Đây xưa kia là đất phường Yên Xá, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, đến thế kỷ XIX, nhập vào thôn Lương Xá, thành thôn Lương Yên, tổng Thanh Nhàn. Đây là nơi đã chung đúc nên người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm Kỷ Mùi (1019) ở làng Cơ Xá, thành Thăng Long. Ông là một nhân vật nổi tiếng thời Lý, có công lớn trong việc phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ toàn vẹn giang sơn Đại Việt nên đã được nhà vua ban quốc tính.
Thuở nhỏ, Ngô Tuấn rất chăm học, say mê luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư. Ban đầu, ông làm thị vệ theo hầu Lý Thái Tông, do tài năng và đức độ, được phong Thái phó, rồi Thái bảo, trở thành vị tướng mưu lược.
Trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, bấy giờ Lý Thánh Tông đã mất, vua Lý Nhân Tông mới 9 tuổi, Lý Thường Kiệt, với tư cách là Phụ quốc Thái uý đã chủ trương “tiên phát chế nhân” như ông nói: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc” và đã chiến thắng vang dội. Năm 1077, nhà Tống phát đại binh xâm lược nước ta. Với việc xây dựng phòng tuyến sông Cầu, ông đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Thăng Long, đánh bại quân xâm lược. 165. Tượng Lý Thường Kiệt ở đền Cơ Xá
Năm 1105, ông qua đời tại Thăng Long, thọ 86 tuổi. Nhớ ơn người anh hùng dân tộc, nhân dân Cơ Xá lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng. Trước đây, đền được dựng ở ngoài bãi sông Hồng. Sau do bãi bị lở nên nhân dân làng chuyển vào địa điểm hiện nay.
Đền Cơ Xá có quy mô khá lớn và bề thế với 5 gian Tiền tế, 3 Hậu cung, nhưng đã bị giặc Pháp phá huỷ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Năm 1947 - 1948, dân làng Cơ Xá cùng nhau công đức xây dựng phần Hậu cung. Đền Cơ Xã đã được Nhà nước đầu tư trùng tu tôn tạo lại năm 2008 - 2009.
Đền Cơ Xá hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý gồm bức đại tự ghi dòng chữ “Uy đức quang minh”, 3 đôi câu đối ca ngợi thân thế, sự nghiệp và đức độ người anh hùng Lý Thường Kiệt. Ngoài ra còn 7 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn đang được lưu giữ tại thư viện Hán - Nôm và ở đình Bắc Biên (thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Nội dung các sắc phong đều ca ngợi “Thái uý Việt quốc công tảng”, “Hùng tài, vĩ lượng, hộ quốc, trí dân. Lẫm trứ linh ứng”.
Lễ hội đền Cơ Xá được tổ chức hai lần trong năm (21 tháng hai và 22 tháng tám âm lịch) với các nghi lễ long trọng và các hoạt động đánh cờ, đấu vật, hát chèo, quan họ...
Đền Cơ Xá đã được Uỷ ban nhân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1999.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01