Y tế - Giáo dục

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô:Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông

Sơn Dương 13:49 25/08/2024

Sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975) và trong 30 năm đổi mới (1986-2016), ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước chuyển biến căn bản toàn diện. Từ những lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa... dưới sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, kết hợp với truyền thống hiếu học, trọng học từ ngàn đời, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người nhằm thúc đẩy sự phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thăng Long – Hà Nội nơi được mệnh danh là đất của nho sĩ, trung tâm thi cử và của những “làng khoa bảng”, “làng tiến sĩ”, là minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý của vùng đất Thủ đô vẫn luôn là nơi “tụ khí anh tài”, tập hợp nhân sĩ, trí thức lớn nhất đất nước. Truyền thống hiếu học đó trải qua thời gian như “con tạo xoay vần” không những không mai một mà vẫn được lưu giữ, vun đắp, tạo tiền đề cho nền giáo dục Thủ đô vượt qua những biến cố của lịch sử; thu hút tinh hoa “nhân tài” bốn phương, để từ đó kế thừa được truyền thống tốt đẹp của ông cha, kết hợp với Chủ trương, Đường lối đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô chính là nền tảng, chìa khóa, bệ đỡ vững chắc để ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển vượt bậc trong giai đoạn thời kỳ thống nhất đất nước (30/4/1975) và kỷ nguyên đất nước đổi mới về mọi mặt.

Cải cách và phát triển sau thống nhất

Sau ngày giải phóng miền nam (30/4/1975), đất nước ta hoàn toàn thống nhất “non sông thu về một mối” và bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng và phát triển theo định hướng XHCN. Trong bối cảnh đó công tác giáo dục giữ một vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đặc biệt, nền giáo dục cách mạng của miền Nam phải nhanh chóng xoá bỏ tình trạng lạc hậu và phản động của nền giáo dục thực dân mới của Mỹ - nguỵ, đáp ứng yêu cầu cấp bách và lâu dài của cách mạng trên các mặt kinh tế, văn hoá và quốc phòng. Trước tình hình đó, Hà Nội nhận thức rõ với vị thế là “trái tim” của cả nước về trung tâm văn hóa, giáo dục của Chủ nghĩa xã hội, Thủ đô cần phải nỗ lực, phấn đấu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày 11/1/1979 ngay sau khi Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về giáo dục được ban hành, Hà Nội đã bắt tay ngay cho cuộc cải cách giáo dục, từ đó “một gã khổng lồ đang ngủ say đã thức tỉnh” ngành giáo dục Thủ đô không ngừng cải cách và phát triển vươn tầm khu vực và quốc tế như ngày nay.

co-giao-dan-hoc-sinh-mau-giao-tham-quan-vuon-hoa-dien-hong-nam-1975.-vuon-hoa-nam-doi-dien-nha-khach-chinh-phu-hai-ben-la-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-va-khach-san-metropole..jpg
Cô giáo dẫn học sinh mẫu giáo tham quan vườn hoa Diên Hồng năm 1975. Vườn hoa nằm đối diện nhà khách Chính phủ, hai bên là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khách sạn Metropole. Ảnh internet

Trong công cuộc cải cách đó, ngành giáo dục Thủ đô không những quan tâm về tăng cường quy mô mà còn tập trung vào chiều sâu và mang tính cách mạnh như:

- Về mục tiêu giáo dục: chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành nhằm tạo cơ sở ban đầu cho con người phát triển toàn diện; thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân nhằm tạo điều kiện thực hiện 3 cuộc cách mạng (về quan hệ sản xuất, về khoa học - kỹ thuật và về văn hoá - tư tưởng); đào tạo và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu phân công lao động xã hội.

- Về nội dung giáo dục: hướng vào việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân …”

- Về nguyên lý giáo dục: yêu cầu học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội.

- Về hệ thống giáo dục: thay thế hệ thống phổ thông 10 năm vốn đang duy trì bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới, trong đó, trường cấp I và trường cấp II được sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở (9 năm), đồng thời chuẩn bị phân ban ở trung học phổ thông. Nhiều trường đại học chuyên ngành của Hà Nội được xây dựng và phát triển.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có những chính sách đột xuất hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ ngành giáo dục có thu nhập thấp, gặp khó khăn, trợ cấp hàng tháng cho các giáo viên không trong biên chế nhà nước ở khu vực nông thôn và trợ cấp khi ốm đau, nghỉ hưu... học sinh trong diện gia đình chính sách, hộ nghèo được miễn, giảm học phí. Quỹ khuyến học và quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi, khuyết tật đã được huy động xã hội hóa đến từng thôn xóm, bản làng...

Với những mục tiêu và bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể mà ngành giáo dục Hà Nội đã đề ra, 10 năm sau ngày thống nhất, ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước “thay da, đổi thịt”, từ những lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, phát triển thành một trung tâm giáo dục lớn, đi đầu cả nước theo hướng XHCN, kế thừa truyền thống hiếu học, trọng học của các thế hệ ông cha, quy tụ được các “nhân tài trí sĩ” của cả nước; xây dựng một bước chuyển căn bản tạo tiền đề cho một cuộc đại nhảy vọt khi đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới…

Tự tin, bứt phá trong thời kỳ đổi mới

Giai đoạn đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ năm 1986 với mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Trong thời gian này, ngành giáo dục Thủ đô tổ chức nhiều hình thức để duy trì và nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi, thu hẹp số người mù chữ ở các độ tuổi khác nhau. Tháng 12/1999 thành phố Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận là đơn vị đầu tiên hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học sơ sở; đến tháng 12/2000, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.

Đồng thời, hệ thống trường tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn này cũng tiến hành thực hiện chương trình giáo dục toàn diện, gắn giáo dục văn hóa với giáo dục văn, thể, mỹ, sức khỏe. Năm 2003-2004, ngành giáo dục Thủ đô thực hiện triển khai dạy và học theo SGK mới ở lớp 1 và lớp 6. Tỷ lệ học sinh phổ thông cơ sở khá, giỏi ngày càng tăng. Chất lượng giáo dục đạo đức, dạy nghề được duy trì và phát triển mạnh, số lượng học sinh THPT đỗ tốt nghiệp luôn duy trì ở tỷ lệ rất cao.

Ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp vô vàn khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất. Trong năm học 2008-2009, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giảng dạy mà đỉnh cao là tổ chức thành công ngày hội CNTT của toàn ngành vào ngày 20 và 21/3, 100% đơn vị giáo dục được kết nối mạng Internet, 40% số trường THCS và 70% THPT công lập sử dụng phần mềm quản lý học sinh, xây dựng hiệu quả kho học liệu điện tử dùng chung với 6000 học liệu tiêu biểu, bồi dưỡng về CNTT cho 9.000 người và 50% cán bộ quản lí giáo viên trong toàn ngành.

da-dang-hoat-dong-van-the-my-cho-hoc-sinh-tieu-hoc.jpg
Đa dạng hoạt động văn thể mỹ cho học sinh tiểu học.

Cùng với sự phát triển của Thành phố, quy mô ngành học được mở rộng với nhiều cơ sở đào tạo ở vùng sâu vùng xa, tuy nhiên chất lượng giáo dục đại trà vẫn được giữ ổn định và đồng đều, chất lượng mũi nhọn được nâng cao. Minh chứng là năm học đầu sau hợp nhất, Hà Nội đã có 1.281 học sinh giỏi thành phố, 107/139 học sinh giỏi quốc gia, là đơn vị đứng đầu trên toàn quốc về số lượng học sinh đạt giải nhất (7 học sinh) và vinh dự có 2 học sinh giỏi quốc tế ở môn Vật lý và Sinh học.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô, trải qua 10 năm sau ngày thống nhất và 30 năm đất nước tiến hành đổi mới, khi nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào về một nền giáo dục Thăng Long - Hà Nội, mà ở đó, ngành giáo dục Thủ đô đã góp phần rất lớn vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. Thầy và trò Hà Nội đã cùng nhau phát huy những nét đẹp trong truyền thống xây dựng trí tuệ và nhân cách người Hà Nội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến. Đồng thời cũng là động lực, bàn đạp để ngành giáo dục Hà Nội tự tin, vững bước trên hành trình vươn tầm ra khu vực và hội nhập với quốc tế mà chúng ta sẽ đề cập tới trong bài sau./.

Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước

Bài liên quan
  • Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước
    Trước Cách mạng Tháng Tám, chính sách ngu dân của thực dân, phong kiến dẫn đến hơn 90% dân số nước ta mù chữ... Bởi vậy, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiến dịch xóa mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng, phát triển đất nước. Và từ đó, các lớp bình dân học vụ ở Hà Nội mọc lên như nấm sau mưa, ngành giáo dục Thủ đô được khai sinh, phát triển mạnh mẽ và đến nay Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô: Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO