Tiểu thuyết và hồi ký về chiến tranh biên giới phía Bắc
Chiến tranh biên giới phía Bắc cách đây 45 năm đã trở thành đề tài được nhiều cây bút khai thác, trong đó có những tác giả đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Xin điểm lại một vài cuốn sách tiêu biểu viết về cuộc chiến này của tác giả là quân nhân.
Tiểu thuyết “Mình và Họ” của Nguyễn Bình Phương
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện kể về quá trình đi lên đi xuống của Hiếu, người em của một tù binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc đi tìm lại quãng đường chiến trận mà anh trai mình đã trải qua năm 1979 thông qua những ghi chép rời rạc trong nhật ký để lại. Lồng trong câu chuyện và chuyện kể về biên giới hôm nay trong chuyến đi lên với những đổi thay nhưng vẫn đượm đầy không khí của quá khứ oanh liệt tháng 2/1979 và sự kiện năm 1984. Nổi bật và ám ảnh hơn cả là câu chuyện chiến đấu ngoan cường của quân và dân vùng biên Tuyên Quang trong sự kiện 1979-1989.
“Mình và Họ” gây ám ảnh bởi những số phận không thể thoát ra khỏi cuộc chiến, không gì cứu rỗi được họ khỏi sự khốc liệt mà họ đã trải qua. Cuốn tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là câu chuyện của hôm nay với bao trăn trở, với điểm xuyết là cảnh quan núi rừng biên giới với bao vẻ hoang sơ và trầm mặc.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu với tên gọi “Xe lên xe xuống” do Diễn đàn Thế kỷ xuất bản năm 2011 tại California, Mỹ. Năm 2014, tác phẩm được đổi tên thành “Mình và Họ” và do Nxb Trẻ ấn hành. Năm 2015, cuốn sách được trao giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Hà Nội ở hạng mục Tiểu thuyết.
Tiểu thuyết “Xác phàm” của Nguyễn Đình Tú
“Xác phàm” là câu chuyện chuyển giới của hai người bạn trai thân thiết là con của các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Người em tên là Nam, có bố là lính thuộc quyền chỉ huy của bố Việt. Vì một cơ duyên nào đó, khi vợ Việt qua đời, Nam đã quyết định giải phẫu chuyển giới để trở thành mẹ của con Việt. Trên bàn giải phẫu, những hồi ức lần lượt được tái hiện. Cuộc chiến tranh biên giới được kể bởi những linh hồn đã trú ngụ trong xác phàm của Nam. Đan xen trong câu chuyện chiến tranh là chuyện kể về thời kỳ xây dựng sau đổi mới với muôn mặt thị trường từ trong hồi ức của Việt và Nam.
Bằng cách sử dụng các yếu tố tâm linh, huyền ảo, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã dẫn người đọc đi dọc vùng biên bía Bắc và quay về lịch sử, nhắc nhở hậu sinh về một cuộc chiến mà dân tộc đã phải trải qua.
Hồi ký “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Nguyễn Đức Huy
“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” là cuốn sách gồm có 2 chương và phụ lục. Chương 1 với nội dung “Trung Quốc đem hơn 60 vạn quân xâm lược Việt Nam tháng 2/1979”. Chương 2 là “Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai”. Phần phụ lục là những bài viết, trả lời phỏng vấn của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên.
Là người đã trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở nhiều mặt trận và đặc biệt là cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, tác giả Nguyễn Đức Huy đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, cụ thể cũng như là tư liệu quý giá về những khó khăn, khốc liệt của lịch sử trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta.
Hồi ký “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của Nguyễn Thái Long
Với dung lượng hơn 300 trang và được chia làm 5 phần, cuốn sách là hồi ký của tác giả Nguyễn Thái Long viết về những người lính Trung đoàn 567 từ ngày đầu lên biên giới, những ngày tháng chiến đấu anh dũng, trong đó có cuộc chiến 12 ngày đêm cầm chân quân địch và khi họ trở về cuộc sống thời bình. Ngoài những nhân vật được nhắc tên, được kể đến trong từng câu chuyện và ngoài những trận đánh khốc liệt, cuốn sách còn thấp thoáng một mảng màu hoa dã quỳ nở rộ, những kỷ niệm mùa xuân, những đồi cỏ tranh, bếp lửa nhà sàn và một dải biên cương xinh đẹp luôn luôn cần được bảo vệ.
Những trang viết, sự kiện được ghi rõ ngày tháng trong cuốn hồi ký dù không dựa trên nhật ký nhưng theo chia sẻ của tác giả thì đối với ông, tất cả đã là nhật ký trong đầu. Bởi đó là những sự kiện không thể nào quên được. Đó không phải là câu chuyện trong nhật ký mà là câu chuyện trong hồi ức, trong trí nhớ và trong trái tim ông.
Đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, cuộc chiến vẫn còn để lại những ký ức không thể quên, những dư chấn lớn trong lòng người. Đọc để hiểu thêm một giai đoạn lịch sử của dân tộc cũng là một cách tưởng niệm và tri ân thế hệ trước đã ngã mình vì hòa bình cho hôm nay. Có thể kể thêm một số tác phẩm khác cùng chủ đề như tiểu thuyết “Nậm Ngặt mây trắng” của Nguyễn Hùng Sơn; “Những người đi giữ biên cương” tuyển tập văn thơ, kịch, tư liệu về cuộc chiến do Đại tá, nhà báo Ngô Văn Học chủ biên…
Nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm đạt nhiều giải thưởng lớn và có nhiều thành tựu lớn đóng góp vào văn học nghệ thuật đương đại.
Nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974 tại Hải Phòng, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã xuất bản gần 30 đầu sách và giành được nhiều giải thưởng từ Trung ương đến địa phương.
Tác giả Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931 tại Hưng Yên. Là người đã trực tiếp trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Ông là Thiếu tướng, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc CCB Mặt trận Vị Xuyên.
Tác giả Nguyễn Thái Long sinh năm 1955 tại Bắc Giang, học y sĩ trong quân đội và từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước khi về hưu ông đảm trách vai trò Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.