Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hương đêm Hà Nội

Phạm Ngọc Tâm Dung 16:27 07/05/2024

Đó là một buổi chiều tháng Mười đầy ấn tượng, theo yêu cầu của Thương - người bạn thân của tôi, đang sống xa quê, tôi quay tặng cô ấy, một đoạn video ghi hình ảnh cây hoa sữa cổ thụ “của riêng bạn” đang bời bời trổ bông và lịm ngọt hương say.

20101125091838_hoangoclan.jpg
Mùi hương đang hiện hữu đêm nay và hàng ngàn đêm trong không gian Hà Nội, không phải tỏa ra từ một hay hai loài hoa nào đó. Nó có thể là sự tổng hòa linh thiêng của thế giới các loài hoa quả, các loài cỏ cây, con người... của Hà Nội xưa và nay. (ảnh minh hoạ)

Thật may, đúng lúc tôi đang “tác nghiệp” thì có một đôi bạn trẻ, dừng xe. Người con gái mảnh mai, xinh tươi, đẹp như tiên với mái tóc đen nâu chảy dài trên bờ vai thon thả, chiếc áo dài trắng tinh khôi, bị cơn gió heo may lật tà, khoe đường cong nõn như búp tơ, của tuổi dậy thì. Em nhí nhảnh tạo dáng, trước “ống kính” điện thoại, cũng của một “nhiếp ảnh gia áo trắng” tầm tuổi em, khá điển giai.

Tôi lùi ra khá xa để quay được màn ảnh rộng và cũng có ý để các em tự nhiên.

Lòng vui vui, tôi nghĩ: Có thể, đây là mùa hoa sữa cuối cùng, nơi tuổi hoa niên của các em chăng! Rồi cũng có thể bắt đầu từ đây, khi con người ta đặt chân mình vào vòng xoáy lo toan, sự trong veo, tinh khôi kia, chỉ còn trong hoài niệm...

Cảnh gợi tình, tình gợi cảnh...

Không biết có phải cảnh và tình đẹp như trong mơ kia, đã đánh thức cảm hoài “của một thời trai trẻ” trong tôi hay không, mà tôi bất giác, hào hứng, “nổ” giòn tan vào đoạn băng đang quay, đôi câu thơ rất hay, trong bài “Hoa Sữa” của Nhà thơ Nguyễn Phan Hách:

“Chỉ mùa Thu còn trọn vẹn yêu thương

Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ

Hương của tình yêu đầu nhắc nhở

Có hai người xưa đã yêu nhau”

Dường như đoạn băng đã “đi guốc vào bụng” kẻ nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ người...

Bạn tôi cảm động lắm, nhưng vẫn chút bùi ngùi:

- Trong video chỉ thiếu mất mùi hương!

Trong bức thư điện tử, khá dài, gần đây nhất, viết cho tôi, Thương trần tình:

- Ở nơi này, phong cảnh tự nhiên đẹp lạ lùng, cuộc sống hiện đại, giàu có lạ lùng, công việc cũng áp lực lạ lùng và nỗi cô đơn của con người cũng thật... lạ lùng!

Có những lúc, người ta tưởng chừng như cố gắng quên đi nhiều thứ, dường như là một cách phủ nhận một thời tuổi thơ khốn khó, một thời tuổi trẻ dại khờ... nhưng rồi, sự dày dạn dâu bể, trầm luân, khiến người ta lại cay xè, khôn nguôi nỗi nhớ. Đặc biệt với người xa xứ, mùi hương chính là sợi dây vô hình, gợi lại những mảnh ký ức, phủ đầy lớp bụi thời gian...

Tôi nhớ mãi, có một lần Thương về nước, cũng vào dịp tháng Mười này. Lâu ngày xa mới có dịp hai người bạn “thâm niên” gần nhau. Thương dành hẳn cho tôi một ngày trong lịch trình dày đặc, kín mít và bận rộn của cô ấy. Chiều hôm đó, hai chúng tôi thảnh thơi dạo quanh khu phố cổ, tìm mua vài thứ trang sức hay mắt ở Hàng Bạc, lòng vòng vài con phố, rồi lượn qua làm bát bún riêu cua nóng hổi, quen thuộc của gánh bún vỉa hè ở phố Hàng Than. Và chúng tôi chọn nghỉ qua đêm tại một khách sạn cũ, khiêm nhường, núp dưới lùm một cây hoa sữa cổ thụ, nhìn ra hồ Trúc Bạch.

Màn đêm mùa Đông buông chùng rất nhanh. Chúng tôi không muốn ngủ. Hai đứa cùng nhau đi tản bộ quanh phố, như kế hoạch đã định. Lộ trình chúng tôi chọn là những con đường nhỏ - nơi mà ban ngày với bao náo nhiệt, bao chen lấn, bao ngạt đặc trong bầu không gian khói bụi, chen chúc. Từ trên cao nhìn xuống, hằng hà sa số xe cộ ngược xuôi, nó hệt như những đàn kiến khổng lồ, các loại với muôn sắc màu, muôn mùi vị...

Hai hàng cây sum suê, được ngọn đèn đường, tựa như mặt trời ban đêm chiếu sáng, khoe những bông hoa “nắng” được gió đòng đưa, nhún nhảy thấp thoáng dưới lòng đường, in hệt hình ảnh các con phố vắng của Hà Nội xưa, vào buổi... trưa hè!

Trời bắt đầu se lạnh, đêm Hà Nội lặng lẽ mở rộng cửa, đưa chúng tôi lạc vào một thế giới khác.

Tầm canh khuya, chỉ còn vài nhà hàng đặc sản, phục vụ khách đi dạo đêm, khiêm nhường sáng đèn trong ngõ nhỏ. Những người đi làm về muộn lác đác, thưa dần. Heo may đầu mùa xao xác lời ru buồn, vỗ về. Hà Nội chìm vào giấc ngủ!

Chúng tôi đi thật nhẹ, sợ tiếng gót giày lay động màn đêm. Đường phố vắng tanh mà an lành đến lạ! Chúng tôi không hề cảm nhận sự lẻ loi! Thoa vào tóc, vào mặt tôi là những hạt nước li ti mỏng dính, dịu dàng, không biết là mưa bụi hay sương Hồ Tây!

Bạn đường chúng tôi còn có những chiếc lá. Chúng thì thầm thật khẽ, thật hồn nhiên với nhau và với chúng tôi, chuyện vui buồn trăm năm, chuyện kỷ niệm cất giấu một thời...

Chúng tôi đi, như thể người ta đang đếm bước; Đang găm dấu chân mình vào bàn đạp thời gian; Đang tìm về một hoài cảm trong mơ...

Một làn gió, không biết từ trên trời buông xuống, hay mặt đất tỏa ra, mang theo một mùi hương kỳ lạ. Một mùi hương bí ẩn! Một mùi hương hư ảo, phiêu bồng!

Chúng tôi bất giác cùng dừng chân, cùng hít hà, cùng phán đoán xem, đó là mùi hương của loài hoa nào!

Bao nhiêu dự đoán chúng tôi đưa ra, đều bị chính chúng tôi phủ định.

Bỗng, từ cửa sổ của căn căn phòng, nơi ngôi nhà màu xanh phía bên trái, phát ra một lời ca dịu dặt của bài hát quen: “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng con phố, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ... cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”.

Tôi lặng đi trong xúc động. Bài hát kia đã gợi ý cho câu trả lời:

Thì ra, mùi hương đang hiện hữu đêm nay, và hàng ngàn đêm trong không gian Hà Nội, không phải tỏa ra từ một hay hai loài hoa nào đó. Nó có thể là sự tổng hòa linh thiêng của thế giới các loài hoa quả, các loài cỏ cây, con người... của Hà Nội xưa và nay.

Hương thơm đó có thể là chất cực tinh túy, được đất mẹ Tràng An chưng cất nơi những đóa sen hồng, sen trắng, tỏa hương ngan ngát ngàn năm từ các đầm hồ, từ trăm hồng nghìn tía nức nở của cánh đồng làng hoa Ngọc Hà, cánh đồng rau làng Láng, bãi đồng quất đào làng Quảng Bá, Nhật Tân, nơi công viên, nơi ban công của hàng vạn ngôi nhà; Từ những tấm lụa mềm nơi đô hội Hàng Đào, Hàng Ngang, gánh hàng hoa, gói cốm xanh rười rượi của người con gái làng Vòng...

Và, tôi trộm nghĩ: có thể mùi hương còn là sự kết tinh của bao huyền thoại, từ những chuyện tình của những ông vua, bà chúa, những văn nhân thi sĩ, những trai thanh, gái lịch chốn kinh kỳ... được cất giữ trong vầng trăng, trong gió, trong mây, trong sương, trong mỗi mái nhà, trong những lời ca, vần thơ và trong tình yêu, nỗi nhớ của người Hà Nội, của người Việt Nam.

Có ai đó nói rằng: “Trong xã hội hiện đại, mùi hương đóng hộp lên ngôi, mùi hương tự nhiên không dễ dàng giữ được lâu dài”.

Điều đó, có thể đúng với các miền đất khác, riêng Hà Nội thì không! Hà Nội bốn mùa tràn ngập mùi hương tự nhiên từ lá hoa, cây cỏ trên từng con ngõ nhỏ, cánh đồng hay trên những đường phố thênh thang…

Có thể bạn thật hạnh phúc được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hoặc bạn từ một miền quê nghèo khó nào mà số phận hay sự mưu sinh đã đưa chân bạn về với Hà Nội, để mà gắn bó, để mà yêu thương, để mà sinh con đẻ cái, để mà tận hiến... góp tiếng nói muôn phương, đa phong cách cho một Hà Nội vốn thanh lịch và hào hoa.

Có thể bạn chỉ thoáng qua, lưu lại nơi đây chỉ một vài ngày, dăm bảy tháng, hay gần trọn kiếp người... đã bao giờ, một mình bạn, hay cùng người tri kỷ, được không gian Hà Nội, cuốn lấy bạn, bao bọc bạn trong một “cái kén” làm tuyền bằng hương của đất kinh kỳ chưa?

Nếu đã từng, thì hiển nhiên là bạn đồng cảm cùng chúng tôi, trong bài viết này. Bạn chẳng hề ngạc nhiên khi thấy người ta tặng cho miền đất thánh Hà Nội là “Thành phố Hòa Bình”...

Và nữa, bạn cũng chẳng mấy ngạc nhiên, khi thành phố Hà Nội không lớn, sang trọng hay hiện đại nhất nhì thế giới, nhưng vẫn làm cho nhiều khách thập phương, trong nước cũng như quốc tế, đắm say và nhớ thương khôn tả - mà điểm nhấn của sự đắm say, thương nhớ đó là “hương đêm thành phố”./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Ngọc Tâm Dung. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội dấu ấn trong lòng tôi
    Với một người lần đầu đặt chân đến Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là những khu phố cổ kính, trầm mặc rêu phong, là những con đường nhỏ nhỏ xuôi ngược dòng người, những ánh đèn lung linh về đêm… Tôi vội vàng hòa vào dòng người để khám phá vẻ đẹp của thành phố được mệnh danh là “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “trái tim của cả nước”.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Từ 1/1/2025, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
    Xe kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có biển báo dấu hiệu nhận biết đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Hương đêm Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO