Đình Phúc Hậu thuộc thôn Phúc Hậu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đình thờ Tam Lang đại vương, một công thần thời Lý. Theo Ngọc phả thì Tam Lang là con Lý Khánh Vân (Vân Hạnh) khi đó Lý Công Uẩn là con nuôi. Trong sự nghiệp xây dựng vương triều Lý, ông có nhiều công, ngay cả trong cuộc phản loạn của Đông Chinh Vương, Dục Thánh Vương, Vũ Đức Vương, Tam Lang đã cùng các triều thần tham gia việc trấn trị giữ yên việc nối ngôi của thái tử Phật Mã (Lý Thái Tông). Tam Lang được phong ấp ở vùng Hậu Trại và sau mất ở vùng này nên được nhân dân thờ. Ngày nay Hậu Trại đổi tên là Phúc Hậu. Vì miếu thờ ngày xưa không còn nên dân Phúc Hậu thờ đình.
Thời Lê Thái Tổ sau khi bình định giặc Minh đã phong sắc là Hiển Ứng đại vương.
Kiến trúc của đình. Qua sắc phong thời Lê, tượng phỗng và các mảng chạm thì đình đã được xây dựng từ lâu. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, đình lại bị hư hại nhiều, sau thời hoà bình nhân dân đã sửa lại làm nơi hội họp.
Hiện nay đình gồm có: Đại đình 5 gian nối liền với hậu cung; trước đại đình có Tam quan. Kiến trúc đình theo lối kiến trúc gỗ truyền thống với những cột bằng gỗ và các mảng cốn, đầu tư, đầu bẩy ở đại đình đều được chạm trổ. Các mảng chạm còn nhiều chỗ giữ phong cách nghệ thuật thời Lê với những nét chạm trau chuốt nhưng mạnh và dứt khoát.
Đình Phúc Hậu còn giữ được nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật và 19 đạo sắc.
Chùa Phúc Hậu được dựng bên phải đình Phúc Hậu, chùa được xây dựng trên nền cao hơn nền đình nhưng quy mô kiến trúc nhỏ, có tường bao quanh. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”. Tiền đường và Thượng điện cùng có 3 gian 2 chái, 4 góc mái có đao cong đẹp. Các vì kèo theo kiểu quá giang, cột vuông bằng gạch, kiến trúc đơn giản. Sau tiền đường cách một khoảng sân hẹp là đến thượng điện được xây gạch kiểu “bít đốc tay ngai”, tường hậu xây kín, phía trước có kẻ hiện gác trụ gạch bên trong có các vì kèo quá giang đỡ trụ và kèo suất. Chùa có một số mảng chạm gỗ có giá trị mỹ thuật. Chùa còn bảo lưu các di vật như cây hương đá thời Hậu Lê, các pho tượng có niên đại của thế kỷ XIX.
Đình và chùa Phúc Hậu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01