Y tế - Giáo dục

Chuyện chưa kể về một giảng viên Việt Nam đoạt giải thưởng Viện Hàn lâm khoa học Pháp

Hương Giang 30/10/2023 18:54

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân bày tỏ “với tư cách là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, tôi có ba điều học được từ câu chuyện của TS. Trần Quang Hóa”. “Dù có “đi thật xa” nhưng anh vẫn trở về với mái nhà của Nhân văn – Khai phóng – Hội nhập để cống hiến cho quê hương, đất nước”.

2.jpg
PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân phát biểu tại buổi lễ vinh danh T.S Trần Quang Hóa.

Trong buổi lễ vinh danh TS. Trần Quang Hóa đạt giải thưởng Tremplin “Bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu giữa Pháp với các nước ASEAN” tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế vào ngày 26/10, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Sư phạm Huế đã có lời phát biểu bày tỏ sự trân trọng đối với T.S Trần Quang Hóa. Việc làm của TS Trần Quang Hoá đã bồi đắp di sản nhân văn của lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Huế. “Với tư cách là một nhà giáo và một nhà nghiên cứu, tôi có ba điều học được từ câu chuyện của TS. Trần Quang Hóa”.

PGS Nhân tâm sự: Thứ nhất, "Tôi nghiệm ra rằng, “không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”. Chúng ta đừng quên trước khi trở thành “Lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi đã bước ra từ túp lều tranh, đôi vai oằn gánh nặng nghèo khó. Trước khi trở thành tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln đã là con của một gia đình nghèo khổ, túng thiếu đủ điều... Nghèo khổ là thứ “gia vị” chẳng mấy ai sẵn lòng cho thêm vào cuộc sống của mình nhưng một khi chúng ta bị đẩy vào trò chơi số phận, rất nhiều người đã biến thứ “gia vị khó ưa” kia thành động lực vươn lên. Tiến sĩ Trần Quang Hóa cũng là một người như vậy. Miền quê nơi anh sinh ra và lớn lên có thể rất nghèo nhưng anh lại giàu nghị lực. Đôi chân anh có thể bỏng rát vì mảnh đất khô cằn nhưng trái tim anh sục sôi ngọn lửa đam mê. Anh đã chứng minh một điều quan trọng: Nếu cúi đầu chấp nhận lá bài mà số phận đã chia, chúng ta sẽ thất bại. Vượt lên tất cả bằng nỗ lực và say mê phía bên kia của mọi đường đi khó, phía bên kia của núi cách, sông ngăn là bục đài vinh quang dành cho người chiến thắng”.

Thứ hai, “nếu cơ hội không gõ cửa thì bạn hãy tự tạo ra cho mình một cánh cửa” như Milton Berle từng nói. Paris hoa lệ không bỗng dưng chào đón. Cổng trường Strasbourg hay Pierre et Marie Curie không bỗng dưng mở cửa. Cơ hội là thứ vô hình với những người nằm yên chờ đợi và hữu hình với những người chủ động kiếm tìm. Tiến sĩ Trần Quang Hóa đã bước ra khỏi một vùng địa lý này để hòa nhập vào một vùng văn hóa khác. Ở đó, anh đã khởi tạo những cơ hội cho riêng mình và bứt phá bằng căn tính của Huế, của Sư phạm Huế, của Việt Nam. Câu chuyện của anh giúp chúng ta khai ngộ: nếu cơ hội gõ cửa, bạn là người may mắn; nhưng nếu cánh cửa luôn im lìm không tiếng gõ, chính bạn phải tạo ra âm thanh hoặc dũng cảm đi tìm các cánh cửa khác”.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân bày tỏ sự trân trọng, niềm vui khi những nhân tài của mái trường Sư phạm Huế thân yêu dù có “đi thật xa” nhưng vẫn trở về với mái nhà của Nhân văn – Khai phóng – Hội nhập để cống hiến cho quê hương, đất nước: Trong thời đại thế giới phẳng hiện nay, vô vàn cánh cửa đầy hấp lực đang mở ra hoặc chờ chúng ta mở ra trước mắt. Vấn đề then chốt là cách ứng xử của bạn sau khi đã bước đi. Và đây cũng chính là một điều quan trọng khác tôi nghiệm ra từ câu chuyện của tiến sĩ Trần Quang Hóa: “Đi thật xa để trở về”. Cái gọi là “căn tính Sư phạm Huế”, tôi trân trọng người đã khởi hành từ mái trường này và hồi quy trở lại. Quý vị đều biết rằng điều kiện vật chất, không gian học thuật, chế độ đãi ngộ... ở những “trạm dừng chân” trên hành trình khoa học của tiến sĩ Trần Quang Hóa hấp dẫn biết bao nhiêu. Vậy nên, chúng ta càng có lý do để trân trọng hơn sự trở về của anh. Tôi hiểu rằng, lựa chọn của anh có hình bóng của gia đình, quê hương, đất nước. Tôi tin rằng, trong lựa chọn ấy có cả giá trị cốt lõi của Sư phạm Huế - ngôi trường đã nâng bước cho anh ấy bay xa. Bởi vậy, với tư cách là một lãnh đạo Nhà trường, tôi cảm ơn tiến sĩ Trần Quang Hóa vì sự trở về của anh đã bồi đắp di sản nhân văn của lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Huế”.

3.jpg
T.S Trần Quang Hóa đạt giải thưởng Tremplin “Bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu giữa Pháp với các nước ASEAN”.
1.jpg
Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế tặng hoa chúc mừng TS. Trần Quang Hóa.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân cho biết thêm, “Câu chuyện của tiến sĩ Trần Quang Hóa có thể gói gọn như lời của Arthur Ashe: “Bắt đầu từ nơi bạn đứng và sử dụng những gì bạn có, làm những gì bạn có thể”. Anh ấy đã vượt thoát nghèo khó, kiếm tìm cơ hội, tỏa sáng đam mê, anh ấy bắt đầu từ đây và trở lại đây, đó là luân hồi của ra đi và trở lại, luân hồi của thành tựu và tri ân. Đó là cảm hứng của đam mê, tận hiến và hồi quy cội nguồn. Tôi mong cảm hứng này sẽ lan tỏa rộng khắp đến người học, đồng nghiệp và cộng đồng Trường Đại học Sư phạm Huế”.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về một giảng viên Việt Nam đoạt giải thưởng Viện Hàn lâm khoa học Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO