Đình Thạch Lỗi (huyện Sóc Sơn)
Đình Thạch Lỗi là tên thường gọi của di tích theo tên thôn Thạch Lỗi. Tên nôm cổ xưa gọi là làng Luổi. Di tích hiện nay thuộc thôn Thạch Lỗi hay Thạch Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Xã Thanh Xuân là một trong các xã ở đầu phía tây của huyện Sóc Sơn, có địa phận thuộc cây số 8 đến cây số 12, tính từ Phủ Lỗ theo đường quốc lộ 2 đi Phúc Yên. Trước Cách mạng tháng Tám Thạch Lỗi là một xã thuộc tổng Cổ Bái, tổng Hương Gia, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Sau cách mạng tháng Tám là thôn thuộc xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 đổi tên là Vĩnh Phú. Năm 1977 Kim Anh sát nhập cùng Đa Phúc thành tên mới là Sóc Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1979 huyện Sóc Sơn trở thành một huyện ngoại thành Hà Nội. Từ đó đến nay tên địa phương được giữ nguyên.
Thôn Thạch Lỗi nằm trong tam tổng cùng lễ về đền Thanh Nhàn, thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Ngôi đình làng thờ thành hoàng là thánh Tam Giang: Trương Hống, Trương Hát - những vị tướng giúp nước thời Lý Bí và Triệu Quang Phục vào thế kỷ thứ VI. Năm 542 Lý Bí lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Lương đô hộ, anh em Trương Hồng, Trương Hát là những người theo về giúp sức đầu tiên. Quân Lương thua rút chạy về nước, nhờ công lao của rất nhiều tướng sĩ dưới quyền thủ lĩnh Lý Bí trong đó có thể nói đến những kế sách thuỷ binh giá trị của anh em họ Trương. Lý Bí lên ngôi vua, lập nước Vạn Xuân năm 544, đặt niên hiệu là Lý Nam Đế, anh em họ Trương được phong thưởng cấp thực ấp trông coi vùng Kim Hoa, Kinh Bắc. Anh em họ Trương ra sức phò giúp Triệu Quang Phục, hay Triệu Việt Vương khôi phục lại chủ quyền trong thời gian này. Do mắc mưu của Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục phải thua và mất. Lý Phật Tử thu phục anh em họ Trương lúc đó đã lui về vùng thực ấp ở ẩn để tránh đổ máu cho sinh linh. Anh em ông quyết định quyên sinh ở ngã ba Xà. Anh em họ Trương đã có câu nói khảng khái: “Tôi trung không phò hai chúa” khẳng định lòng trung vua yêu nước của mình. Đế nhớ công lao của hai ông, nhiều làng lập đền thờ anh em họ Trương, nhất là vùng có 3 con sông: (sông Thương, sông Cầu, sông Đuống), cho nên có tên gọi là thánh Tam Giang. Thạch Lỗi nằm cạnh sông Cà Lồ nhập dòng về sông Cầu, vùng có nhiều thôn, làng cùng thờ thánh Tam Giang làm thành hoàng làng.
Đình Thạch Lỗi nằm giữa đất của thôn, hơi chếch về phía nam là dòng sông Cà Lồ. Ngôi đình được bao bọc bởi tường và rào ngăn riêng, nằm trên khu đất rộng có nhiều cây xanh tốt. Trước đây đình có hai nếp Tiền tế và Đại đình, nay chỉ còn toà Đại đình có bố cục kiểu chữ “nhất”. Đại đình gồm 5 gian dĩ có đao cong 4 mái lợp ngói ri toàn bộ. Đình có 48 cột gỗ tứ thiết, cột dài lớn, khung vì đồ sộ, thiết kế khung vì kiểu thượng thả kèo, trung hạ là kẻ trường. Các trang trí trên kiến trúc đại đình mang dấu ấn của nghệ thuật cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, bộ khung vì chắc khoẻ và bền vững. Hậu cung của đình được nâng chuỗi duộc ở ngay gian giữa của Đại đình và quây thành khám thờ. Mái làm chồng diêm hai tầng. Có đạo cuốn các góc thanh nhã. Phía trước chuôi duộc có cửa cấm cung làm cánh, nâng cao thành bậc thờ riêng, cao hơn hẳn nền đình.
Đình Thạch Lỗi nằm ở vùng chiến sự ác liệt trong kháng chiến nên đã hư hỏng, mất một số cổ vật có giá trị như thần tích, bia đá... Ngôi đình hiện còn một kiến trúc đồ sộ, vững chắc, và niên đại của đình ít nhất được khởi dựng từ cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Di tích có kiến trúc đồ sộ, đẹp nhất hiện còn gìn giữ được trong vùng. Hiện nay, đình còn bảo lưu được một số đồ tế khí như long ngai bài vị thế kỷ XIX - XX; bài vị thờ thánh Tam Giang và bộ kiệu bát cống nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.
Đình Thạch Lỗi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02