Lý luận - phê bình

“Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến 07:17 15/11/2024

Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.

anh-bia-sach.jpg

Đến với thơ Đặng Minh Kính, ta hãy để lòng mình thật yên vắng, thanh thoát với những khoảng trống lặng giữa những câu thơ để nghe thấy tiếng ngân vang thánh thót của những rung động xúc cảm về mùa thu: “Cho tôi hóa một lần cơn gió/ Mùa thu chải tóc cho cây/ Mùa lơ đễnh/ Mùa nhẹ dạ/ Để tình yêu vuột mất trên tay/ Chỉ một lần thôi/ Ngọn gió heo may/ Thoắt đến/ Thoát đi/ Ai nào giữ được/ Ngọn gió khô mà rất nhiều nước mắt/ Trong chiếc khăn ẩm ướt mùa thu” (Gió thu). Thật thú vị khi tác giả ví mùa thu là “mùa lơ đễnh” và “mùa nhẹ dạ” trong tâm tưởng một người phụ nữ đang yêu. Không chỉ vậy, trong hai câu kết của bài thơ, chị suy tưởng thấy trong “chiếc khăn ẩm ướt của mùa thu” thì gió thu kia chỉ là “ngọn gió khô nhưng thấm đầy nước mắt”. Trong một bài thơ ngắn như vậy mà có tới bốn hình ảnh thơ được khắc họa khá ấn tượng như thế cho thấy tác giả có một hồn thơ khá tinh nhạy và giàu cảm xúc.
Thơ Đặng Minh Kính thường ngắn gọn, súc tích. Chị lắng nghe rung động trong trái tim mình trước hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng con người. Trong bài thơ “Ngôi nhà hình ống”, tác giả có một tứ thơ rất hay viết về phố cổ Hà Nội khiến tôi vô cùng ấn tượng: “Ở nhà hình ống/ Người mỏng như giấy/ Hơi thở cũng gầy/ Thơ phải đi nghiêng/ Bắt được tiếng chim/ Lọt qua song cửa/ Khéo ủ thành lửa/ Khéo chuốt thành thơ…”. Hình ảnh “người mỏng như giấy, hơi thở cũng gầy” trong những căn nhà hình ống gợi lên trong ta bao kỷ niệm vui buồn về những dãy phố xa xưa trong lòng Hà Nội. Trong căn nhà phố cổ ấy, tác giả còn phát hiện: “Có nỗi tương tư/ Cũng vừa mỏng dính/ Giấu trong phong thư/ Phất hồ dán kín”. Và đặc biệt hơn, trong cảm xúc riêng mình, người thơ nhận thấy: “Có những câu thơ/ Chỉ làm một nửa/ Một nửa ngập ngừng/ Tìm trong men lửa/ Lặng yên nhà ống/ Khe khẽ ngân nga/ Lúc ai nhè nhẹ/ Dắt trăng đi qua”. Khổ cuối của bài thơ ngân lên như một bản nhạc về cái đẹp trong ánh trăng huyền ảo hư hư, thực thực trong căn nhà hình ống. Đây thật sự là một bài thơ xuất sắc theo trường mỹ cảm thi ảo của Đặng Minh Kính.

Trong thơ chị, người đọc còn bắt gặp các khuôn hình ấn tượng từ những thi ảnh về một Hà Nội xưa với sự liên tưởng rất thú vị. Có thể kể đến bài thơ “Hương tơ” và “Màu yếm xưa”. Hai bài này giống như hai bức tranh lụa mịn màng, huyền ảo. Trong bài “Hương tơ”, vẻ đẹp dịu dàng của lụa, vẻ đẹp e ấp của tơ chính là vẻ đẹp của người con gái tuổi đang mộng mị, tuổi đang yêu: “Dịu dàng em áo lụa/ E ấp nàng áo tơ/ Xa bay thơm man mát/ Từng đường vân dệt mờ/ Mùi lá dâu ngoài ruộng/ Đầy nong tằm xanh mơ/ Dáng ai ngồi gỡ nhẹ/ Những cuốn quanh ơ hờ/ Tìm nhau trong vuông lụa/ Còn ai trong ánh tơ/ Gió bay hoài hương cũ/ Tự mùa dâu xa xưa”.

Hình ảnh người con gái dệt lụa tằm tơ ở miền dâu xanh gợi nên bao hồi tưởng thanh bình về vùng Hà Đông, xứ Đoài ven thành Thăng Long xưa. Và tơ tằm, lụa là ấy như vẫn còn thấp thoáng trong những tà áo dài, trong những chiếc yếm tinh tế, gợi cảm của các người đẹp của xứ Tràng An xưa đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường hôm nay. Không hiểu có phải vì nhà thơ khiêm nhường, tự ví mình trong tình yêu chỉ là cái “Bóng của hoa” như tựa đề của tập thơ nên trong bài thơ “Quên bóng”, tác giả Đặng Minh Kính đã tâm sự: “Có một lần quên bóng ở nhà anh/ Từ đó em sống đời như một nửa/ Em mờ nhạt, em không là em nữa/ Bóng chờ em hay em nhớ anh/ Tháng ngày đó mùa xuân mải xanh/ Thu cũng vui, đông thôi trút lá/ Hạ rất hiền quên mùa đổ lửa/ Chắc thương em không nguôi nhớ anh/ Anh nay ở đâu, bốn mùa sắp tắt/ Bóng em, anh giữ có còn không/ Cho em về lại xin một nửa/ Để chắp cô đơn nỗi chưa tròn”. Đây là một bài thơ tình dịu dàng mà xa xót, say đắm mà quặn đau, dằn lòng mà tự thú khi tác giả chỉ dám xin lại một nửa “cái bóng ngày ấy” của mình đã trót để quên ở nhà người tình xưa. Cái bóng mà tác giả nhắc đến trong bài thơ này phải chăng là bóng hình thân thương, yêu dấu đã gửi trao cho một mối tình si nồng nàn, tha thiết đã lỡ dở để người trong thăm thẳm cách xa chỉ còn lại một nửa cuộc đời phải sống trong mờ nhạt và nhung nhớ.

Không chỉ muốn xin lại một nửa cái bóng hình yêu dấu, tác giả còn muốn xin lại cả câu thề dại khờ ngày còn yêu mến nhau: “Những gì em giấu ở đằng sau/ Là câu thơ còn đang viết dở/ Em sẽ mang theo cùng hơi thở/ Dù trăm ngàn cũng hóa tàn tro/ Hãy mở tay ra/ Em xin lại câu thề/ Lúc dại khờ khi ta còn yêu mến/ Thế, được rồi anh ra đi mãn nguyện/ Đừng ngoái nhìn lửa cháy phía sau lưng”. Thơ như một tự sự kín đáo của nỗi cô đơn không dễ chia sẻ, không dễ nói ra với một tác giả luôn chọn lựa sự lặng lẽ, tinh tế trong cách biểu hiện cảm xúc như Đặng Minh Kính. Trong bài thơ “Sợ”, chị chọn cách biểu cảm: “E mình cầm tay ta lâu quá/ Bây giờ lâu mau khó mà phân biệt/ Bao nhiêu thì vừa đủ/ Bao nhiêu là tha thiết/ Làm sao để định lượng thời gian/ Có lần cũng sợ/ Có lần cũng run/ Hôm dưới chân tượng đài Thánh Gióng/ Trong tay mình, ta ngỡ sắp bay lên”. Với những bài thơ ngắn gọn và súc tích như vậy, độ âm vang của chữ nghĩa như được nén lại, tích hợp đủ độ để cảm xúc “bay” lên. Câu thơ cuối bài “Mùa thu ở JeJu” là một ví dụ: “Không ngọn tóc nào yên/ Trong xứ sở của gió/ Và lá đỏ/ Gió nhiều chớp mắt/ Trước cái nhìn của anh/ Đành cúi mặt/ Gió xoáy phía trước/ Mắt hút phía sau/ Cuốn em cùng lá đỏ”.

Có thể nhận thấy hình tượng xuyên suốt tập thơ “Bóng của hoa” chính là sự tụng ca và lên ngôi của cái đẹp. Trong bài thơ “Miền cúc” tác giả thể hiện ám ảnh xúc động về một loài hoa: “Cúc nở hôm nay, gió ủ ngàn xưa/ Thương nhớ gói trong mùa xa lắc/ Biết mấy loài chim về rắc hạt/ Mà lần hồi đếm mãi không ra/ Tháng ba rực rỡ cúc đơm hoa/ Cánh dài bung tóc rối/ Có mấy bông còn chưa nhớ nổi/ Nay các em nao nức về đây/ Vẻ mong manh/ Vẻ hao gầy/ Đun đẩy bằng nhiều tên khó nhớ/ Ta quen gọi là cúc thôi, một thuở/ Dù tím hay vàng, hãy nở cúc ơi/ Khép gió sương tất tả bồi hồi/ Muốn ôm trọn một vòng tay đầy cúc”.

Không chỉ mong muốn “ôm trọn một vòng tay đầy cúc và cái đẹp” trong câu kết bài thơ nói trên, tác giả còn muốn ôm trọn vào tâm tưởng của mình: “Tim ta như cánh đồng hoang/ Mở ra cơn gió nồng nàn đón mưa”. Đọc “Bóng của hoa” dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của Hà Nội phố, tiêu biểu là bài “Cà phê đường tàu” phát lộ khá nhiều ẩn dụ yêu thương: “Nào mình có đón ai đâu/ Người đi độ ấy từ lâu chưa về/ Nôn nao nâng tách cà phê/ Trầm tư khói tỏa giãi giề thời gian/ Một phút chờ mấy hoang mang/ Đường tàu vẫn sóng đôi hàng như xưa/ Nỗi mình từng ướt dưới mưa/ Tháng ba trời khóc như chưa bao giờ/ Kìa em! Tôi đã trở về/ Mang bao ô cửa thỏa thuê vui mừng/ Ô hay chỉ những người dưng/ Mà trăm kẻ đợi như từng đã yêu”.

Thơ Đặng Minh Kính là vậy, sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích và giàu cảm xúc tinh tế với những hình ảnh được khắc họa ấn tượng dường như là bản ngã của người thơ này. Sau ba tập thơ đã xuất bản từ 2009 - 2024, Đặng Minh Kính đã hình thành một giọng thơ, một phong cách của riêng mình. Hi vọng ở những tập thơ sau, biên độ thơ của Đặng Minh Kính sẽ được mở rộng hơn hướng tới những đề tài mang tính xã hội nhân văn và nhân sinh. Đây là một đòi hỏi cấp thiết với các nhà thơ hôm nay./.

Bài liên quan
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO