Văn hóa – Di sản

Dương Bá Cung – nhà biên khảo và “Nguyễn Trãi học”

Nguyễn Phương Thảo 19/11/2023 17:45

Dương Bá Cung là nhà sưu tập văn bản, nhà “Nguyễn Trãi học” xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XIX. Ông được người đời sau tôn vinh như vậy bởi vì cả cuộc đời đã dành hết tâm sức cho công việc sưu tầm, tập hợp thơ văn Nguyễn Trãi. Nhờ công sưu tầm của Dương Bá Cung mà hậu thế mới được thừa hưởng kho tàng thơ văn đồ sộ của tác gia Nguyễn Trãi. Công việc này thực đáng trân trọng!

uc-trai-di-tap.jpg
Danh nhân Dương Bá Cung, người soạn bộ Ức Trai di tập.

Dương Bá Cung sinh năm 1794, mất năm 1868. Hiệu là Cấn Đình, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông là người hiếu học, năm 26 tuổi đỗ Cử nhân (tức năm 1821) và làm quan đến Đốc học. Dương Bá Cung là nhà thơ, nhà văn, soạn giả. Ông từng soạn sách Hà Nội địa dư, miêu tả rõ địa thế sông núi, phong tục, các địa danh, sản vật khắp các quận huyện thuộc tỉnh Hà Nội xưa. Nhưng công lao chính của ông là việc sưu tầm, ghi chép và bảo lưu nguồn thơ văn Nguyễn Trãi.

Tại sao Dương Bá Cung lại sưu tầm thơ Nguyễn Trãi?

Thứ nhất, do nguyên nhân chủ quan. Bản thân Cấn Đình là người hiếu học, lại say mê văn thơ. Bên cạnh đó, ông là người cùng làng Nhị Khê và là rể của dòng họ Nguyễn (con rể ông Nguyễn Chúc - là người thuộc hàng cháu chắt của Nguyễn Trãi) nên việc Dương Bá Cung yêu thích, để ý tìm kiếm, sưu tầm thơ Nguyễn Trãi là điều không lạ.

Thứ hai, do nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân này có lẽ là động cơ chính thôi thúc Dương Bá Cung sưu tầm thơ Nguyễn Trãi. Đó là sau vụ án oan khốc Lệ Chi viên, thơ văn Nguyễn Trãi bị tiêu hủy, bản thân Nguyễn Trãi bị kết tội và chịu án tru di tam tộc. Hai mươi năm sau, Lê Thánh Tông mới giải được oan khuất cho Nguyễn Trãi. Vua lệnh cho Trần Khắc Kiệm thu thập lại số văn thơ còn sót lại của Nguyễn Trãi. Hơn mười năm sau, từ 1464 đến 1477, số thơ thu thập được khá đầy đủ. Nhưng tiếc rằng đến đầu đời Nguyễn, tập thơ Trần Khắc Kiệm sưu tầm lại bị thất tán. Đến đây, tưởng chừng thơ văn Nguyễn Trãi đã thất lạc hết. Nhưng có lẽ vì duyên nợ với đời nên thơ Nguyễn Trãi đã tìm được đường về qua công lao sưu tầm của Dương Bá Cung. Cũng vì kính trọng tài năng của Nguyễn Trãi mà Dương Bá Cung đã dành cả cuộc đời sưu tầm, ghi chép, biên soạn, tập hợp thành bộ Ức Trai di tập. Sách được Nguyễn Năng Tĩnh và Ngô Thế Vinh đề tựa năm 1833 và 1837. Năm Mậu Thìn (1868), Bá Cung cũng có bài tựa ghi rõ lai lịch việc soạn sách này. Cùng năm đó, mùa thu năm 1868, lúc Dương Bá Cung đã mất được 7 tháng, bộ sách mới được nhà Phúc Khê tàng bản khắc in. Vậy là trước khi mất, ông chưa kịp nhìn thấy “thành quả” của mình.

Ức Trai di tập do Dương Bá Cung soạn gồm 7 quyển như sau:

Quyển 1, Thi loại. Quyển này tập hợp các bài tựa và thơ phú chữ Hán của Nguyễn Trãi được rút từ các bộ Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục. 105 bài thơ của Nguyễn Trãi cùng 4 bài người khác tặng ông được tuyển từ các bộ sách này còn được tập hợp thành một quyển với tên gọi Ức Trai thi tập.

Quyển 2, Phụ lục Nguyễn Phi Khanh thi văn.

Quyển 3, Văn loại. Quyển này tuyển chọn Bình Ngô đại cáo và 31 bài chiếu, biểu, chế, lục... do Nguyễn Trãi soạn.

Quyển 4, Quân trung từ mệnh tập. Đây là một tập hợp các văn kiện ngoại giao được Nguyễn Trãi soạn thảo bằng văn xuôi chữ Hán trong thời gian chống quân xâm lược Minh (1418 - 1428). Trần Khắc Kiệm sưu tầm và tập hợp lần đầu thời Hồng Đức, sau được Dương Bá Cung sưu tầm lại. Quân trung từ mệnh tập với nghĩa là “tập thư từ mệnh lệnh ở trong quân”. Tác phẩm này có 42 văn kiện, gồm các thư từ gửi cho Phương Chính, Vương Thông, Lương Nhữ Hốt và một số biểu cầu phong gửi triều đình nhà Minh. Tuy nhiên, đây chưa phải là tập hợp đầy đủ các văn kiện, thư từ trong thời kháng chiến chống Minh. Một số tư liệu còn thấy ở các văn bản khác như bản chép Ức Trai di tập khác của Phạm Lý (năm 1856) có thêm 6 văn kiện nữa; cuốn Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư thấy thêm 5 văn kiện; Quyển 3, Văn loại của Dương Bá Cung cũng tìm thêm 11 văn kiện nữa... Như vậy, số lượng văn kiện trong Quân trung từ mệnh tập hiện đã xác định được 62 mục bài (Nguyễn Văn Nguyên: Những vấn đề văn bản Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, 1998). Những văn kiện này ngoài chức năng chính trị, về mặt nghệ thuật, chúng còn là những tác phẩm văn nghị luận, chính luận đặc sắc.

Quyển 5, Sự trạng và các lời bình luận. Quyển này chép sự trạng và bình luận về Nguyễn Trãi trích từ các bộ sử, truyện, gia phả. Chẳng hạn, bài Tựa sách Ức Trai thi tập của Trần Khắc Kiệm (1480), Tiên sinh sự trạng khảo (Khảo về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi), Bình luận chư thuyết (Các lời bình luận), đều do Dương Bá Cung viết.

Quyển 6, Dư địa chí. Sách này được soạn theo lệnh của Lê Thái Tông năm 1434 do Nguyễn Trãi soạn, Nguyễn Thiên Túng tập chú, Nguyễn Thiên Tích cẩn án và Lý Tử Tấn thông luận. Sách gồm 54 mục, chép địa lý tự nhiên và hành chính lãnh thổ nước Đại Việt trong các giai đoạn lịch sử. Quyển này còn có bài Tựa Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.

Quyển 7, Quốc âm thi tập, là tập thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ. Trong Quốc âm thi tập, Dương Bá Cung đã sắp xếp thành 4 mục: 1. Vô đề gồm 192 bài thơ và 14 mục nhỏ; 2. Thì lệnh môn có 21 bài thơ và 9 mục nhỏ; 3. Hoa mộc môn có 34 bài thơ và 23 mục nhỏ; 4. Cầm thú môn gồm 7 bài thơ và 7 mục nhỏ. Tập thơ được cho là những sáng tác tiếng Việt xưa nhất của nền văn học thành văn còn giữ được đến nay.

Như vậy, sau Trần Khắc Kiệm, Dương Bá Cung là tác giả thứ hai có công sưu tầm, biên soạn thơ văn Nguyễn Trãi. Đây là một đóng góp không nhỏ của Dương Bá Cung cho nền thơ ca nước nhà. Bởi gìn giữ và bảo tồn những sáng tác văn chương của Nguyễn Trãi đồng nghĩa với việc bảo lưu nền văn hóa, văn học truyền thống dân tộc.

Bên cạnh công lao sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi thì Dương Bá Cung còn là một nhà văn hóa. Ông soạn cuốn Hà Nội địa dư, ghi lại các danh thắng đất Hà thành xưa. Trong đó, có một tài liệu được cho là cứ liệu quan trọng xác định di tích đền Cẩu Nhi (đền nằm trên một gò nhỏ bên hồ Trúc Bạch và có từ thời vua Lý Thái Tổ). Hiện nay không còn di tích đền Cẩu Nhi mà chỉ còn lại một nhà bia ghi lại lịch sử ra đời của đền này. Nội dung văn bia có đoạn: “... đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa, vua nghe chuyện bảo đó là Chó Thần, bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi, dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này….”. Như vậy, dựa theo ghi chép ở văn bia và ghi chép của Dương Bá Cung thì xác định là có đền này. Di tích đền Cẩu Nhi đã có từ lâu và từ đầu thế kỷ XX có thêm tên gọi là đền Thủy Trung Tiên (Bà tiên dưới nước).

Dương Bá Cung sáng tác không nhiều nhưng ông đã có công tìm lại cho đời di cảo của tác gia - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nhờ ông mà những sáng tác của Nguyễn Trãi được hồi sinh. Cũng nhờ ông mà hậu thế được thưởng thức những tư tưởng, triết lý sâu sắc của “ngôi sao Khuê” Nguyễn Trãi để lại và soi sáng đến muôn đời sau./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dương Bá Cung – nhà biên khảo và “Nguyễn Trãi học”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO