Chuyển động Hà Nội

Huyện Thanh Oai: Tên gọi 4 xã mới sau sắp xếp đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử

Quỳnh Chi 18:29 24/05/2025

Thực hiện chủ trương của Đảng và Thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có việc đặt tên các xã mới đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn được Thành phố hướng dẫn, khuyến khích. Theo đó, 4 xã mới sau sắp xếp của huyện Thanh Oai gồm có xã: Thanh Oai, Bình Minh, Tam Hưng, Dân Hòa đều mang dấu ấn văn hóa, lịch sử.

Huyện Thanh Oai thành lập xã Thanh Oai trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thanh Mai, thị trấn Kim Bài, Kim An, Đỗ Động, Phương Trung (thuộc huyện Thanh Oai); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Kim Thư (thuộc huyện Thanh Oai). Sau sắp xếp, xã Thanh Oai có diện tích tự nhiên 26,85 km² (đạt 127,86% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 54.475 người (đạt 340,47% so với tiêu chuẩn).

thanh-oai-chuan.jpg
Trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai hiện nay.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã Thành phố Hà Nội đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 22 vừa qua, lý do lấy tên xã mới Thanh Oai bởi tên gọi Thanh Oai đảm bảo giữ được tên của huyện Thanh Oai hiện nay, là tên gọi có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa. Thanh Oai là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử lâu đời. Những lợi thế sẵn có về giao thông, điều kiện tự nhiên và đặc biệt là sự phong phú của các loại hình di sản văn hóa. Việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Thanh Oai sẽ tạo điều kiện để Thanh Oai đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút khách trong thời gian tới.

Trong khi đó, xã Bình Minh được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Bích Hòa, Cao Viên, Thanh Cao, Bình Minh (thuộc huyện Thanh Oai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Lương (thuộc quận Hà Đông), xã Cự Khê (thuộc huyện Thanh Oai) và xã Lam Điền (thuộc huyện Chương Mỹ). Kết quả sau sắp xếp, xã Bình Minh có diện tích tự nhiên 29,86 km² (đạt 142,21% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 80.066 người (đạt 500,41% so với tiêu chuẩn).

Việc lấy tên gọi xã mới là Bình Minh bởi trước năm 1995, Bình Đà (Bình Minh –Thanh Oai) nổi tiếng khắp Việt Nam là một làng với nghề sản xuất pháo truyền thống. Người Bình Đà rất tự hào vì nghề này đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất nhì huyện Thanh Oai lúc đó. Bình Minh hiện nay là một xã thuộc huyện Thanh Oai. Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Bình Minh phù hợp với nguyên tắc khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Huyện Thanh Oai cũng thành lập xã Tam Hưng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn (thuộc huyện Thanh Oai). Sau sắp xếp, xã Tam Hưng có diện tích tự nhiên 29,45 km² (đạt 140,23% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 39.087 người (đạt 244,29% so với tiêu chuẩn). Các xã Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn nằm về phía Đông của huyện Thanh Oai, tiếp giáp với các xã thuộc huyện Thường Tín. Địa bàn có hệ thống giao thông thuận lợi; giàu truyền thống cách mạng với khu di tích lịch sử văn hóa, đình chùa và các căn cứ địa kháng chiến thời kỳ chống thực dân Pháp. Theo đó, việc thành lập xã Tam Hưng trên cơ sở nhập 4 xã của huyện Thanh Oai bảo đảm nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa và dân tộc.

chua-boi-khen34.jpg
Chùa Bối Khê - xã Tam Hưng đã được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt”.
tam-hung-13.jpg
Xã Tam Hưng đón nhận Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995. (Ảnh: UBND xã Tam Hưng cung cấp).

Lý do lấy tên xã mới là Tam Hưng cũng phù hợp với nguyên tắc khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa. Tam Hưng chính là một trong những địa phương của Thủ đô có làng kháng chiến chống thực dân xâm lược từ hơn 70 năm trước. Hơn 7 thập kỷ trước, cán bộ và nhân dân Tam Hưng đã kiên cường bám đất, bám dân, rào làng kháng chiến trở thành một điển hình tiêu biểu lúc bấy giờ, được Đảng và Nhà nước tặng 4 chữ vàng “Tam Hưng anh dũng”. Bên cạnh đó, xã Tam Hưng hiện nay có chùa Bối Khê đã được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt” vừa thờ Phật, vừa thờ đức Thánh Bối Nguyễn Bình An cũng như có địa đạo để quân và dân Thủ đô đánh đuổi thực dân thời kỳ toàn quốc kháng chiến.

Ngoài ra, huyện Thanh Oai đã thành lập xã Dân Hòa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Cao Xuân Dương, Tân Ước, Liên Châu, Dân Hòa, Hồng Dương (thuộc huyện Thanh Oai). Kết quả sau sắp xếp, xã Dân Hòa mới có diện tích tự nhiên 38,44 km² (đạt 183,04% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 62.755 người (đạt 392,22% so với tiêu chuẩn).

Việc lấy tên xã mới là Dân Hòa phù hợp với nguyên tắc khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp. Dân Hòa cũng như nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng cũng có các di tích như đình, chùa nhà ở trong thôn, xóm.

lang-vac.jpg
Nhân dân tham gia Hội làng Canh Hoạch tại đình Vác (xã Dân Hòa).

Nổi bật là 3 di tích ở xã Dân Hòa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Trong đó di tích đình và chùa làng Vác (thôn Canh Hoạch) thờ năm vị được phong là thành hoàng làng (Ngũ vị Đại Vương) được công nhận là di tích cấp quốc gia 1991. Nhà thờ họ Nguyễn cũng được công nhận là di tích cấp quốc gia 1995. Tên gọi Dân Hòa của đơn vị hành chính mới có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Liên quan đến việc đặt trung tâm hành chính - chính trị 4 xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND huyện Thanh Oai cho biết đã có đề xuất tới UBND Thành phố Hà Nội.

Theo đó, huyện Thanh Oai đề xuất trung tâm hành chính - chính trị xã Thanh Oai mới đặt tại thị trấn Kim Bài; trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đặt tại trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai hiện nay (số 135, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai).

Xã Tam Hưng mới được huyện Thanh Oai đề xuất trung tâm hành chính - chính trị đặt tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Trụ sở Đảng ủy, trụ sở Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Tam Hưng mới đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã Thanh Văn hiện nay; trụ sở HĐND, UBND xã Tam Hưng mới đặt tại trụ sở Đảng uỷ, UBND, HĐND xã Tam Hưng hiện nay.

Đối với xã Bình Minh, trung tâm hành chính - chính trị dự kiến đặt tại xã Bình Minh; trụ sở Đảng ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Bình Minh mới đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã Bích Hòa hiện nay; trụ sở HĐND, UBND xã Bình Minh mới đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã Thanh Cao hiện nay.

Xã Dân Hòa mới dự kiến có trung tâm hành chính - chính trị đặt tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai; trụ sở Đảng ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Dân Hòa mới đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã Hồng Dương hiện nay; trụ sở HĐND, UBND xã Dân Hòa mới đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND xã Dân Hòa hiện nay.

Bài liên quan
  • Huyện Chương Mỹ dự kiến trong tháng 5 hoàn thiện đề án cán bộ, nhân sự cấp xã mới
    Thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ dự kiến hoàn thiện hồ sơ (tờ trình, đề án, phương án cán bộ kèm hồ sơ nhân sự) trình Thành ủy Hà Nội xong trước ngày 30/5/2025.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Oai: Tên gọi 4 xã mới sau sắp xếp đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO