Điều an ủi cuối cùng

Truyện ngắn của Bùi Duy Phong| 20/09/2022 07:41

Điều an ủi  cuối cùng
Minh họa của Vũ Khánh

Bà Kha nằm một chỗ bất động. Toàn thân bà giờ đây chỉ còn da bọc xương, mềm nhũn trên cái nệm nước, duy chỉ có đôi mắt còn cử động. Chút sinh lực cuối cùng của bà Kha như dồn vào đôi mắt làm cho nó vẫn còn có hồn, biết nói. Đôi mắt ấy khi liếc sang phải, khi liếc sang trái rồi có khi nhìn thẳng không chớp. Bà Kha cảm nhận âm thanh qua đôi tai rồi dùng đôi mắt để giao tiếp. Ly - đứa cháu nội túc trực thường xuyên chăm sóc bà là người có thể chuyển tải những thông điệp từ đôi mắt ấy. Nó biết khi nào bà đói, khi nào bà khát hay khi nào bà cần nó ngồi bên dẫuchỉ để vân vê những lọn tóc bạc trắng trên trán của bà. Cách đây vài năm bà còn thều thào được vài từ mặc dù không thành tiếng, nhưng kể từ năm ngoái đến giờ, cái tín hiệu giao tiếp duy nhất ấy cũng mất hẳn. Bà Kha như chiếc đèn đã cạn khô dầu nhưng vẫn còn một ít thấm ở tim đèn làm cho ngọn lửa leo lét. Ly cố đút cho bà Kha vài thìa sữa. Bà nuốt một cách khó nhọc làm cho những giọt sữa tràn ra cả hai bên khóe miệng. Con bé cẩn thận và kiên nhẫn từng chút một như sợ bà đau. Đôi mắt bà khẽ ánh lên vẻ rạng ngời cảm động. Nó vừa chăm bà vừa khe khẽ hát làm bà càng thêm vui. 
Tiếng xe máy quen thuộc của ba nó dừng ngoài cổng làm cho hai bà cháu như sững lại. Chẳng là, mấy ngày nay ba Toàn bỏ cả công việc đồng áng để ngược ra tận ngoài Quảng Nam khi nghe chút manh mối mong manh về ông.  
Ly ào ra cửa:
- Có thông tin gì không ba? - vừa hỏi Ly vừa nhìn ba không chớp mắt chờ đợi. Ba nó không trả lời ngay mà khoác vai nó cùng đi vào phòng bà. Cái lắc đầu buồn bã của anh Toàn làm cho đôi mắt bà nhắm lại. Anh ngồi xuống bên cạnh xoa nắm bàn tay gầy guộc của người mẹ già như chút an ủi để bà bớt buồn. Đây đã là lần thứ tư anh Toàn lên đường đi tìm lại “người thương” cho mẹ kể từ khi bà ngã bệnh không đi lại được, nhưng chưa có kết quả. Dù mẹ anh không nói, không yêu cầu nhưng anh muốn tạo cho mẹ anh cơ hội gặp lại “người thương” trước khi nhắm mắt xuôi tay.
- Con đã đến được tận quê hương của bác ấy nhưng chỉ vài người già biết vì cả gia đình bác tản cư vào Nam trong chiến tranh và không về lại quê hương.
Bà Kha thở ra một cách khó nhọc. Đôi mắt bà nhắm lại nhưng đôi tai vẫn còn cảm nhận được những thông tin tuyệt vọng từ anh Toàn. Nhiều lần bà muốn nhắn nhủ với anh nên dừng lại những cuộc kiếm tìm qua ánh mắt nhưng bà hoàn toàn bất lực trong giao tiếp. Thấy mẹ buồn, sự thôi thúc trong anh Toàn càng mãnh liệt hơn. Anh biết mẹ nặng nợ với mối tình đầu mà có khi về thế giới bên kia lòng vẫn còn day dứt. Anh không nỡ nhìn mẹ u buồn những ngày cuối đời nên càng nỗ lực tìm kiếm. Con bé Ly nãy giờ cứ phe phẩy cái quạt giấy trên tay như cố xua đi cái không khí trầm buồn từ lúc ba nó về.
- Bà an tâm nhé, ba cháu sẽ sớm tìm ra ông cho bà thôi.
Câu nói an ủi của Ly như tiếp thêm chút sinh lực để bà Kha mở đôi mắt ra nhìn lên trần nhà. Bao ký ức như những thước phim quay chậm đưa bà trở về với không gian và thời gian của gần nửa thế kỷ đã đi qua trong cuộc đời.
***
Ngày ấy, chiến tranh ác liệt và quê nhà là vùng tranh chấp. Để tiếp tục con đường học vấn cho cô con gái duy nhất, ba Kha đưa cả gia đình theo dòng người tản cư vào thành phố. Cô nữ sinh trung học vẫn ngày ngày thướt tha trong tà áo dài đến trường, lánh xa nơi làn tên mũi đạn. Với dáng người thon thả, mái tóc xõa ngang lưng tha thướt cùng những vòng quay của xe đạp lúc tan trường, Kha lọt vào tầm ngắm của vô số những anh bạn học thời đó. Cứ tan trường thế nào cũng có vài ba anh gò xe đạp bám theo giữa phố phường tấp nập. Chiến sự vẫn nổ ra đó đây khắp nơi, thi thoảng tiếng đạn pháo xé toạc sự yên tĩnh của màn đêm và tiếng còi báo động đôi khi làm thành phố loạn nhịp. Ngoài những phút giây ấy, nhịp sống vẫn bình thường trôi và ở trường học những nam thanh nữ tú vẫn “dùi mài kinh sử”. Trong số những chàng nam sinh theo đuổi Kha ngày ấy, Thành là người mà Kha cảm tình nhất. Những buổi chiều sóng đôi cùng nhau trên con đường dọc theo bờ biển dài thơ mộng dệt nên những trang thơ đẹp và lãng mạn nhất cho mối tình đầu đời của họ. Trái tim họ đồng điệu rung những nhịp rung đầu tiên say đắm và dường như trên đời này họ sinh ra là để cho nhau. Tình yêu thời chiến tranh dẫu có bom rơi đạn gầm nhưng cũng không mất đi sự lãng mạn của nó. Hôm ngồi trên bãi cát nơi hàng dương ven biển nghe tiếng nhạc bài hát “Trả lại em yêu” của Phạm Duy được phát ra văng vẳng nơi quán nước ven đường, bất chợt Thành nắm lấy tay Kha, nhìn thật sâu vào đôi mắt có hàng mi cong vút của cô rồi hỏi:
- Em chờ anh chứ?
Câu hỏi của Thành làm Kha hết sức ngạc nhiên.
- Anh dự định đi đâu sao?
Thành nhìn những con sóng trùng điệp từ ngoài khơi xa vỗ vào bờ rồi trả lời Kha với chất giọng đầy bi quan khi đồng điệu với những ca từ của bài hát:
- Trai thời chiến mà. Anh sợ lỡ rớt tú tài vào năm tới không còn cơ hội gặp lại em.
Kha đặt cằm mình lên hai gối, mái tóc dài đổ nghiêng lất phất theo những cơn gió biển buồn không nói. Băn khoăn của đôi bạn trẻ cũng giống như bao lớp thanh niên thời chiến về tương lai mờ mịt của đời mình khi bom đạn vẫn ngày ngày cày xới khắp nơi. Họ không biết phải đi về đâu khi chiến tranh cứ kéo dài. Chạy trốn nó ư hay phải đương đầu với nó - không ai có câu trả lời chắc chắn. Thôi thì cứ cố gắng học hết sức mình. 
Tiếng xe quân cảnh tuần tra đêm làm cho họ giật mình dời bước. Sự ác liệt của cuộc chiến làm Kha bỏ học giữa chừng. Ba cô xin cho cô được đi học một khóa y khoa để phục vụ trong bệnh viện dã chiến. Thành thi rớt tú tài và đang chờ ngày đi quân dịch. Buổi chia tay nơi quán nước mà họ thường hẹn hò nhạt nhòa trong nước mắt của cả người đi lẫn người ở lại. Thành ôm thật chặt người yêu của mình như sợ Kha vụt bay trong phút chốc. Anh bảo Kha:
- Em nhắm mắt lại anh sẽ cho em sự bất ngờ.
Khi Kha nhắm hờ đôi mắt vẫn còn rưng rưng lệ, Thành lấy trong túi ra đôi nhẫn tân gô mà anh đã chuẩn bị. Anh nhẹ nhàng đeo vào tay Kha một chiếc còn một chiếc đeo vào tay chính mình.
- Em hãy giữ chiếc nhẫn có tên hai chúng mình như lời cầu hôn sớm của anh nhé. Hẹn em sau khi hoàn thành khóa huấn luyện anh sẽ trở về và chúng mình tổ chức đám cưới.
Kha quá bất ngờ với món quà và lời cầu hôn của Thành, cô gục mặt vào ngực Thành nức nở. Đợi cho những phút giây nghẹn ngào qua đi, Thành nâng cằm Kha lên nói nhỏ:
- Có mặt trăng trên trời cao kia chứng dám cho lời hẹn ước của chúng ta đêm nay.
Kha khẽ gật đầu và Thành đặt lên đôi môi cô nụ hôn đắm đuối. Họ tan chảy vào nhau trong tiếng nhạc của những giai điệu thân quen. Ngày mai đây mỗi người mỗi ngả khi mà cuộc chia tay chưa biết trước ngày về.
***
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Thành được đưa về Sư đoàn 22 ở tận miền cao nguyên đất đỏ. Nỗi nhớ người yêu, người vợ chưa cưới như cháy bỏng trong lòng chàng quân nhân trẻ tuổi nên vừa có dịp nghỉ phép Thành vượt muôn vàn hiểm nguy để về lại thành phố biển thăm người yêu. Chỉ vài ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho cặp uyên ương thỏa mãn niềm khao khát bấy lâu. Họ thề non hẹn biển chờ đến ngày kết tóc xe tơ. Nhưng than ôi chiến tranh đã làm cho họ xa nhau mãi mãi để đến giờ đây khi gần đất xa trời, họ vẫn còn nặng nợ mối tình đầu cháy bỏng. Kết thúc chiến tranh, Kha trở về quê hương sinh sống còn Thành chạy về thành phố. Về lại với ruộng lúa, mảnh vườn, Kha vẫn ngày ngày trông ngóng tin Thành trong tuyệt vọng. Đêm đêm nỗi nhớ mong lấy đi của cô những dòng nước mắt khi mà tin Thành như bóng chim tăm cá. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ và sự chờ đợi của cô càng rơi vào tuyệt vọng. Một hôm ba cô gọi lại khuyên:
- Không còn hy vọng gì đâu. Con gái có lứa, có thì nên con hãy quên đi mối tình cũ và nghĩ đến chuyện lập gia đình con à!
Là cô gái có học, có duyên, đẹp người, đẹp nết nên có nhiều sự dạm hỏi làm cho Kha hoang mang. Thôi thì đã đến lúc chọn lấy tấm chồng để yên bề gia thất. Ngày Kha lên xe hoa về nhà chồng cũng pháo nổ, rượu hồng nhưng trong lòng cô vẫn còn day dứt nặng nợ với mối tình đầu. Cô tháo chiếc nhẫn tân gô cất vào ngăn tủ như cố lãng quên đi những kỷ niệm của mối tình đầu dang dở. Thời gian trôi đi làm cho Kha dần quên đi mối tình năm cũ. Đứa con thơ ra đời như sợi dây tình cảm kết nối sự yêu thương của Kha và chồng. Một buổi chiều khi trời còn rực nắng, đang lúi húi nấu cháo cho thằng bé một mình trong bếp, Kha chợt giật mình khi đứa bé hàng xóm dẫn một người đàn ông đến tìm nhà. Kha suýt nhào ra ôm chầm lấy anh Thành nhưng chợt khựng lại nơi ngạch cửa. Cô bấu bàn tay run run của mình vào trụ cửa mà miệng không thể thốt thành lời. Thằng bé con đang nằm ngủ trên võng bỗng khóc thét lên. Kha chạy vội vào bế thằng con trước ngực. Khoảng lặng trôi qua khi mà sự bất ngờ choáng ngợp lòng họ lúc này. Anh Thành vẫn đứng bất động nơi thềm nhà ngó người yêu của mình giờ đã là người phụ nữ một con. Anh cất giọng phá đi sự bối rối ngại ngùng của cả hai:
- Thằng bé là con em à? Nó dễ thương quá!
Vừa nói anh vừa bước tới lấy bàn tay nựng nhẹ vào má thằng bé. Chiếc nhẫn tân gô có vẻ sờn đi đôi chút chứng tỏ anh vẫn thường xuyên mang nó bấy lâu nay. Kha quay mặt đi để không phải nhìn thấy và giấu đi dòng nước mắt đang tự nhiên tuôn trào.
- Anh cầu chúc em hạnh phúc.
Thành quay bước đi thật nhanh ra ngõ trong sự bất ngờ của Kha làm cô chỉ kịp khẽ kêu lên nho nhỏ, nghẹn ngào:
- Anh Thành! Anh Thành!
Bóng Thành đã khuất mà Kha vẫn còn ôm đứa con nhỏ đứng nơi ngạch cửa bất động nhìn theo. Cái hình ảnh cuối cùng của anh in sâu vào trái tim người con gái một con để cô mãi chập chờn trong những giấc ngủ. Kha chôn kín mối tình năm xưa mãi cho đến khi chồng qua đời trong một cơn bạo bệnh mới tâm sự với Toàn - con trai cô. Chiếc nhẫn tân gô cô vẫn cất ở ngăn tủ cho đến lúc đổ bệnh mới lấy ra giao lại cho Toàn những mong tìm lại được người xưa.
***
Mấy ngày nay anh Toàn cùng Ly tích cực tìm kiếm tin tức bác Thành bằng nhiều kênh khác nhau. Anh gởi cho báo, đài đăng nhưng thông tin tìm kiếm chưa có kết quả. Khi thấy người mẹ già của mình nằm bất động, lòng anh như lửa đốt. Không biết điều an ủi cuối cùng cho mẹ anh có kịp thực hiện? Mỗi khi bà liếc con mắt báo hiệu không muốn ăn cháo,  Ly thường vào tủ lấy chiếc nhẫn đeo vào ngón tay bà. Nó như thầm nhắn nhủ bà cố ăn đi để còn có cơ hội gặp lại ông Thành. Đôi mắt bà ánh lên chút tia hy vọng và cố nuốt. Chỉ có nó mới nghĩ ra nhiều điều làm bà vui. Lúc bà còn khỏe nó hay trêu bà có nhớ ông Thành không làm bà chỉ biết cười cho sự tếu táo của đứa cháu nội. Đang ngồi đút cháo cho bà, chợt con Ly nhớ ra điều gì nên nó gọi ba nó vào:
- Hay là để con viết vài dòng tìm kiếm khẩn và chụp hình bà nội và chiếc nhẫn tân gô đăng lên facebook và trang “Hội đồng hương Quảng Nam” xem sao ba?
Ba nó ngớ ra có khi thế mà hay vì mạng xã hội lan truyền nhanh lắm. Nó làm trong chốc lát rồi đăng và đọc cho nội nó nghe. Dòng tin nhỏ của đứa cháu nội gieo vào lòng bà những tia hy vọng mong manh. Sau nhiều ngày đăng tin, Ly vào khoe với bà cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng có người chia sẻ thông tin của nó. Cả gia đình đều cầu mong sức khỏe của bà tốt lên một chút để biết đâu nhận được niềm an ủi mà bấy lâu nay ba nó kiếm tìm. Hơn hai tháng trôi qua kể từ lúc Ly đăng tin, ba nó nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm làm cho niềm hy vọng càng được nhen nhóm. Một sáng nọ chiếc taxi màu xanh đổ xịch trước cổng làm Ly bất ngờ. Một người đàn ông ăn mặt chỉnh chu bước ra khỏi xe hỏi thăm nhà bà Kha. Người đàn ông này cẩn thận mở điện thoại đưa cả số đã gọi ba nó và cả trang tin đăng trên mạng. Sau đó, người đàn ông mở cửa xe cho một cụ già bước ra, bước chân không còn nhanh nhẹn nhưng trông cụ còn khỏe lắm. Cả hai cha con anh Toàn rưng rưng nước mắt khi nghe lời giới thiệu của người đàn ông:
- Dạ đây là ba tôi - ông Thành người mà anh đăng tin tìm kiếm. Chúng tôi vượt nửa vòng trái đất để cho ông và bà gặp nhau.
Anh Toàn đưa ông Thành đi từng bước nhẹ nhàng vào phòng mẹ. Bà mở đôi mắt liếc nhìn nhưng hoàn toàn không nhận ra cho đến khi ông chìa bàn tay có đeo chiếc nhẫn nắm lấy bàn tay bất động của bà. Anh Toàn giới thiệu với mẹ trong nước mắt:
- Dạ đây là bác Thành - người thương của mẹ mà bấy lâu nay con tìm kiếm. Vậy là con đã làm được điều an ủi cuối cùng cho mẹ rồi.
Những giọt nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt khi mọi người thấy ông Thành cúi xuống ôm lấy bà nấc nghẹn. Đôi mắt bà Kha nhòa đi và giờ đây nếu trái tim bà có ngừng đập thì bà cũng an lòng rồi. Nửa thế kỷ đợi chờ, nửa vòng trái đất xa cách để giờ đây họ lại bên nhau trong giây phút gần đất xa trời.
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Điều an ủi cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO