Bát nước vối quê nhà

Hanoimoicuoituan| 25/07/2022 06:59

Trước đây, mỗi khi có khách ở xa tới, người dân quê tôi - thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) mới uống chè mạn, còn vào ngày thường, người ta chỉ uống nước vối. Không ai biết cây vối trồng ở vùng đất bãi bờ Nam sông Hồng này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ khi lớn lên, bọn trẻ chúng tôi đã thấy mỗi nhà trồng một hai cây vối bên bờ ao...

Bát nước vối quê nhà
Nước vối, thức uống dân dã quen thuộc của người Việt Nam suốt nhiều đời.

Trồng cây vối không cần đất rộng, chúng chỉ cần được trồng cạnh bụi tre và các loại cây lâu năm khác. Để đón ánh sáng mặt trời, thân cây và cành thường phải vươn ra mặt ao nên mỗi cây đều có dáng huyền rất đẹp. Những cây vối lâu năm thân nứt từng mảng lớn, nổi mốc trắng, xù xì.

Hằng năm, vào đầu tháng Hai âm lịch, khi hoa bưởi trong các vườn nhà rụng xuống thì cây vối bắt đầu ra hoa. Sang tháng Tư, vối bắt đầu ra nụ. Nụ vối thon nhỏ như hạt đậu xanh. Vào sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng Năm, lúc mặt trời chưa mọc, người ta hái lá và nụ vối. Người làng bảo, chỉ hái lá và nụ vào khoảng giờ đó thì sau này nấu nước mới ngon. Những nụ còn sót lại sẽ ra quả. Quả vối nhỏ như quả sim, đến tầm tháng Bảy thì chín đỏ, ăn ngọt ngọt chua chua.

Lá vối hái xong cho vào sọt, xung quanh sọt và bên trên phủ lá ráy hoặc lá chuối tươi. Cuộng vối cho vào thúng cái, bên trên phủ vỉ buồm. Lá và nụ ủ 3 - 4 ngày, mở lá chuối thấy nóng tay là lá vối đã chín và cho vào nong phơi khô. Phơi 3 - 4 nắng, thấy giòn tay, người ta cho lá vào giỏ tre để lên gác bếp. Còn cuộng và nụ vối để riêng. Nụ cho vào các vò sành, nút lá chuối khô.

Khi dùng, người ta lấy một lượng lá vối vừa đủ, đem rửa sạch cho vào ấm đất để đun. Và người ta chỉ đun nước vối bằng ấm đất, tôi chưa thấy ai đun bằng nồi nhôm, nồi đồng bao giờ. Đun sôi dăm phút rồi để trên bếp cho nguội dần. Nước vối lần đầu đặc sánh, vàng óng như mật ong, gọi là nước cốt. Người nghiện nước vối, cứ thế rót ra bát sứ hoặc bát đàn để uống, còn phần lớn phải chế thêm nước sôi vào, dùng 3 lần mới bỏ.

Đúc rút từ dân gian cho biết, nước vối uống lành, dễ tiêu hóa, không mất ngủ. Phụ nữ sinh con uống không sôi bụng. Nước vối còn có tác dụng diệt trùng, người xưa dùng nước vối để lau rửa vết thương, các bà mẹ thường đun nước lá vối tắm cho trẻ sơ sinh.

Hằng ngày, ở mỗi nhà, nước vối là loại nước uống chính. Khi có khách đến chơi, nếu hết nước vối, các cụ mới pha nụ vối cho nhanh. Nụ vối cho vào một cái lồng nhỏ đan bằng tre, hoặc một cái túi nhỏ may bằng vải phin trắng rồi cho vào ấm tích để hãm. Khi rót nước, lồng tre và túi vải ngăn không cho nụ vối chảy vào chén.

Bát nước vối quê nhà

Ấm đất và bát nước vối từ bao đời nay đã trở nên vô cùng thân thuộc với người dân quê tôi. Mỗi năm, vào cữ tháng Một, tháng Chạp, từ khi trời tờ mờ sương, người làng tôi đã ra đồng để đập đất gieo ngô. Buổi chiều, khi sương buông, mọi người mới lục tục trở về nhà. Khi ra đồng, người ta mang theo cơm bột ngô để ăn, và trong đồ ăn, thể nào cũng có ấm nước vối. Ngoài ra, vào lúc nông nhàn, các ông các bà lại gặp nhau trò chuyện, bao giờ cũng mời nhau bát nước vối. Uống mãi thành quen, người ta có thể bình phẩm, nước vối nhà này phơi và bảo quản khéo, nước có vị ngọt và bùi; còn nhà kia, nước uống có mùi ngai ngái.

Nhưng rồi cuộc sống mấy chục năm qua có nhiều đổi thay. Các ao hồ bị san lấp dần, tiện tay người ta chặt luôn các cây vối. Cảnh cũ dẫu không còn, nhưng lạ thay, bát nước vối gắn bó với tôi từ thuở thiếu thời đã gợi tôi nhớ lại cuộc sống đạm bạc nơi quê hương trước đây. Tháng trước về quê, tôi tìm mua mấy lạng nụ vối, một người làng bảo: “Bây giờ cả làng chẳng còn cây vối nào. Ông đi qua đê, vào nhà ông Ca làng Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp), còn một cây vối to lắm. Không biết ông có bán nụ vối không?”. Ngần ngừ mấy giây, người đó nói tiếp: “Làng sang năm lên phố rồi, bây giờ người ta uống chè Thái Nguyên cho tiện ông ạ!”.

Tôi cũng tìm đến nhà ông Nhì Uyên, năm nay gần 90 tuổi, ở xóm Một, thôn Đại Lan, là người vẫn giữ được cái thú uống nước vối. Gần đây, ông kỳ công thu hái cây vối “bỏ hoang” ở làng Vạn Phúc bên cạnh và tặng tôi món "đặc sản" để gửi cho con đang ở Hàn Quốc. Cầm món quà dân dã, tôi chợt nghĩ, trong những năm gần đây, nhiều giá trị về ăn uống đã được khôi phục. Tại nhiều nhà hàng và các quán nước bên đường, cùng với trà nóng, trà đá, các loại nước có ga, nay có thêm nước vối đá được khách ưa dùng. Tại khắp các chợ ở Hà Nội, đâu cũng có hàng bán lá vối tươi. Khác với xưa, lá vối ngày nay không được ủ phơi nên khi uống, khách tinh ý vẫn thấy có mùi khác lạ.

Bâng khuâng nghĩ lại chuyện uống của làng thay đổi theo thời gian khiến tôi xúc động. Dù sao, không ít người hôm nay vẫn còn lưu luyến một nét hồn cốt của thời đã qua, một thói quen mộc mạc đáng quý có từ nghìn đời.

(0) Bình luận
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
  • Nhớ miền tết xưa
    Hương xuân chạm vào cánh cửa thời gian, phố dài lên áo mới cũng là lúc đông rời đi chẳng bỏ quên gót mùa. Trong tiếng cựa mình của chồi non, xuân hòa cùng vào nỗi nhớ, dư âm Tết xưa cất gọi yêu thương. Tôi là đứa trẻ rất thích Tết, thích không khí chộn rộn, tất bật vui tươi những ngày cận Tết. Mùi Tết, hương vị Tết cứ len lỏi vào trong lòng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • Chính phủ triển khai thi hành Pháp lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 862/QĐ-TTg ngày 1-5-2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kế hoạch).
  • Hà Nội tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
    Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Đừng bỏ lỡ
Bát nước vối quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO