Lý luận - phê bình

“Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội

Minh Đan 17:52 01/12/2024

“Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.

anh-2.jpg

Và “bay” theo đôi cánh ấy, dễ ai cũng thấy mình là một phần trong ngõ nhỏ, phố nhỏ; đang đứng trước chiếc bánh sinh nhật khổng lồ “Cắm hơn nghìn cây nến/ Mừng sinh nhật Thủ đô” (Sinh nhật tháng Mười).

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên chia sẻ, khi viết tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” (NXB Hội nhà văn, 2024), chị có 2 góc nhìn, một của người yêu Hà Nội và một của người không sinh ra ở đây. Nhưng tôi nghĩ, ở tập thơ này, Huỳnh Mai Liên còn có thêm góc nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết từ một nhà báo; góc nhìn tinh tế và dịu dàng từ một người mẹ. Nhờ đó, những nét chấm phá về Hà Nội của chị vừa đủ đầy, vừa mang sự nhạy cảm rất riêng.

Lần theo những vần điệu giàu tính nhạc, người đọc có thể vút lên thật cao để thấy màu xanh bao la nước hồ Gươm, màu đỏ hồng nước hồ Tây khi “Mặt trời xế bóng/ Nghiêng chào hồ Tây” (Mặt trời Hồ Tây), màu soi bóng lịch sử khi đi qua “Gác Khuê văn im ắng/ Soi bóng giếng Thiên Quang” (Nơi ước mơ bay lên). Muốn lắng nghe sâu hơn, người đọc lại được đứng ở nơi “Hơn hai nghìn năm trước/ Vua xây Cổ Loa thành/ Chín vòng ốc bao quanh/ Thành cao bên hào nước” (Cổ Loa thành), hay sang thăm “Ông Cột cờ Hà Nội”, bước chầm chậm qua những con phố Hồ Hoàn Kiếm, Hỏa Lò, Mã Mây…
Nhà thơ cũng khéo léo đưa người đọc đến gặp người nghệ nhân giữ nghề đậu bạc Định Công; những bạn nhỏ thích hát dân ca, chơi đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn nhị…; những khu tập thể cũ kỹ bên tòa chung cư mới; nhẩn nha thưởng thức những món ngon của Hà Nội như kem Tràng Tiền, phở Thìn Bờ Hồ, bún thang Cầu Gỗ, cốm làng Vòng, bánh giò Đông Tác, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây…

Cánh chim bồ câu trắng ẩn hiện trong những vần thơ của Huỳnh Mai Liên cũng cho người đọc đi khắp chiều thời gian Hà Nội, từ lịch sử ngàn năm đến ngày trời xanh hôm nay, từ những tia nắng đầu ngày cho đến hoàng hôn chiều buông, từ ngày mưa cho cây lá tốt tươi đến ngày nắng mọi vật đều nhảy nhót hay cảm giác co ro trong cái rét ngọt mùa đông…

8 năm trước, Huỳnh Mai Liên từng viết tập thơ đầu tiên với cảm hứng chủ đạo là không khí gia đình xoay quanh 2 đứa con nhỏ của chị. Sau đó và hiện tại là “Bay qua Hồ Gươm”, chị đã mở rộng đề tài và quan sát xung quanh nhiều hơn. Nhưng mở rộng chứ không tách rời, khung cảnh ngôi nhà, căn bếp nhỏ vẫn hiện lên rất rõ; và tôi tin rằng trái tim của một người mẹ giúp chị thấu hiểu tâm tư trẻ con, để “trở về” tuổi thơ bất cứ khi nào cần. Chị cũng có sự kỷ luật của một người lao động nghệ thuật chuyên nghiệp, chăm chỉ, hăng say và có cả tâm hồn mơ mộng của một người phụ nữ luôn yêu đời, yêu cái đẹp.

Những vần thơ về Hà Nội của chị, vì thế, không thiếu những màu hoa suốt bốn mùa rực rỡ từ bước dạo chơi ở vườn đào Nhật Tân hay hát ca về những hàng hoa trên những con đường. “Hoa bưởi hương đưa nhẹ”, “Lộc vừng buông câu thơ”, “Hoa sưa trắng mộng mơ”, “Cây gạo thả hoa đỏ”, “Hoa ban tím thong dong”, “Cây bằng lăng hối hả”, “Phượng vĩ đang nở rộ”… Chị cũng kể thêm về bình hoa tươi trong nhà “Đóa sen hồng Hồ Tây/ Mẹ cắm trong bình gốm/ Em mèo con từ tốn/ Nằm bên rón rén chờ/ Căn phòng ngỡ đang mơ/ Níu mùi hương ở lại/ Mùa hè trôi êm ái/ Trên từng cánh hoa thơm”…
Trong nhiều bài bài thơ, Huỳnh Mai Liên còn đan cài những từ tượng thanh, khiến bài thơ trở nên giàu tính nhạc như một bản hòa tấu âm thanh đời thường rộn ràng. Đó là tiếng xe đạp lóc cóc, tiếng ve kêu râm ran, tiếng hạt mưa tí tách, tiếng bầy sẻ ríu rít, tiếng lá rơi xào xạc, tiếng rúc rích đùa vui, tiếng lách cách từ chú thợ cắt tóc vui tính, tiếng em bé khóc oa oa… Ngoài ra, những câu hỏi được đặt ra trong những vần điệu dễ đọc, dễ nhớ cũng khéo léo dẫn dắt người đọc tự tìm hiểu, tự cảm nhận thêm một Hà Nội của riêng mình như: “Ai bắc cây cầu dài/ Nối hai bờ gần lại/ Ai gieo vườn hoa cải/ Sưởi ấm cả mùa đông?/ Ai khắc khoải trong lòng/ Vì tình yêu Hà Nội/ Ai dịu dàng lời gọi/ Thương nhớ một dòng sông” (Nhớ một dòng sông).

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên từng chia sẻ, viết cho trẻ thơ, chị… không hề có bí quyết gì cả. Trước mỗi bài thơ, chị chỉ có duy nhất một đề tài và thả lỏng mình để trở thành trẻ con. Chị tin tưởng trẻ con sẽ tìm thấy góc nhìn riêng, lối đi riêng, kể cả trước đề tài lớn. Vô tư thế thôi nhưng trái tim trẻ thơ Huỳnh Mai Liên sẽ chạm tới hàng triệu trái tim trẻ thơ khác, để bất kỳ lúc nào đó, “Bay qua Hồ Gươm” sẽ được mấp máy trong veo trên những đôi môi trẻ thơ…
“Em muốn đi/ Một vòng Hà Nội/ Chín dòng sông/ Một trăm hồ nước/ Bảy cây cầu/ Vắt qua sông Hồng/ Nơi điểm cực/ Bắc, Nam, Đông, Tây.

Em muốn tới/ Ba trăm làng nghề/ Gặp nghệ nhân/ Đưa đồ thủ công/ Ra thế giới/ Dệt lụa, thêu tay/ Đan mây tre/ Son son thiếp vàng/ Đắp phù điêu/ Sơn mài, gốm sứ…
(Một vòng Hà Nội)

Bài thơ “Một vòng Hà Nội” khép lại tập thơ với những câu từ, ý tứ như một nỗi bồi hồi sôi nổi, một nỗi da diết, thiết tha được đắm mình trong Hà Nội thêm thật thật nhiều và thật sâu. Với Huỳnh Mai Liên, đi mãi, khám phá mãi nhưng mỗi lần gặp gỡ, Hà Nội lại kể một câu chuyện mới, khoác một tấm áo mới dù dáng vẻ lại ngày càng cổ kính hơn, trầm mặc hơn và khiến người đọc thật không thể không nhớ “Mỗi khi xa Hà Nội/ Nghe tiếng gọi Hồ Gươm”.

“Xin cảm ơn nhà thơ - người mẹ Huỳnh Mai Liên đã nghĩ đến việc tâm tình với các bé về Hà Nội. Và đã làm việc này với đầy trân trọng, yêu thương từng góc phố, hàng cây, từng nỗi niềm bé nhỏ lặng im của tất cả những gì nằm trong lòng Hà Nội” - nhà thơ Thụy Anh viết lời cảm nhận về cuốn sách nhưng lại thành cảm ơn tác giả. Có lẽ bởi khi gấp tập thơ này lại, trong trái tim bất kỳ ai cũng tự nhiên bật lên lời cảm ơn sau hành trình chu du với ngôn từ đầy thú vị. Cảm ơn nhà thơ Huỳnh Mai Liên vì đã tạo ra một cuộc trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội của riêng chị và của nhiều người khác nữa./.

anh-2.jpg

Sự kết nối giữa tác giả nội dung và người vẽ minh họa luôn là yếu tố quan trọng để nói đến thành công của một cuốn sách thơ. Vậy nên một điều rất đặc biệt phải kể đến là “người họa sĩ” đứng sau tác phẩm “Bay qua Hồ Gươm” là con gái của nhà thơ - cô bé Mai Khuê, hiện đang là học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội. Nhà thơ Huỳnh Mai Liên từng nói về niềm vui và may mắn khi từ năm 2018 tới giờ, các tập thơ của chị đều có dấu ấn của cô con gái nhỏ. Tám năm, hai mẹ con chị đã cùng viết và vẽ 4 tập thơ, trong đó có 3 cuốn Mai Khuê vẽ tranh bìa. Và câu “Đẹp quá mẹ ạ!” của cô bé Mai Khuê thốt lên khi lần đầu tiên cầm quyển sách cũng đã nói thay cảm nhận của nhiều bạn nhỏ khác.

Bài liên quan
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO