Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) tiên phong mở lối chuyển đổi số cho doanh nghiệp tư nhân
Chuyển đổi số là bước chuyển lớn của thời đại không chỉ làm thay đổi cách con người sống, làm việc và kết nối, mà còn tái định hình cách các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp phát triển. Với tốc độ chuyển động chưa từng có, chuyển đổi số đã và đang gõ cửa mọi lĩnh vực, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, trở thành điều kiện sống còn để doanh nghiệp tồn tại và bứt phá.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội to lớn để chuyển mình mạnh mẽ bắt nhịp với thời cuộc. Mới đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ vị thế trung tâm của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước, đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi số là đòn bẩy then chốt để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và tạo sức bật mới cho khu vực này.

Thực tế cho thấy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân nhằm đạt tăng trưởng hai con số là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát huy vai trò động lực của khu vực tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Không đứng ngoài dòng chảy đó, sáng ngày 29/5/2025 tới đây, Trường Đại học Kinh tế (UEB) – ĐHQGHN, tổ chức Hội thảo Công bố Tư vấn Chính sách: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số tại Việt Nam” tại Hội trường 801, Nhà E4, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại sự kiện này, lần đầu tiên, UEB sẽ công bố những kết quả nổi bật trong hoạt động tư vấn chính sách chuyển đổi số được thực hiện trong suốt 3 năm qua. Các kết quả nghiên cứu được căn cứ trên nền tảng dữ liệu thực tiễn và bằng chứng khoa học, hứa hẹn mang lại giá trị ứng dụng ngay cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, phiên tọa đàm chuyên sâu của các chuyên gia đến từ lĩnh vực học thuật, chính sách, doanh nghiệp và truyền thông cùng nhau nhận diện các điểm nghẽn cốt lõi, chia sẻ giải pháp mở lối chuyển đổi số cho doanh nghiệp tư nhân trên hành trình chuyển đổi số.
Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN được xã hội biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm phát triển mạnh mẽ theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế. Vị thế và uy tín của Nhà trường ngày càng được củng cố và nâng cao, Trường đã được ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, có đóng góp chính vào kết quả xếp hạng ĐHQGHN năm 2025 (do QS xếp hạng):
- Lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học Quản lý thuộc nhóm 451-500 thế giới
- Lĩnh vực Kế toán và Tài chính thuộc nhóm 301-375 thế giới
- Lĩnh vực Kinh tế và Kinh tế lượng thuộc nhóm 401-450 thế giới

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, ghi nhận những đóng góp nổi bật trong giáo dục và nghiên cứu.
Không chỉ vậy, UEB còn nổi bật với vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu – chính sách – thực tiễn, UEB không khép mình trong tháp ngà học thuật mà luôn thấm đẫm hơi thở của thời đại, hơi thở của đời sống, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đất nước.
Hội thảo Công bố Tư vấn Chính sách: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số tại Việt Nam” là bước đi cụ thể của UEB nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW bằng tri thức và hành động. Hành động kết nối giới học thuật, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và truyền thông để đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống.
Công bố kết quả tư vấn chính sách của UEB trong 3 năm qua
Với tinh thần học thuật hành động, thời gian qua, UEB tiên phong nghiên cứu, tìm lời giải cho chuyển đổi số của doanh nghiệp, không phải trên trang giấy, mà bằng hành động trong thực tiễn. Các nghiên cứu gần đây của UEB là minh chứng sống động cho triết lý học thuật hành động mà Nhà trường theo đuổi.
Đề tài “Chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản” do PGS.TS. Phan Chí Anh chủ nhiệm, thực hiện trong năm 2023–2024, không dừng lại ở việc mô tả thực trạng hay tổng hợp lý thuyết, mà đi xa hơn – đề xuất 3 nhóm chính sách can thiệp cụ thể, khả thi và có thể áp dụng ngay. Các chính sách này bao gồm: phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; đầu tư vào hạ tầng số và hoạt động R&D; thiết kế nền tảng chia sẻ thông tin xuyên suốt giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Tất cả giải pháp đều được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn Việt Nam – không phải lý thuyết nhập khẩu, mà là tri thức hành động, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của nền kinh tế.
Tương tự, đề tài “Mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” do TS. Hoàng Xuân Vinh chủ nhiệm, thực hiện trong năm 2023–2024, đã xây dựng một mô hình định lượng toàn diện gồm 7 trụ cột và hơn 30 tiêu chí. Mô hình này cho phép các doanh nghiệp SME tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của mình, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp về công nghệ. Đây không còn là một nghiên cứu mô tả, mà là một công cụ hỗ trợ ra quyết định có thể áp dụng được ngay trong thực tiễn quản trị doanh nghiệp.
UEB không thuần túy sáng tạo tri thức mà kiến tạo tri thức để hành động. Tri thức được tạo ra ở UEB không để cất giữ, không nằm yên trên trang giấy, mà bước ra đời sống, thấm vào chính sách, doanh nghiệp, thực tiễn đời sống,... Mỗi công trình nghiên cứu không khép lại bằng một báo cáo tổng kết, mà tiếp tục sống, tiếp tục lan tỏa, góp phần thúc đẩy thay đổi thực chất và bền vững trong xã hội.
Gỡ điểm nghẽn, mở lối chuyển đổi số cho doanh nghiệp tư nhân
Một điểm nhấn khác của sự kiện là phiên tọa đàm chuyên sâu của các chuyên gia đến từ lĩnh vực học thuật, hoạch định chính sách, điều hành doanh nghiệp và truyền thông. Sự giao thoa giữa các góc nhìn sẽ giúp phác họa bức tranh toàn diện hơn về thực trạng, điểm nghẽn và cơ hội trong chuyển đổi số của doanh nghiệp tư nhân, từ chính sách đến thực tiễn, từ tầm nhìn đến hành động.
Thực tế cho thấy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay chưa trở thành dòng chảy chủ đạo, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, manh mún và thiếu tính bền vững. Phần lớn doanh nghiệp vẫn loay hoay giữa nhận thức và hành động, giữa mong muốn đổi mới và năng lực thực thi còn nhiều hạn chế, từ nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ, đến chiến lược chuyển đổi.
Các chuyên gia sẽ cùng nhau nhận diện, làm rõ đâu là điểm nghẽn nội tại của doanh nghiệp, đâu là điểm nghẽn thể chế và chính sách từ phía Nhà nước, đâu là điểm nghẽn trong kết nối và phối hợp đa bên giữa các chủ thể liên quan,... Các chuyên gia cũng sẽ làm rõ chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân khác gì so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Tọa đàm cũng sẽ phân tích vai trò và chính sách của Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong chuyển đổi số. Đặc biệt, các cách làm hay, thực tiễn tốt trên thế giới về chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân cũng được các chuyên gia chia sẻ nhằm cung cấp góc nhìn tham khảo có giá trị cho doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Những kết quả của sự kiện sẽ được ghi chép, chắt lọc kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện chính sách quốc gia về chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân.
Hội thảo Công bố Tư vấn Chính sách: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số tại Việt Nam” không chỉ là diễn đàn hứa hẹn sẽ có nhiều điểm nghẽn được nhận diện, tháo gỡ, mở lối cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá trong Kỷ nguyên số, mà còn thể hiện rõ sự cam kết, tinh thần đồng hành của UEB cùng doanh nghiệp, đất nước. UEB không đứng bên lề thời cuộc, không khép mình trong tháp ngà học thuật, mà lựa chọn dấn thân hành động đưa tri thức vượt ra khỏi những trang sách để lan tỏa, thấm sâu vào mạch sống của nền kinh tế.