuốn “Triết lý tiếng Việt”, “Từ câu sai đến câu hay”, “Nỗi oan thì, là, mà”, “Muôn màu lập luận” của tác giả Nguyễn Đức Dân, “Vẻ đẹp ngôn ngữ vẻ đẹp văn chương” của Lê Xuân Mậu, “Tiếng Việt phương Nam” của Trần Thị Ngọc Lang… do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
“Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” là tập hợp những bài viết bàn về tiếng Việt của cố giáo sư Hoàng Tuệ. Ngoài việc nêu lên những cái hay cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là các bài viết của tác giả về những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… và sau này là Hồ Chủ tịch, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với nền ngôn ngữ học nước nhà. Thông qua các bài viết là những trăn trở của tác giả về việc giữ gìn, phát triển tiếng nói dân tộc. Với ngòi bút tài hoa, tác giả đã biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản, dễ đọc và dễ hiểu, mang đến cho người đọc một hình dung dễ dàng hơn về bản chất của ngôn ngữ học.
“Ăn, uống, nói, cười & khóc” là một công trình biên khảo về hoạt động của cái miệng trên khuôn mặt con người. Thông qua các hoạt động ăn, uống, nói, cười và khóc, tác giả trích dẫn những thuật ngữ, từ ngữ, thành ngữ liên quan đến các hoạt động đó của người Việt Nam. Đọc cuốn sách, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao ông bà ta vẫn dạy phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”…
“Đi tìm bản sắc tiếng Việt” là các bài viết nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ báo chí và khảo sát một số bình diện thuộc phong cách ngôn ngữ cá nhân, cũng như miêu tả, giải thích một số vấn đề thực tiễn của tiếng Việt nói chung và tiếng Việt ở một số địa phương miền Nam nói riêng, nhất là vùng Nam bộ.
“Triết lý tiếng Việt” là cuốn sách phân tích điểm nhìn, tầm quan trọng của tư duy trong đọc hiểu và ứng dụng ngôn ngữ vào đời sống, đồng thời giải thích những điều tưởng như là “nghịch lý” trong ca dao, tục ngữ một cách thuyết phục và hợp lý.
“Từ câu sai đến câu hay” là cuốn sách bàn về việc sử dụng tiếng Việt. Những lỗi cơ bản và mức độ sai khi viết câu từ sai kiến thức, sai ngữ pháp đến sai chính tả. Từ những ví dụ cụ thể trên báo chí, phát thanh, tác phẩm văn học hay kho tàng văn học dân gian, tác giả hướng bạn đọc đến cách tiếp cận vấn đề, nhận ra những lỗi câu, đánh giá mức độ sai và tìm cách chỉnh sửa hợp lý. Để sửa từ câu sai đến câu đúng rồi từ câu đúng đến câu hay là một quá trình cần quan sát và chọn lọc kỹ lưỡng cùng với khả năng tiếng Việt phong phú, linh hoạt. Bên cạnh đó là những lỗi sai mà hiện nay hầu như không ai nhận ra nữa, do hiện tượng “để lâu câu sai hóa đúng”.
“Nỗi oan thì, là, mà” là cuốn sách mà tác giả muốn minh oan cho những phê phán “dùng thì, là, mà” nhiều quá thành ra câu văn lủng củng. Bởi vì bên cạnh đó, “thì, là, mà” là những liên từ làm cho câu văn thêm mượt mà, sinh động và để nhấn mạnh ý nghĩa trong câu khi cần.
“Muôn màu lập luận” là cuốn sách cung cấp những kiến thức “nền” về lập luận với ví dụ minh họa, dẫn chứng sinh động từ những nguồn ngữ liệu có uy tín, sách chuyên ngành ngôn ngữ nhưng nội dung dễ hiểu.
“Vẻ đẹp ngôn ngữ vẻ đẹp văn chương” là những bài nghiên cứu về ngôn ngữ của nhà giáo Lê Xuân Mậu. Tác giả đề cập đến những hiện tượng ngôn ngữ, lời nói gần gũi trong xã hội mang tính ứng dụng cao với những ví dụ cụ thể sinh động. Đó là những nghiên cứu, phát hiện lý thú về một số hiện tượng ngôn ngữ mang tính phổ quát và sức biểu cảm của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn chương. Dù là những bài viết nghiên cứu nhưng được trình bày giản dị, sinh động, súc tích và gần gũi, dễ hiểu.
“Tiếng Việt phương Nam” là tập hợp các công trình nghiên cứu về phương ngữ Nam bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc bộ, Trung bộ và từ toàn dân nói chung. Tác giả đã phân tích, lý giải các hiện tượng ngôn ngữ một cách thấu đáo và vô cùng thú vị với 3 phần: Phân tích, giải thích sự khác biệt các hiện tượng từ vựng ngữ nghĩa ở hai miền Nam-Bắc; Tập hợp ngữ liệu, những nhóm từ chính trong phương ngữ Nam bộ; Và cuối cùng là những bài viết tản mạn về ngôn ngữ, phân tích các tác phẩm văn chương của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư để làm rõ hơn những đặc điểm thú vị trong tiếng nói Nam bộ, đảm bảo tính chính xác khoa học nhưng lại giàu hình ảnh và cảm xúc thể hiện sự cảm nhận tinh tế và tình yêu đối với ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ phương Nam của tác giả.
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” được viết nên bởi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà ngôn ngữ học trong nước. Bộ sách là công trình to lớn, góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt 3 miền Bắc Trung Nam. Tiếng Việt phong phú, đa dạng, và còn nhiều điều có thể chúng ta chưa hiểu rõ tường tận đều được các tác giả đề cập trong bộ sách này. Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” phù hợp với tất cả mọi người, mỗi người một quyển sách để hiểu thêm về tiếng Việt cũng đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.