Y tế - Giáo dục

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô:Bài 4: Xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao

Sơn Dương 15:28 11/09/2024

Trong quá trình hình thành và phát triển, thành phố Hà Nội luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục, và coi đó là một động lực thúc đẩy, điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trong Điều 22 của Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, việc phát triển GD&ĐT cũng chính là xây dựng nền móng cho việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc tiên tiến đậm đà bản sắc. Bởi lẽ, giáo dục không chỉ kế thừa và tiếp nối cho văn hóa, mà còn tạo ra sự thay đổi điều chỉnh và phát triển văn hóa, con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa, duy trì văn hóa. Mặt khác, chủ thể cũng như đối tượng của giáo dục lại chính là con người và phát triển con người, vì vậy, giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa, tác động sâu sắc đến văn hóa. Không những vậy, GD&ĐT còn là cơ sở thiết yếu để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhận thức rõ quan điểm nêu trên về vai trò đặc biệt của GD&ĐT đối với sự phát triển bền vững của đất nước và Thủ đô, Đảng và Nhà nước cũng như Thành phố luôn đề cao vị trí của giáo dục, đào tạo; coi giáo dục, đào tạo là một trong những lĩnh vực mũi nhọn. Trong lịch sử trải dài 70 năm của ngành giáo dục Thủ đô, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư để ngành giáo dục phát huy toàn diện những thế mạnh, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng những mong muốn, kỳ vọng ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.

Ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cơ chế vững chắc để Hà Nội tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện, trong đó có việc phát triển GD&ĐT.

z5815332382797_b0222324efa26d9599870ab03e34e4cb.jpg

Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương, 54 Điều, trong đó dành trọn vẹn Điều 22 để đưa ra những kế sách phát triển GD&ĐT Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh. Cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục công lập và tư thục.

Điều 22 của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tính đặc thù, phân cấp phân quyền cho Hà Nội, qua việc HĐND thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài, mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục; mức hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉ ra vấn đề quan trọng hàng đầu của giáo dục Hà Nội, đó là xây dựng hệ thống trường công lập và bố trí quỹ đất xây dựng trường học.

Thực tế cho thấy, không phải khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề trên mới được quan tâm mà đây là nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt được Hà Nội đặt ra thời gian qua và đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đã có thêm một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về phát triển chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội.

z5816173574837_4e4e4d08e798eb84eee888628bc591b5.jpg

Theo đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh), Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua giúp Thủ đô đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội mà là trách nhiệm của Thủ đô phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Đối với Thủ đô, đây còn là sự tiếp nối, kế thừa quy định việc xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy đã được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Thủ đô năm 2012.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng nhất trí với quy định cho phép chính quyền thành phố Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo đại biểu, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục Thủ đô và là giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng quan điểm với ý kiến của các chuyên gia, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép các dự án đầu tư xây dựng trường học tư thục được phép bổ sung thêm cấp học để thành lập trường phổ thông có nhiều cấp học, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục, đồng thời cho phép các trường tư thục được thuê và sử dụng cơ sở vật chất công dôi dư sau khi điều chỉnh sắp xếp tài sản công theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 69/2008/NĐ-CP; cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong giáo dục, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, như cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã miễn học phí cho học sinh THCS, THPT công lập trên địa bàn Thành phố.

Mặt khác, nhằm giải quyết bài toán thiếu trường lớp do tăng dân số cơ học của Thủ đô, song song với việc tăng tốc, xây trường, ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành thông qua Chương trình “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với sự hưởng ứng tích cực của 100% trường học trên địa bàn Thành phố. Trong đó xác định tầm quan trọng của GD&ĐT, với hướng đi đúng đắn cùng tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị Thành phố, Nhân dân Thủ đô tin tưởng trong thời gian không xa, Hà Nội sẽ đủ trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của người dân.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, những điểm mới về GD&ĐT trong Điều 22 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung, Hà Nội nói riêng là luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục, coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển giáo dục Thủ đô trong thời gian tới thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế./.

Bài 3: Phát triển giáo dục luôn song hành cùng nét đẹp văn minh, thanh lịch của vùng đất Thăng Long–Hà Nội

Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông

Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô: Bài 4: Xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO