Tấm văn bia có tên là “Trùng tu chùa Đại Bi” ở chùa Miêng Hạ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1751) cho biết: Vào thời Lê, thôn Miêng Hạ có tên gọi là Nghiêm Xá, xã Sơn Minh, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Đến triều Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh đọc chệch thành Miêng. Làng Miêng có hai xóm là Miêng Thượng và Miêng Hạ. Đình Miêng Hạ toạ lạc tại xóm Miêng Hạ.
Thần phả hiện còn lưu giữ tại đình cho biết: Đức Thành hoàng làng được nhân dân thờ phụng là hai anh em Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương. Bấy giờ có giặc ngoại xâm đánh nước Văn Lang. Hùng Duệ Vương ra chiếu truyền khắp thiên hạ chọn người tài đức để dẹp giặc. Hai anh em vốn là em của Thánh Tản Viên liền ra giúp vua và được vua Hùng tin dùng, phong Tản Viên là Thống lĩnh trung quân. Tản Viên lệnh cho Cao Sơn phòng ngự phía nam, cử Quý Minh ngăn giặc phía tây. Cao Sơn dẫn quân về phía nam và thấy địa thế trang Sơn Miêng thuận lợi cho việc bố phòng liền truyền quân dựng đồn trại.
Từ khi Cao Sơn đóng đồn luỹ ở đây, giặc không dám quấy nhiễu, nhờ vậy mà dân chúng an cư lập nghiệp. Cao Sơn lại tuyển thêm trai tráng trong trang tham gia giữ đồn luỹ. Sau một thời gian, Cao Sơn tiến quân về Sóc Sơn cùng với Tản Viên đánh tan quân Thục. Đất nước thanh bình, Hùng Duệ Vương mở tiệc khao thưởng và phong cho Cao Sơn về vùng Sơn Miêng, Quý Minh về Phụng Thiên.
Theo truyền thuyết tại vùng núi Tản, Tam vị đức thánh chính là ba anh em Tản Viên Sơn, Cao Sơn và Quý Minh là những vị phúc thần đã có công giúp dân giúp nước trong buổi bình minh của dân tộc.
Đình Miêng Hạ có lối kiến trúc chữ “công” gồm Đại bái và Hậu cung được nối bằng một gian Ống muống. Đình có Nghi môn xây lối trụ biểu đèn lồng và hệ thống tường bao, trước cửa có đôi nghê đá mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đại bái là ngôi nhà ngang 5 gian 2 chái nhỏ, hai mái chảy và 4 má đao cong. Đại bái dài 23m, rộng 10m có niên đại khởi dựng vào triều Lê niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) với các bộ vì theo lối “kẻ chuyền và bẩy hiên” đặc trưng. Nghệ thuật chạm khắc độc đáo với phương pháp chạm lộng, bong kênh các loài vật quý như rồng, phượng, các loài cây quý như cúc, thông, mai đều mang phong cách thời Lê.
Toà Ống muống và Hậu cung được làm đơn giản hơn Đại bái, chạm khắc ít. Nhưng ở đây chính là nơi bài trí các đồ tế tự như hương án, kiệu long ngai thời Lê quý hiếm.
Đình Miêng Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01