Hà Nội

Hà Nội đang bừng sáng với một diện mạo mới, sức sống mới, tiếp tục thực hiện khát vọng hóa Rồng

Trung Kiên 14:31 07/10/2024

Đó là phát biểu của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” diễn ra sáng 7/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hội thảo là sự kiện trọng tâm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

a-thang.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới; khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý: Hà Nội văn hiến và anh hùng, niềm tin và hy vọng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; xứng đáng với sự quan tâm sâu sắc và những phần thưởng, danh hiệu cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng.

Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đồng thời tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045: là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; như đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Vận hội mới của đất nước cũng chính là vận hội mới cho Thủ đô. Tầm nhìn mới của Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” cùng “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu.

u36a3567.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Chính vì thế, Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” có nhiều ý nghĩa thiết thực. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, các đại biểu tại Hội thảo cùng suy nghĩ, trao đổi về những vấn đề trọng tâm như chủ đề đã đặt ra, với mục đích cao nhất là đưa Thủ đô Hà Nội vươn tầm cao mới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Hà Nội cần quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô đoàn kết thống nhất, thật sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; để tận dụng được các cơ hội, giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra; khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, huy động được nguồn lực to lớn của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước đưa công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Hà Nội lên những tầm cao mới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi về nội dung để Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, để văn hóa, con người là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển Thủ đô. Là nơi có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới. Trong sự bứt phá, vươn lên, văn hóa là yếu tố nền tảng để Hà Nội vững bước đi lên, bảo đảm sự phát triển bền vững và thành công.

Bên cạnh đó, xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội phải là hình mẫu của nỗ lực đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; đi tiên phong trong việc phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới.

Thủ đô Hà Nội tiếp tục quan tâm đến cuộc sống của nhân dân; lấy người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối ngày càng hiện đại, đồng bộ; xử lý hiệu quả những vấn đề về cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, hệ thống y tế, giáo dục…để tạo cho Hà Nội một diện mạo mới, xứng tầm vị thế Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội cần khai thác sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, hoàn thiện thể chế quản trị đô thị hiện đại, mang đẳng cấp khu vực và toàn cầu, coi đây là khâu đột phá chiến lược để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy năm trụ cột phát triển Thủ đô: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; để Hà Nội tiếp tục bứt phá, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.

Chủ động, tích cực đẩy mạnh, nâng tầm hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố quốc tế, kết nối toàn cầu, là nơi thu hút và hội tụ của mọi nguồn lực trên phạm vi toàn thế giới, như: nguồn vốn, tri thức, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài.

“Đây là những nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng tầm ảnh hưởng của Thủ đô trong việc thiết lập các chương trình nghị sự toàn cầu, trở thành tiêu điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và giao lưu quốc tế; thực hiện khát vọng hóa Rồng, sánh vai với Thủ đô của các cường quốc năm châu”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh./.

(Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo trong các bài viết tiếp theo).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Văn hóa Thủ đô 70 năm tự hào
    Ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng từ 5 cửa ô tiến vào Thủ đô Hà Nội, một thời kỳ phát triển mới hòa trong dòng chảy lịch sử ngàn năm của văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã được mở ra. Trải qua 70 năm, văn hóa Hà Nội dù gặp bao gian khó, thăng trầm, biến đổi, nhưng sức mạnh nội sinh chứa đựng vị thế, bản sắc riêng của mảnh đất là trái tim của nhân dân cả nước vẫn trụ vững trong tư thế hiên ngang, cao lớn, tự hào.
  • [Podcast] Tạo động lực phát triển văn hóa Thủ đô lên tầm cao mới
    Phát triển văn hóa là một trong những nội dung quan trọng, đã được Luật Thủ đô sửa đổi thể hiện và nhấn mạnh tại Điều 21 “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch” thuộc Chương III “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô” với nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa của cả nước. Các quy định mới, đặc thù về phát triển văn hóa và những điều luật khác liên quan trong Luật Thủ đô sửa đổi, là điều kiện thuận lợi để Hà Nội thực hiện thắng lợi Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị qu
  • Về Hà Nội cùng Nguyễn Đình Thi
    Tháng 10 năm 1954, Chính phủ kháng chiến và những đoàn quân chiến thắng rời Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 10/10/1954 chính thức đánh dấu Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.
  • Học sinh Hà Nội không được dùng điện thoại trong lớp
    Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép.
  • Hà Nội: Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính
    UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Triển khai tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2024 - 2025.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đang bừng sáng với một diện mạo mới, sức sống mới, tiếp tục thực hiện khát vọng hóa Rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO