Văn hóa – Di sản

Đoàn Nhữ Hài – tài năng từ thuở thanh xuân

Nguyễn Phương Thảo 02/11/2023 09:49

Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) từng là vị quan trải qua ba đời vua nhà Trần - Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Ông người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng châu (nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Đương thời ông có công viết “biểu tạ tội” cho vua Anh Tông và làm các chức Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển kiêm chức Kinh lược đại sứ Nghệ An; làm sứ giả đi Chiêm Thành hai lần và nhận nhiệm vụ làm Đốc tướng... Tài năng của ông được phát hiện ngay lúc ông còn trẻ tuổi. Ông làm quan không phải bằng đường khoa bảng mà bằng thực tài của bản thân.

Nhữ Hài làm quan như một sự tình cờ hiếm hoi. Chuyện kể rằng: Anh học trò Đoàn Nhữ Hài đang mải học tại chùa Tư Phúc thì gặp thiên tử - vị vua được nói đến ở đây là Trần Anh Tông. Gặp Đoàn Nhữ Hài, vua liền hỏi: “Sao người lại vào đây?”. Người học trò quỳ lạy mà thưa rằng: “Thần vì mải học nên lỡ đi lầm vào đây”. Vua cho là người hiền bèn mời Nhữ Hài vào phòng nghỉ mà bảo: “Ta vừa rồi vì say rượu mang tội với thượng hoàng. Nay ta muốn dâng biểu tạ tội, người hãy thảo giúp ta”... Nhữ Hài không ngần ngại mà viết luôn. Đến sáng hôm sau vua Trần Anh Tông cùng ông về Thiên Trường. Vua lệnh cho ông vào sân dâng biểu tạ tội lên thượng hoàng. Ông làm theo lời vua Anh Tông nhưng quỳ gối chờ mãi từ sáng mà thượng hoàng Trần Nhân Tông không cho gọi. Cho đến khi trời gần tối, mưa lớn kéo đến, thượng hoàng mới cho gọi người dâng biểu vào. Vậy là lần đầu tiên họ Đoàn được vào yết kiến thượng hoàng Trần Nhân Tông. Thượng hoàng đọc trong biểu thấy lời lẽ hết sức thống thiết, liền hỏi: “Người soạn biểu là ai?”. Vua Anh Tông đáp: “Là thư sinh Đoàn Nhữ Hài làm”. Nghe vậy, thượng hoàng tỏ vẻ bằng lòng, khen ngợi Nhữ Hài soạn biểu hợp ý người. Vua Anh Tông cũng vì thế mà được tha tội.

doan-nhu-hai.jpg
Văn bia Đền thờ Đoàn Nhữ Hài.

Từ cơ duyên gặp gỡ với vua Anh Tông ở chùa Tư Phúc, Đoàn Nhữ Hài có cơ hội thể hiện tài năng của mình trước triều đình, vua và đặc biệt là thượng hoàng. Ngay sau đó Đoàn Nhữ Hài được trọng dụng, được phong chức Ngự sử trung tán, khi ấy ông chưa đầy 20 tuổi.

Trong thời gian làm quan, ông được giao nhiều trọng trách: đi sứ, chỉ huy quân đội, phụ trách việc nội triều... Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt bổn phận và chức trách được giao phó. Những việc nổi bật ông đã làm được trong thời kỳ làm quan có thể kể đến là hai chuyến đi sứ và chỉ huy quân đội.

Đoàn Nhữ Hài đi sứ lần thứ nhất tới Chiêm Thành vào năm 1303. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết về chuyến đi đó của Đoàn Nhữ Hài như sau: “Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”. Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất”...

Đoàn Nhữ Hài làm như vậy là để tỏ sự cung kính, đề cao nước Việt trước mặt vua Chiêm Thành. Ông làm như thế là thuận lễ nên vua Chiêm cũng không thể chê trách được. Qua sự việc đó, vua Anh Tông lại càng ngợi khen Đoàn Nhữ Hài. Ông được vua thăng chức làm Tri khu mật viện sự vốn là chức quan chỉ được trao cho những người trong tôn thất. Đoàn Nhữ Hài nhận được đặc ân này, quả thực là hiếm hoi.

Bốn năm sau (1307), họ Đoàn được cử sang Chiêm Thành lần thứ hai. Nhiệm vụ lần này của ông là đến châu Ô, Lý (vua Chiêm là Chế Mân đã dùng hai châu này làm vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần) để giám sát tình hình và vỗ yên dân chúng nơi đây. Ông lấy lòng dân chúng hai châu này bằng cách chọn chính những người dân châu đó làm quan, đồng thời cấp cho dân chúng ruộng đất, miễn tô thuế trong 3 năm. Nhờ thế mà lòng dân được yên ủi, nương tựa, cuộc sống của dân chúng được yên bình, hạnh phúc.

Năm Tân Hợi (1311), Đoàn Nhữ Hài cùng vua Trần Anh Tông dấy binh chinh phạt Chiêm Thành. Là quan văn, Đoàn Nhữ Hài chỉ huy quân đội bằng mưu trí nhiều hơn là bằng “sức”. Trong trận chinh phạt này, Đoàn Nhữ Hài đã chỉ huy quân đội thắng trận mà không cần nhiều đến sức người. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.

Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ Vương đem quân đuổi theo. Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng: “Khánh Dư muốn cướp công vua”.

Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ sợ, sai ngự doanh tạ tội nói rằng: “Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi”. Vua nguôi giận, sai chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm tụ tập định đánh vào ngự doanh. Tiếng voi đã gần, quân sĩ có vẻ lo sợ. Được vài hôm, quân của Huệ Vũ Vương tự tìm đường mà tới, người Chiêm chạy tan. Trận đánh không mất một mũi tên mà Chiêm Thành bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài”...

Quả thực với tài thao lược, Đoàn Nhữ Hài đã dẹp được quân Chiêm mà không tốn một mũi tên hòn đạn nào. Việc này thực là “xưa nay hiếm”, ngay cả võ tướng còn ít người làm được thì việc một văn quan thực hiện được như thế này thực đáng nể phục!

Đoàn Nhữ Hài là vị quan có nhiều công trạng. Tuy nhiên, tác phẩm của ông thì không thấy sách nào chép lại. Duy còn lại bài biểu tạ tội viết hộ vua Trần Anh Tông nói trên. Bài biểu này được lưu trong bản thần tích ở quê ông với tựa đề Đoàn Trung Tán công hương chi thần tích, tuy nhiên không rõ có đúng nguyên văn hay không.

Đoàn Nhữ Hài sinh năm 1280, mất năm 1335, hưởng thọ 55 tuổi. Trong suốt thời gian tại quan, ông đã làm được nhiều việc giúp ích cho vương triều Trần Anh Tông. Tài năng và bản lĩnh của ông được thể hiện ở những lần đi sứ Chiêm Thành và những lần chỉ huy quân đội đánh giặc Chiêm. Việc làm quan của ông như được “trời tính”, cuộc gặp gỡ của ông với vua Trần Anh Tông thực là “cuộc gặp gỡ ngàn năm mới có” (Ngô Thì Sĩ). Chùa Tư Phúc là nơi gặp gỡ giữa vua Trần Anh Tông và Đoàn Nhữ Hài, cũng là nơi “phát đoan” cho mọi sự phát triển về sau này của chàng học trò họ Đoàn./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Đoàn Nhữ Hài – tài năng từ thuở thanh xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO