Văn hóa – Di sản

Cao Bá Nhạ - tiếng thơ bi thương

Trần Văn Hà 13/11/2023 14:22

Cao Bá Nhạ người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Không rõ năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông sống vào cuối thế kỷ XIX, thời Tự Đức, thời mà chế độ phong kiến nhà Nguyễn khủng hoảng trầm trọng và bộc lộ tính chất bảo thủ, phản động nhất.

Dòng họ Cao xưa nổi tiếng ở đất Kinh Bắc vì có nhiều người học giỏi, văn hay và đỗ đạt cao, làm quan to. Thời Lê, Trịnh đã có người nổi tiếng như Cao Bái Hiên, đậu Tiến sĩ, làm tới Binh Bộ Thượng thư triều Lê và giữ chức Tham tụng trong phủ chúa...

Đến đời ông nội của Cao Bá Nhạ thì nhà cửa sa sút, nhưng nền nếp của dòng họ vẫn được bảo tồn. Thân phụ ông là Cao Bá Đạt cùng người em song sinh (Cao Bá Quát) đều là những người học giỏi nổi tiếng. Bản thân ông tuy không đỗ đạt làm quan, nhưng cũng “tinh thông kinh sử” và có tài năng văn chương.

Kể từ khi Cao Bá Quát khởi nghĩa Mỹ Lương thì dòng họ Cao bị triều đình Nhà Nguyễn hạ lệnh giết cả nhà và truy đuổi gắt gao. Thân phụ ông đang giữ chức Tri huyện Nông Cống (Thanh Hoá) cũng bị giải về kinh định tội. Bị oan ức, khổ nhục quá, Cao Bá Đạt dọc đường đã phải cắt ngón tay lấy máu viết một tờ biểu trần tình rồi dùng dao đâm cổ tự tử.

Để tránh khỏi vòng truy nã gắt gao của bọn thống trị, Cao Bá Nhạ phải cải dạng, đổi tên, bỏ đất Thanh Hoá rồi trốn ra ngoài Bắc. Sau một thời gian nếm trải mọi mùi khổ nhục, ông mới tìm được nơi ẩn náu ở vùng Mỹ Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cao Bá Nhạ ở lại đây sống bằng nghề dạy học rồi lấy vợ sinh được hai con gái. Sau tám năm, ông bị tố giác và bị bắt. Ông bị giam cầm trong cũi và giải đi đây đó, hết khiêng về ngục thất Hà Nội lại giải sang Bắc Ninh, sau cùng bị đầy lên mạn ngược và qua đời.

cao-ba-nha.jpg

Trong những ngày bị bắt bớ giam cầm, Cao Bá Nhạ có sáng tác được hai bài văn: Trần tình văn bằng chữ Hán và Tự tình khúc bằng quốc âm. Cả hai tác phẩm đều bắt nguồn từ một hoạt cảnh đau thương và cùng nói lên nỗi oan khổ của ông. Do đó mà hai tác phẩm đều có nhiều điểm giống nhau.

Dưới đây xin nói rõ về gia thế, cuộc đời và tâm sự của Cao Bá Nhạ qua tác phẩm Tự tình khúc.

Tự tình khúc là một khúc ngâm lâm ly, thống thiết, là một thiên tình cảm chân thực của Cao Bá Nhạ và tự tay ông ghi lấy qua những biến chuyển của lòng mình. Về nội dung, Tự tình khúc giàu màu sắc tự thuật, giãi bày nỗi oan khổ, thương thân trách phận. Về hình thức, tác phẩm gồm 608 câu thơ, được viết theo thể song thất lục bát.

Tự tình khúc cho thấy rõ dòng họ Cao đời đời khoa bảng, chỉ mong được giúp vua trị nước:

Dấu trung ẩn in miền mây trắng,

Chữ mục dân bóng rạng non vàng.

Bức tranh treo chữ tuần lương,

Ngư dương hát lúa, Hà dương vịnh đào.

Và chính Cao Bá Nhạ cũng là người ấp ủ mong muốn được làm quan phụng sự đất nước. Nhưng cũng chỉ vì chính sách triệt hạ nhân tài của nhà Nguyễn, những oan nghiệt trái ngang của chế độ phong kiến phản động đã làm cho cha của Cao Bá Nhạ phải tự vẫn:

Mảnh bạch ngọc thiêu người khách tử,

Lưỡi đoản đao cắt chữ phù sinh.

Trước cái hoạ tru di tam tộc, Cao Bá Nhạ đã phải cải trang, đổi tên mới tạm thoát khỏi vòng truy nã khắc nghiệt. Tất cả con trai họ Cao đều đã lần lượt sa vào tay triều đình nhà Nguyễn. Chỉ còn sót lại có Cao Bá Nhạ, cho nên ông rất tha thiết với sự sống của mình:

Phù sinh một sợi tơ mành,

Giữ gìn thi thể như hình thiên kim.

Đây là lời tâm sự đau xót, nhưng đồng thời lại gián tiếp lên án chế độ bất lương, lên án những luật lệ phản động nhất của giai cấp phong kiến nhà Nguyễn chà đạp lên tính mạng con người.

Cùng với những cảnh bắt bớ dã man, những cảnh thảm sát người vô tội theo luật lệ tru di tam tộc, những cảnh đoạ đầy và những thực tế đau khổ của xã hội phong kiến mà Cao Bá Nhạ đã sống:

Tình phụ tử chua cay đến ruột,

Nỗi thất gia đau buốt tận xương.

Từ nay nhắn nhủ thể thường,

Ai ơi xin chớ ngâm chương mộng hùng.

Giá trị hiện thực của Tự tình khúc chính là ở chỗ đó. Đồng thời Cao Bá Nhạ bộc lộ niềm thương cảm những người thân yêu:

Lại còn nỗi gia đình tự tục,

Đau đớn thay cốt nhục cù lao.

Dưới ngòi bút tả thực đó đã thể hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của ông. Có thể nói ông lo cho mình một thì lo cho vợ con, thân quyến mười phần:

Tiểu đồng thổn thức chung quanh,

Thế nhi lăn lóc bên mình khóc than.

Phút nửa khắc muôn vàn thê thảm,

Trong một mình bảy tám biệt ly.

Đi xa hơn, Cao Bá Nhạ phần nào lên tiếng trách cứ, gián tiếp bày tỏ thái độ riêng tư. Trước hết là ý thức phản kháng chế độ phong kiến hà khắc đã vùi dập tài năng, trí tuệ con người. Ông đã lên tiếng phỉ nhổ vào nền chính trị bạo ngược, độc tài đó. Dưới chế độ ấy, tính mệnh con người không được tôn trọng, đời sống mặc dầu lương thiện cũng không được bảo toàn. Cuộc sống của Cao Bá Nhạ là một bằng chứng cụ thể:

Chữ bạc mệnh, ai ơi xót với,

Câu đa đoan, trời hỡi thấu chăng.

Hay là:

Đuôi con mắt châu sa thấm giấy,

Đầu ngón tay máu chảy pha son.

Đau đớn vì cảnh gia đình tan tác đến nỗi ông khuyên người đời chẳng nên mong có con trai làm gì để rồi lại bị truy nã, sát hại như cảnh gia đình ông. Lời khuyên đó xuất phát từ những kinh nghiệm xương máu của ông, có giá trị một lời kết tội đanh thép luật lệ dã man của triều đình nhà Nguyễn.

Tình yêu thương con người ở Cao Bá Nhạ không tách rời tình yêu quê hương đất nước, dẫu trong đó con người còn bị chà đạp, dày vò. Cho nên, tình yêu quê hương là một yếu tố tư tưởng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của Cao Bá Nhạ. Trong những năm lánh ẩn ở quê người, ông xót xa nghĩ đến nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Những kỷ niệm thân yêu khắc sâu vào một thân cây, một cành lá... đã làm cho hình ảnh quê hương mang nặng tình yêu thương những người thân thích:

Cành mai chếch mác càng thương,

Câu thơ tang tử giữa đường càng đau.

Hay là:

Phần du nẻo Bắc ngừng trông,

Nước non cách mấy mươi trùng xa xa.

Yêu quê hương đất nước, không thể không yêu thiên nhiên là khung cảnh sinh hoạt của những người thân thích và của chính bản thân mình. Do đó, Tự tình khúc cũng diễn tả được mối tương quan khăng khít ấy trong những nét sinh động, đậm đà.

Nhưng ở Cao Bá Nhạ tình yêu thiên nhiên có một màu sắc riêng. Không giống với người nông dân chủ yếu nói về đồng lúa, nương khoai, bãi sắn... Trái lại, đối với một con người thoát ly sản xuất như Cao Bá Nhạ thì thiên nhiên chủ yếu là những vườn hoa, cây cảnh mà tự tay ông chăm bón:

Mấy phen điểm xuyết sơn hà,

Cúc mười lăm khóm, mai và bốn cây.

Hay như:

Vườn thược dược thâu mòn của trúc,

Dãy ba tiêu chen chúc song hồ.

Vườn hoa cây cảnh đối với ông như những người bạn tâm tình. Cảnh vật ấy, hình như cũng vui cái vui và buồn cái buồn của ông:

Người đau phong cảnh cũng buồn,

Thông gầy như trúc, cúc mòn như mai.

Thiên nhiên trong Tự tình khúc là một thực thể vừa có tính chất siêu nhiên vừa có tính chất một người bạn tri kỷ thông cảm với những nỗi niềm đau đớn của tác giả. Ở đây, nếu lắng tai nghe, sẽ nhận thấy những thổn thức của một trái tim, những nhịp điệu lên xuống của một tâm hồn.

Là một áng văn trữ tình, Tự tình khúc đã diễn tả được tâm trạng bị ai của người dân lương thiện bị luật tru di tam tộc tàn nhẫn kết thúc cuộc đời một cách thảm thương. Do đó, Tự tình khúc chính là một bản cáo trạng đanh thép lên án chế độ bất lương của giai cấp phong kiến nhà Nguyễn giày đạp lên tính mạng, tài năng, trí tuệ và quyền sống của con người, mà chính Cao Bá Nhạ là nạn nhân./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Cao Bá Nhạ - tiếng thơ bi thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO