Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô: Bài 3: Phát triển giáo dục luôn song hành cùng nét đẹp văn minh, thanh lịch của vùng đất Thăng Long–Hà Nội
Ngành giáo dục Thủ đô tròn 70 năm hình thành và phát triển, trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ “nền móng” vững chắc đã xây dựng lên nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hướng tới là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước, khu vực và hội nhập quốc tế. Trong sự nghiệp “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, ngành giáo dục Hà Nội đã bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển quy mô, chất lượng giáo dục, với lưu giữ, bảo tồn và giáo dục cho học sinh Thủ đô những giá trị chân-thiện-mỹ về nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch “rất riêng” của vùng đất Thăng Long-Hà Nội.
Ngành giáo dục Thủ đô, đã trải qua 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Bẩy thập kỷ, tuy chưa thật dài so với lịch sử cách mạng của Thủ đô, đất nước và lịch sử truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam, nhưng bằng trọng trách lớn lao là “nâng cao dân trí-chấn hưng dân khí-bồi dưỡng nhân tài” cùng với sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng thời được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước nói chung, Thành phố nói riêng, ngành giáo dục Thủ đô đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, ghi nhận và khẳng định những công lao to lớn của các thế hệ thầy và trò đối với sự nghiệp đào tạo của Ngành, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghiệp 4.0 với đầy sự đổi mới và sáng tạo, nơi giao thoa của con người và thế giới số. Trước những cơ hội và thách thức khi được hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế, ngành giáo dục Thủ đô cũng đã có định hướng phát triển giáo dục cho thời cuộc mới, trong đó, phát triển nguồn nhân lực, GD&ĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Giáo dục là quốc sách hàng đầu được xác định theo hướng: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển Thủ đô và đất nước”. Đồng thời, biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh Thủ đô những giá trị chân, thiện, mỹ về nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch rất riêng, rất đáng tự hào của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội, chất văn hóa đã ngấm sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác.
Những thành tựu vươn tầm khu vực, quốc tế
Có thể nói sự phát triển của giáo dục chính là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Thủ đô. Trong thời gian qua, bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành giáo dục Thủ đô đã đạt được những kết quả toàn diện, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra. Trong đó, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển với tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 Trung tâm GDNN- GDTX; gần 80% trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhiều học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế (môn sinh học, hóa học ), 1 học sinh đoạt giải Ba cuộc thi thiết kế đồ hoạ thế giới. Chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội cũng được quan tâm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn Thành phố đạt 99,81%. Đồng thời, góp chung vào diện mạo của Thành phố hơn 1000 năm tuổi, Hà Nội cũng quan tâm chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất trường học trên địa bàn. Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư. Ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý được tăng cường áp dụng cho cả các trường ở nội thành và các huyện ngoại thành xa trung tâm. Hà Nội đã triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 ở tất cả các quận huyện…
Mặt khác, ngành giáo dục Thủ đô cũng đã phát triển đa dạng hóa các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị. Quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục được mở rộng, khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và xây dựng một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách. Hằng năm, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, “xây dựng xã hội học tập” và nhiều chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học, thu hút đông đảo người dân tham gia. Cùng với đó, triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, đây là giải pháp trọng tâm của ngành nhằm từng bước thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.
Bẩy mươi năm qua, cùng với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, với nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, các Bằng khen, Cờ Thi đua của Thành phố Hà Nội, Bộ GD&ĐT... và có lẽ niềm tự hào lớn hơn tất thảy những điều trên, chính là ngành giáo dục Thủ đô đã hoàn thành trọng trách “trồng người” trong việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng của Hà Nội. Đồng thời giáo dục các thế hệ “học sinh Thủ đô” trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và tổ quốc.
Tăng cường giáo dục nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch cho học sinh Thủ đô
Bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0 với đầy sự đổi mới và sáng tạo, đồng thời cuộc sống đô thị xô bồ, hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Nhận thức rõ mục tiêu của giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, hoàn thiện kĩ năng sống. Vì vậy, giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh đã được ngành giáo dục Hà Nội chú trọng triển khai với những nội dung “rất riêng” cho học sinh Thủ đô.
Từ mục tiêu rõ ràng đó, kết hợp với Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn hiến, ngành giáo dục Thủ đô đã biên soạn và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Theo đó, bộ tài liệu đã đề cập các nội dung giáo dục từ những điều đơn giản đến các bình diện và lĩnh vực tinh tế, thiết thực. Chẳng hạn, ở bậc giáo dục tiểu học, học sinh được học từ: cách hỏi và trả lời, lời chào, bữa ăn trong gia đình, trang phục tới trường, cách đi - đứng của các em, vui chơi ở trường,… ở cấp THCS, học sinh được học kỹ hơn về giá trị của thanh lịch, văn minh - nét đẹp của người Hà Nội, trang phục của người Hà Nội,... đến cấp THPT, học sinh được học về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch, văn minh trong giao tiếp gia đình và ngoài xã hội; người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế,…
Với thời gian hơn 13 năm được giảng dạy trong các trường học, bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh của ngành giáo dục Thủ đô đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Nhờ vậy ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu, hòa nhã hơn. Đồng thời, góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp…
Trải qua hơn một thập kỷ triển khai cho thấy, việc dạy những nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội thực sự rất bổ ích, đem lại hứng thú cho học sinh và giáo viên trong quá trình đổi mới dạy học, đồng thời giúp các “chủ nhân tương lai” của Thủ đô và đất nước biết lưu giữ, bảo tồn và phát triển hơn nữa nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch “rất riêng” của vùng đất Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Có thể, cuộc sống hiện đại có những vội vã, vất vả nhưng những giá trị cao đẹp và nhân văn của vùng đất kinh kỳ thì mãi mãi trường tồn với thời gian, vì đó là giá trị của chân-thiện-mỹ, cũng như vẻ đẹp của người Hà Nội vẫn song hành tồn tại trong những ý thức gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch, văn minh ngàn đời. /.
Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước
Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông