Hoa sữa, kí ức khó quên về Hà Nội
Một người bạn đang làm nghiên cứu sinh tại Hà Nội, nhắn tin cho tôi vào những ngày chớm thu: “Hoa sữa nở rồi”. Dù chỉ mấy chữ ngắn ngủi cũng đủ sức khiến bản thân tôi xao xuyến suốt cả tuần liền. Cũng chẳng rõ, từ bao giờ tôi lại đặc biệt yêu mùi hoa sữa đến thế.
Mặc dù hương thơm từ loài hoa này không phải ai cũng thích. Một số người bạn Hà Nội của tôi đều đùa rằng hoa sữa là loài hoa chỉ nên ngắm nhìn từ xa vì mùi hương thoang thoảng dễ chịu chứ khi đến gần thì cảm giác nồng nặc vô cùng khó chịu. Chắc cũng vì lí do đó nên hoa sữa trong thời điểm hiện tại, không còn được trồng nhiều trên các tuyến phố của Hà Nội. Dù thế nhưng kí ức từ những cây hoa sữa vẫn trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội thời kỳ trước đây, trở thành ký ức chung của những chàng trai, cô gái Hà Nội thập niên 1970-1980 và về sau. Ngay cả những người lúc sống ở Hà Nội, đã từng rất “khổ sở” vì mùi hương nồng nàn của nó thì khi đi xa, “hoa sữa” vẫn trở thành một hoài niệm để mở ra vô số ký ức về Hà Nội.
Nhà tôi ở một huyện nhỏ cách Hà Nội gần ba tiếng đi xe ôtô. Từ bé đến lớn, tôi vẫn thường được bố mẹ cho ra thăm Hà Nội nhiều lần nhưng chỉ vào mỗi dịp nghỉ hè nên chưa từng biết đến một mùa thu ở Thủ đô. Mãi cho đến lúc trở thành sinh viên ra Thủ đô học, tôi mới có cơ hội tận hưởng được trọn vẹn mùa thu Hà Nội. Trường học của tôi khi đó tọa lạc ở một góc phố cổ, nơi mùa thu đến sẽ ngập tràn lá vàng, còn mùa đông thì sương giăng khắp lối. Buổi sáng nào, tôi cũng lặng lẽ đi dạo trên đoạn đường nhỏ quanh co, len lỏi giữa phố xá để đến trường. Rồi bỗng một ngày đầu thu, cả quãng đường quen thuộc ấy bỗng thơm lừng hương hoa sữa. Mùi hương ấy như một cơn mưa bất chợt ập xuống, không thể lẩn tránh đi đâu được, khiến cho tâm trí người lần đầu thưởng ngoạn là tôi choáng ngợp vì cảm giác bất ngờ.
Tôi đã quay đi quay lại mấy lần mới tìm thấy nguồn hương. Đó là một cây thân gỗ, đầy cành lá sum suê, điểm vài bông hoa trắng tinh. Vậy mà mùi thơm của nó dịu dàng đến khôn tả. Dưới bầu trời trong xanh, từng chùm hoa sữa nghiêng nghiêng trong gió khiến bất kỳ người đi đường nào cũng phải dừng lại, chậm rãi hít thở để cảm nhận trọn vẹn và được sống trong không khí mùa thu đặc trưng của Hà Nội.
Thi thoảng, có những đêm khó ngủ, tôi thường dạo quanh phố phường Hà Nội vào ban đêm, khi mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Khoác vội chiếc áo len mỏng, tôi thong thả tản bộ lên mạn hồ Gươm, khẽ khàng lặng ngắm Tháp Rùa lung linh soi bóng mặt hồ trong sương giăng. Quanh những cung đường dạo ven hồ, lá vàng trút phủ đầy trên hè phố. Ngước lên vòm cây, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bông hoa sữa trắng muốt, ánh lên sắc màu hư ảo dưới ánh đèn đường vàng hiu hắt. Thi thoảng, bản thân lại tần ngần trước những góc phố cổ, phủ trắng hoa sữa, thơm nồng nàn như muốn níu kéo mùa thu ở lại. Vẻ ồn ào náo nhiệt của một đô thị dường như đã biến mất, chỉ còn lại một Hà Nội vào thu êm đềm đến kỳ lạ.
Năm thứ ba đại học, tôi chuyển sang sống cùng với một người bác họ. Đầu ngõ nhà bác tôi có một cây hoa sữa rất to. Tôi còn nhớ lúc chuyển đến nhà bác là thời điểm cuối tháng 9. Hoa sữa lúc bấy giờ chỉ là những bông bé li ti, tỏa hương thoang thoảng trên cành. Theo bác tôi kể lại thì hoa sữa xuất hiện ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Cây hoa sữa được người Pháp trồng chủ yếu ở vài tuyến phố thuộc khu phố Tây đường lớn, có vỉa hè rộng rãi. Những cây sứ thân gỗ cao lớn, lá xanh mướt quanh năm, được bố trí trồng cách nhau đến hơn mươi mét mà vòm lá vẫn đan rợp vào nhau. Đây là loại cây xanh phù hợp với đô thị vì là cây lâu năm, thân gỗ, có tán rộng để tỏa bóng mát. Nhưng có lẽ vì đặc tính nồng nàn của hương hoa nên người Pháp chỉ trồng rải rác vừa đủ một số cây hoa sữa để tỏa hương thoang thoảng.
Những buổi tối, mỗi khi học bài căng thẳng, tôi thường mở cửa sổ tầng 2 để hít hà hương thơm đặc biệt ấy, thấy lòng dịu dàng hơn. Những ngày tiết trời Hà Nội chuyển gió heo may se se lạnh thì hương hoa sữa cũng bắt đầu ngát thơm hơn. Hương hoa sữa thoảng trong sương lạnh nghe rõ cảm giác man mát, ngòn ngọt, khiến tinh thần phấn chấn, khoan khoái đến lạ lùng. Mỗi lần mở cửa sổ, luôn có cảm tưởng như một khu vườn hoa ùa vào phòng, thơm đến ngây người. Đứa con gái mơ mộng khi ấy là tôi hay lén nhặt vài bông hoa trắng muốt cho vào cốc thủy tinh trong vắt, đặt cạnh bàn học, cốt để dùng hương hoa nồng nàn đánh thức mình sau những cơn mỏi mệt, kiệt sức vì bài vở.
Bản thân tôi khi bắt gặp những cánh hoa sữa thơm ngát đầy tao nhã kia, kỳ thực, cũng đang rối bời vì biết bao tâm sự và nỗi nhớ mong gia đình. Mỗi ngày, trong khoảng thời gian cô đơn nơi xứ người ấy, bản thân chỉ đành hít hà chút mùi hương tao nhã của hoa sữa rồi quay trở lại học hành. Đến tận ngày mùng một, khi anh trai điện thoại từ quê lên, bảo rằng: “Cả nhà đều mong nhớ em”, đã khiến bản thân trong một khoảnh khắc không kìm nén được cảm xúc mà chợt rơi lệ. Nỗi mong nhớ quê nhà của tôi khi ấy thật tình cờ đã được hoa sữa an ủi, sẻ chia đôi phần.
Nhiều năm về sau, khi đã trở thành một người trưởng thành, ngắm nhìn đủ đầy sắc hương của hoa lá khắp nơi, lòng tôi vẫn hoài nhớ mùi hương hoa sữa giữa góc phố mùa thu năm nào. Ở góc nhỏ ở căn hộ chung cư tại Sài Gòn ồn ã, tôi đặc biệt dành một góc nhỏ để trồng một gốc hoa sữa Hà Nội. Dẫu đôi lần bị chồng con phàn nàn vì không chịu nổi mùi hương quá nồng, tôi vẫn im lặng, nhẹ nhàng mỉm cười. Cũng bởi, khi chúng ta gắn kết đủ lâu với một nơi nào đó, mọi điều xa lạ sẽ trở nên thân thuộc. Hoa sữa, bằng một cách kỳ diệu nào đó, đã trở thành một phần trong đời sống của cô sinh viên cô đơn giữa Hà Nội khi ấy.
Bản thân tôi rất yêu hoa sữa, yêu cái tính chất khiêm nhường, không quan tâm thế sự, yêu khả năng nhẫn nại và sức mạnh phi thường của mùi hương, yêu cả sự sẻ chia lặng thầm mà dịu dàng vào mùa thu Hà Nội năm nào. Một ngày giữa mùa thu, cô bạn tôi lại nhắn: “Tiếc rằng chẳng ai làm nước hoa mùi hoa sữa cả...”. Tôi khẽ mỉm cười trả lời: “Thật tốt vì trên đời này vẫn còn những hương thơm không thể trở thành nước hoa, để người ta cứ phải chờ đợi và thương nhớ mãi mỗi khi thu về.”./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Thị Minh Vân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |