Thủ đô Hà Nội là “đất trăm nghề”, gắn liền với các làng nghề ngoại thành đến các phố nghề nội đô như Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Thiếc, Hàng Gai, Hàng Đào... Sở hữu hơn 1.300 làng nghề (chiếm 30% làng nghề cả nước), Hà Nội có một nguồn lực lớn trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm
Trong số 1.350 làng nghề hiện hữu trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, có 321 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, phân bố ở 23 quận huyện và thị xã. Làng nghề của Hà Nội tập trung chủ yếu vào các nhóm nghề: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh…
Mỗi làng nghề của Thủ đô đều mang một đặc trưng riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đáng nói hơn, theo nhịp sống hiện đại và nhu cầu của khách hàng, sản phẩm của các làng nghề tại Hà Nội không ngừng đổi mới. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) chia sẻ, cùng với các sản phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh, người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái còn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cuộc sống hằng ngày như: bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm, lục bình. Đáng chú ý, một số sản phẩm của làng nghề đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được khách hàng ưa chuộng.
NNƯT Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp mây tre Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) cũng tràn đầy tự hào khi nhắc đến những sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. “Xưa, sản phẩm làng nghề mây tre Phú Vinh chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, nghệ nhân và người dân nơi đây đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu như đĩa mây, lẵng mây, chậu mây, bát mây và các sản phẩm mỹ nghệ gồm đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế và đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc”, NNƯT Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều làng nghề nổi tiếng với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm ở Thủ đô đang vươn lên trong thời đại mới với những sản phẩm độc đáo, mẫu mã đẹp và chất lượng tốt. Có thể kể tới làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)… Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, toàn Thành phố hiện có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt từ hơn 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, một số làng nghề có doanh thu “triệu đô” như điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng, đồ mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Tạo động lực, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận định, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.
Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Thành ủy Hà Nội ban hành xác định ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), nghề thủ công truyền thống của Hà Nội có thế mạnh nhất về phát triển thương hiệu, thiết kế sáng tạo Thủ đô và phục vụ cho phát triển du lịch. Việc gắn làng nghề với du lịch giúp đa dạng sản phẩm du lịch và làm tăng nguồn thu ngành này. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ “xuất khẩu tại chỗ”, giải quyết đầu ra cho sản phẩm - vốn đang là thách thức lớn nhất của các làng nghề truyền thống hiện nay. Tại Thủ đô, nhiều làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận là điểm đến du lịch, như: Làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, làng gốm Bát Tràng, làng quạt Chàng Sơn, làng nghề may Vân Từ, làng nón Chuông…
Trước bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chính quyền Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá làng nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống; khuyến khích các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; có nhiều cơ chế hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển làng nghề... Đáng chú ý, nhiều lễ hội tôn vinh sản phẩm làng nghề, các hội thi về thiết kế sáng tạo mẫu mã sản phẩm và sản phẩm làng nghề tiêu biểu… được tổ chức tại Thủ đô trong thời gian qua đã tạo cơ hội để các nghệ nhân, thợ nghề giao lưu gặp gỡ, được tiếp thêm động lực để phát huy tài năng, trí tuệ sáng tạo góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của làng nghề trong phát triển công nghiệp văn hóa. Điển hình là huyện Phú Xuyên, hơn 10 năm qua, địa phương này đã tổ chức thành công nhiều lễ hội vinh danh làng nghề, thu hút hàng vạn khách đến tham quan, mua sắm; đồng thời còn xây dựng trang thông tin điện tử làng nghề để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề để định vị thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương.
Có thể nói, những nỗ lực của Thành phố, các sở, ban, ngành, các địa phương thông qua các đề án bảo tồn làng nghề, các chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề hoặc các chính sách khuyến công, hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống thành những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch… đã góp phần đánh thức “tinh hoa” làng nghề Thủ đô, giúp làng nghề hòa vào dòng chảy công nghiệp văn hóa Hà Nội theo định hướng chung của Chính phủ và Thành phố nói riêng./.