Mô hình chính quyền đô thị ở cả ba TP có điểm chung là tinh gọn bộ máy, không tổ chức HĐND một số cấp nhằm mục đích tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của đô thị. Cụ thể, Hà Nội bỏ HĐND phường (các phường thuộc khu vực đô thị quận, thị xã); Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh bỏ cả HĐND ở phường và quận. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị (TP, quận), còn TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là chính quyền địa phương một cấp (TP). Về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính cấp phường ở ba TP khá tương đồng. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ…; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận; đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công với cấp trên quản lý trực tiếp…
Như nhiều ý kiến nhận định, vấn đề đặt ra là đề án chính quyền đô thị không chỉ thuần túy không tổ chức HĐND quận, phường, mà là tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Như tại Hà Nội, ngoài con số sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường, mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân đặt ra, của đô thị đặt ra. Bởi thế, vấn đề đặt ra là chính quyền đô thị phải bảo đảm được hai mục đích quan trọng nhất, đó là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, tập trung hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Tại Hà Nội, để có thể triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ tháng 7/2021, nhiều cơ sở pháp lý quan trọng đang được hoàn thiện. Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo gồm 6 chương, 39 điều, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của UBND phường, Chủ tịch UBND phường trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã đề cập đến những điểm mới của chính quyền đô thị tại Hà Nội và cũng chính là tính ưu việt của mô hình. Đó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn; UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng và cán bộ tư pháp - hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường để giúp việc cải cách hành chính.
Từ những bất cập trong bộ máy quản lý hiện nay, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, dù đã có sự phân cấp, phân quyền nhưng có những vấn đề “nóng” vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên. Trong khi việc quản lý lại qua rất nhiều cấp, nhiều tầng nấc, nên cần thiết phải có sự phân cấp quản lý hợp lý để các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã như: Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mà UBND quận, thị xã là cơ quan sẽ xây dựng, UBND phường sẽ không còn nhiệm vụ xây dựng dự toán thu chi cho cấp mình nữa. Ngoài ra, UBND phường không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước. Như vậy, quyền tự chủ về tài chính, hoạt động của UBND phường sẽ giảm đi so với trước đây nhưng sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Không để xảy ra “khoảng trống quyền lực”
Một vấn đề được nhắc đến nhiều khi triển khai mô hình chính quyền đô thị là “giám sát quyền lực” khi UBND quận, phường sẽ không còn là một cấp chính quyền mà là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch sẽ là người lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người dân, có “kênh” để gửi gắm tâm tư nguyện vọng và thực hiện quyền giám sát?
Không để xảy ra “khoảng trống quyền lực” là khẳng định của Bộ Nội vụ cũng như các lãnh đạo các TP khi triển khai mô hình chính quyền đô thị. Bởi thực tế, quyền đại diện của cử tri vẫn được mở rộng thông qua các kênh Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND quận và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, MTTQ... Như vậy, quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở. Khi đại biểu HĐND cấp trên gần dân, sát dân hơn, tiếng nói, nguyện vọng của người dân sống, làm việc tại các đô thị vẫn được HĐND cũng như các cơ quan Nhà nước lắng nghe và xem xét để giải quyết.
Theo TS Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), để đảm bảo tránh vấn đề lạm quyền, mọi quyết định của UBND với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, quận phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Điều quan trọng nữa là phải tuyển chọn được người làm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tận tụy để lãnh đạo UBND với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước tại phường hoặc quận, đáp ứng được sự hài lòng của người dân; lắng nghe, giải quyết được nguyện vọng, nhu cầu của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu khoa học, công nghệ chưa phát triển thì băn khoăn về quyền giám sát là có thật. Nhưng với tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, khoa học, công nghệ sẽ ngày càng lan tỏa đến nhiều địa phương, tạo điều kiện và củng cố quyền làm chủ của Nhân dân.
Góp thêm giải pháp, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị, tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền TP, chính quyền quận và phường, quy định định kỳ người đứng đầu chính quyền ở những nơi không có HĐND phải đối thoại với dân. Cùng đó là tăng thời lượng, số lượt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và tăng số đại biểu chuyên trách. Cùng với đó, để triển khai hiệu quả, cần thiết phải ban hành các quy định liên quan, đồng bộ để giải quyết những vấn đề đặt ra về tổ chức, hoạt động, nhân sự, tài chính… của các cơ quan Nhà nước ở những nơi thí điểm bỏ HĐND phường. Việc ban hành hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ sẽ góp phần giảm bớt những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trên thực tế. Đồng thời, một vấn đề nữa cũng được đề cập tới là cần đổi mới kịp thời phương thức lãnh đạo của cấp ủy ở phường, quận phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền và đặc điểm đô thị.