Với bố cục ba khúc: Mường Then, Giấc mơ, Linh hồn, tập thơ “Triền non xanh dắt tôi đi mãi” của Hữu Vi mang đầy màu sắc rừng xanh và cõi thiêng Mường Then cũng như cuộc sống chân thực của “mường người”.
Trong khúc Mường Then, với tâm hồn luôn hướng về văn hóa nguồn cội của dân tộc, Hữu Vi đã dẫn người đọc đến với Mường Then, cõi tâm linh của dân tộc Thái, cõi lạ và cũng là chốn thiêng liêng đầy hoa thơm trái ngọt, với những cảnh sắc, loài chim thú mà bây giờ dường như chỉ còn trong huyền thoại: “Cõi hương hoa nở bốn mùa/ ngày em tới loài chim ngàn đến gặp/ tiếng hót mừng/ điệu múa gì con công không nói/ trong ngần khúc sáo mê hồn/ loài nhím rừng gặm trái chín say sưa” hay “Gà lôi nhỏ ghé thăm nhà em/ Có đôi mắt trong giếng nước/ Tươi như ngọn lửa ngày hè…”. Và ở nơi ấy, có “cô con gái/ ngồi thêu vào gió”, “Con sóc đỏ/ nằm trên hòn đá trắng gọi trăng…”
Dẫu Mường Then là chốn tâm linh trong tín ngưỡng dân tộc nhưng với Hữu Vi, nơi đó không hẳn thoát tục như cõi thần tiên mà đó vẫn là nơi rất gần với “mường người”, rất gần với cuộc sống mà anh đang sống bởi vẫn còn những thương tích và nỗi buồn: “Tôi hái chòm sao này/ bằng những ngón tay thương tích/ sau chuyến săn/ và một mùa trăng lội rừng…”
Trong Giấc mơ, tâm thức dân tộc bùng lên, Hữu Vi không thể giấu mình được nữa khi kẻ lạ mà lại rất quen thuộc và thân thương từ tiềm thức “Vẫn hằng gọi cửa/ trong mỗi giấc ngủ dài của tôi…”, những câu chuyện dân tộc trong điệu khắp của bà, câu chuyện dân tộc Thái trong sự tích trái bầu và cả dưới mái nhà bập bùng sáng bốn mùa, “Mẹ tôi đã trồng vào lửa/ một cây chuyện cổ tích/ trong củ sắn lùi…”
Dường như dù ở bất cứ nơi đâu, dù đang ngồi bên cạnh ai, dù đi nam về bắc, lên rừng hay xuống bể, người trai ấy vẫn không dứt giấc mơ về dốc núi cuối bản, về lời ru “Ưi ơ.../ Lại ngồi nhớ ngôi nhà/ mái lá ngày xưa chỉ còn giấc mơ lạ/ không còn tôi ngồi bên máng xối/ không còn bát canh rau đắng/ mùa đông không còn đi bẫy chim cút/ sóc nâu”, về “Căn nhà tôi/ cửa sổ khoét tròn/ gió lùa hu hú/ có bầy anh em xứ lạ/ tìm về uống rượu nghe thơ…”
Không cần gồng mình hay cố gắng tỏ ra độc lạ bởi Hữu Vi đã nhuần nhuyễn trong sáng tạo, thành thục như người luyện võ đã tỏ tường chiêu thức mà chỉ cần vô ý vẫy tay cũng tạo nên một chưởng. Thơ anh giản dị trong ngôn từ nhưng đọng lại sau cùng là một nỗi buồn trong trẻo, hun hút như gió ngang đèo chiều thu, như đỉnh núi vời vợi trong sương mù mùa đông: “Bầy cuội đá cắn ta đau mãi/ đau từ thuở kiếp trước/ kiếp sau.”
Khúc Linh hồn là những vần thơ mang đầy tâm sự, về nỗi nhớ những người thân yêu đã đi xa và cả những người đang ở ngay bên cạnh. Khi ở bên cạnh ai đó hoặc đang ở tại vùng đất nào đó mà ta thấy nhớ người đó tha thiết, nhớ vùng đất ấy tha thiết, là bởi ta đã có sự gắn bó cả máu thịt và linh hồn. Và ngoài những tình cảm ấy, tâm sự ấy, thơ Hữu Vi trong khúc Linh hồn, còn là nỗi cô đơn mang dáng vẻ chàng trai đứng một mình trên đèo đuổi ánh mắt theo bóng hoàng hôn đang dần tàn: “Nếu về mai khi xuân trốn biệt/ có mảng mây xưa khoe dáng bên lèn/ chú dế tỉ ti tiếng hát/ ai còn bạn hữu ta chăng?/ Xuân này núi còn xanh nữa/ cho gửi chút hồn lá trầm thơm/ tiếng sáo cô đơn lạc nẻo nào/ nghe như mong ngóng…”
Nhà thơ Hữu Vi tên thật là Vi Văn Chôồng, người dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An. Anh là Hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Hữu Vi đã có nhiều tác phẩm in trên các báo và tạp chí trung ương và địa phương. Năm 2022, Hữu Vi đã ra mắt bạn đọc 3 tập sách: "Những giấc mơ rừng" (tập truyện thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2022), "Triền non xanh dắt tôi đi mãi" (tập thơ, Nxb Hội nhà văn 2022 - giải Khuyến khích VHNT năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) và tập bút ký "Khi quả pao bay lên" (Nxb Nghệ An, 2022) .