Hồ Anh Thái là một hiện tượng khi nhắc tới nhà văn có sức viết đều đặn với số sách xuất bản dày đặc gần như hằng năm. Chỉ tính riêng đầu năm 2022 tới những ngày cuối năm, ông đã kịp xuất bản hai tiểu thuyết, dẫn người đọc đến với con người và văn hóa Ấn Độ trong tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” rồi quay về với Hà Nội những năm chiến tranh đầy gian lao của thập niên 60 – 70 thế kỷ trước trong tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”.
Tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” được bắt đầu bằng một bản tin dự báo thời tiết: “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa to, trong cơn giông có gió giật cấp sáu, đề phòng cây đổ gây thiệt hại và cản trở giao thông…” đúng lúc nhân vật Phan phóng xe đi ngang qua loa phát thanh đang phát bản tin đó. Sau một hồi bị bản tin dự báo thời tiết ám ảnh, trong đầu Phan tự động lưu bản tin thành “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”, nghe có vẻ vô lý nhưng cũng thật là gợi. Gợi ký ức, gợi kỷ niệm, gợi chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ và những câu chuyện thời đại.
Với lối viết hiện thực xen lẫn kỳ ảo, Hồ Anh Thái đã tạo nên nhân vật Phan có khả năng nhìn xuyên tường. Anh ta nhìn thấy những thứ mà đối với người khác vốn bị ngăn cách bởi các cản trở vật lý như bức tường. Và khả năng đặc biệt đó của anh ta được khai thác nhằm phát hiện những hoạt động chống phá ngầm khi máy bay địch đang dội bom xuống Thủ đô: “Nhiệm vụ của Phan là phải báo cáo ngay tại chỗ nếu thấy chuyện bất thường. Hát ca vàng vọt thế kia cũng là điều bất thường. Thời chiến không thể bỏ qua điều bất thường. Hạt bụi ở chỗ này có liên quan đến con bướm đập cánh ở chỗ kia.”
Nhưng sau hơn hai năm, Phan bỗng mất đi khả năng đặc biệt đó. Và bù lại, Phan lại có năng lực đặc biệt khác là giao tiếp được với linh hồn những người đã mất. Lần này, nhờ siêu năng lực mới này mà Phan đã giúp cứu được một cô y tá dưới đống đổ nát khi Hà Nội bị không kích hồi cuối năm 1972.
Tiểu thuyết dẫn người đọc đi chu du một vòng Hà Nội những năm 60-70 với các con phố mang tên cũ như đường Nam Bộ (đoạn đường Lê Duẩn kéo dài từ đường Điện Biên Phủ tới nút giao hầm Kim Liên ngày nay), các địa danh như Cao Xà Lá (Viết tắt của cao su – xà phòng – thuốc lá, tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất Thủ đô những năm 60-90, nay là khu vực bên đường Nguyễn Trãi, thuộc quận Thanh Xuân). Trong đó là cảnh sơ tán, cuộc sống ở hầm trú ẩn, cảnh mất sổ gạo, những gợi nhắc tới quân đào ngũ được gọi là "bê quay", những câu chuyện dân gian hài hước thời chiến đã thành các giai thoại về Hà Nội. Với lối kể chân thực của người từng trải, Hồ Anh Thái gây ám ảnh với cảnh chiến đấu chống máy bay và cảnh người dân đi sơ tán. Người đọc sẽ có ấn tượng mạnh với các chi tiết con bò kéo chuồng hổ (hể xiếc) đi sơ tán hay cảnh người bác sĩ phải tháo khớp cắt từng mảnh xác chết để cứu người sống bị cái xác chèn ngang ra khỏi đống đổ nát.
Chia sẻ về cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: "Bút pháp linh hoạt, tinh tế, hóm hỉnh, giàu khám phá bất ngờ và gần như phi cổ điển, đã khiến người đọc khó rời mỗi trang viết của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu".
Có một Hà Nội đầy bom đạn khói lửa thì ai cũng đã biết. Nhưng Hồ Anh Thái đã tạo nên một Hà Nội vừa quen vừa lạ, gợi mở tới không gian huyền ảo, đa diện đa chiều mà thường ngày ít ai để ý.
Nhà văn Hồ Anh Thái sinh năm 1960 tại Hà Nội, nguyên quán ở Nghệ An. Ông là nhà văn, nhà báo, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Ấn Độ, giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học ở nước ngoài. Từ năm 1985 tới nay, ông đã xuất bản gần 40 đầu sách và nhận được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương.