Âm nhạc

Đại tá - NSƯT Nguyễn Tuấn Anh: Viết nhạc giữa mây ngàn, nơi linh thiêng Tổ quốc

Trung Kiên - Đăng Khoa 09:45 29/04/2025

Chính nơi biên cương Tổ quốc, giữa đời sống giản dị mà giàu nghĩa tình của người lính và bà con dân bản, Đại tá, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng đã viết nên những bản tình ca mang dáng hình biên cương Tổ quốc.

Với Đại tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, có những giai điệu được sinh ra từ phòng hòa âm với những phím đàn êm ả. Nhưng cũng có những giai điệu được viết nên từ những chuyến đi bộ qua đèo dốc, từ tiếng suối giữa rừng sâu, từ ánh mắt của em bé vùng cao ngước nhìn người lính với niềm tin trong veo.

ns-tuananh-2.jpg
Đại tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng.

Nhạc từ núi, rừng, lòng người biên giới

Hơn 20 năm gắn bó với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, anh đã có mặt từ những bản làng heo hút miền tây Nghệ An đến Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) hay Từ Trường Sa - xa ngái tới những làng chài ven biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Ở đâu cũng có những câu chuyện dung dị nhưng lay động tâm hồn. Tại Điện Biên, có lần đoàn công tác của anh đi giữa mùa mưa lũ, đường sạt lở. Một em bé người Hà Nhì chạy ra giữa bùn lầy tặng anh một chiếc vòng tay dệt từ chỉ rừng. “Đeo cái này, bộ đội không ốm, không lạnh” - món quà nhỏ ấy được anh giữ đến tận bây giờ như một lá bùa bình an.

Trung tuần tháng 4/2025, Đại tá - Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh được nhận Giải B dành cho ca khúc “Con nuôi đồn biên phòng” tại Giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020–2025 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

Giữa những bản làng heo hút nơi rẻo cao Tây Bắc hay giữa cánh rừng già Trường Sơn, có một người lính mang theo cây đàn, sổ tay và trái tim nồng ấm. Anh lặng lẽ lắng nghe, ghi lại những hơi thở của núi rừng, ánh lên trong mắt người lính trẻ, nụ cười của em bé dân tộc hay lời chúc mộc mạc từ bà con vùng cao. Và rồi, từ tất cả những điều tưởng chừng rất nhỏ bé đó, anh viết nên những ca khúc làm rung động lòng người. Với anh, mỗi chuyến công tác đến vùng biên là một hành trình sống thật - sống trong nỗi vất vả, niềm vui, nỗi buồn và cả những điều thiêng liêng nhất. Những bài hát của anh ra đời từ thực địa - từ khói bếp bản Mông, mồ hôi chiến sĩ trên đường tuần tra, từ ánh mắt trẻ thơ ngóng bộ đội về làng hay tiếng gọi vọng qua mây mù: “Bộ đội ơi, về ăn cơm!”

Một trong những kỷ niệm khiến anh không thể quên là chuyến công tác tại bản Là Si, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi đất trời như muốn thử thách lòng người bằng giá rét và địa hình hiểm trở. Hôm đó, tốp xung kích của Đoàn văn công chỉ kịp dựng chiếc bạt tạm để biểu diễn giữa trời mù sương, khán giả là bà con La Hủ quấn chăn ngồi ken sát, là những chiến sĩ trẻ vẫn còn lấm bùn đất sau khi tuần tra.

Đêm ấy, sau khi biểu diễn xong, anh được mời về một túp lều nhỏ, nơi Mế người La Hủ đã dành phần măng rừng cuối mùa nấu cháo cho các nghệ sĩ của Đoàn. Bên ánh bếp hồng, Mế bảo: “Bộ đội Biên phòng là người thân, không phải là khách. Có gì, Mế cũng chia, cũng cho… cho hết các con. Các con ăn rồi đi biểu diễn cho nhiều nhiều đồng bào, nhiều nhiều bộ đội được nghe, được xem…”. Câu nói ấy khiến anh rưng rưng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, anh xúc động nhất là khi chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ Biên phòng nhận nuôi các em nhỏ dân tộc mồ côi hay có hoàn cảnh khó khăn. Có em mới 5 tuổi, gầy gò, chỉ biết nói tiếng dân tộc bản địa, nay được đến trường, được học tiếng Kinh, được gọi “bố” là người lính đã cõng em vượt đèo đi học mỗi sáng. Ca khúc “Con nuôi đồn biên phòng” ra đời trong một lần như thế.

Khi anh hát thử cho các em nghe bản demo đầu tiên, một bé trai đứng lên ôm lấy chân anh, mắt ươn ướt: “Chú viết về tụi con hả?” - khoảnh khắc ấy, anh nghẹn lời...

Sống và viết từ ký ức biên cương- nơi linh thiêng Tổ quốc

Là nhạc công được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, nhưng trong sâu thẳm trái tim người lính ấy luôn âm ỉ một khát khao - được tự mình viết nên những giai điệu mang hơi thở của quê hương, đất nước và người lính. Cột mốc đặc biệt đến từ một chuyến công tác ra Trường Sa, nơi anh không chỉ được sống trọn trong không khí thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc, mà còn may mắn gặp gỡ Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho - cây đại thụ của âm nhạc quân đội và đất nước. Chính những lời động viên, khích lệ chân thành của tác giả “Tiến bước dưới quân kỳ” đã gieo mầm cảm hứng, dẫn lối anh đến với con đường sáng tác chuyên nghiệp.

ns-tuananh-3.jpg
NSƯT Nguyễn Tuấn Anh và các em nhỏ nơi biên cương Tổ quốc.

Từ đó đến nay, anh đã viết nhiều ca khúc được cán bộ chiến sĩ và đồng bào các dân tộc vùng biên yêu thích, như: “Con đường thương nhớ”, “Bài ca con đường”, “Ngày hội biên phòng - Ngày hội toàn dân”, “Miền quê thương nhớ”, “Tiếng hát từ cột mốc 3 biên”, “Những người trai đi trong lòng biển”, “Những ngôi sao đại dương”, “Mặt trời trong biển lửa”, “Nỗi nhớ từ biển xa”, “Thành phố của trùng khơi”…

Không ít ca khúc của anh gắn liền với những hình ảnh giản dị mà lay động: Một đêm mưa lũ, chiến sĩ Biên phòng cõng sản phụ người Vân Kiều vượt 5km đường rừng đến trạm xá. Một lớp học dựng tạm ở điểm trường Pờ Hồ Thấp, nơi tiếng hát vang lên từ chiếc loa pin giữa trưa nắng, cả bản im lặng nghe. Những đêm diễn không ánh đèn, không sân khấu, chỉ có trăng núi và khán giả là bà con ngồi vòng tròn quanh đống lửa. Chính từ những hình ảnh đó, anh viết nên những giai điệu lặng mà sâu, buồn mà sáng, như chính cuộc sống của người lính nơi phên dậu.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh không chỉ là một nhạc sĩ mà anh là người sống giữa biên cương như một người con thực thụ của vùng đất ấy. Với anh, sáng tác về biên giới không phải là “đề tài” mà là nghĩa tình, là cách để tri ân những người lính đang ngày đêm giữ từng tấc đất, tri ân bà con đã dang tay, dang cả trái tim mà đùm bọc bộ đội như con cháu ruột thịt. Anh không viết để “được hát”, anh viết để “được kể lại” - những câu chuyện mà nếu không được kể bằng âm nhạc thì sẽ dần rơi vào lãng quên. Chính biên cương đã “cho anh” những giai điệu tuyệt hay. Bởi nếu không yêu, không sống cùng biên giới thì không thể nào chạm đến chiều sâu cảm xúc thật sự. Và chính vì thế, mỗi ca khúc của anh đều mang hơi thở đất trời vùng biên, đậm tình quân dân, không sáo rỗng, không tô vẽ.

ns-tuananh.jpg
Những bản tình ca mang dáng hình biên cương Tổ quốc đã được Đại tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh viết nên thời gian qua.

Trong âm nhạc của Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, biên cương không chỉ là ranh giới lãnh thổ. Biên cương là nơi anh đã sống, đã khóc, đã cười, đã yêu và đã hát. Mỗi ca khúc anh viết là một lời tự sự, một mảnh ghép đời sống và một cái bắt tay từ trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ gửi đến đồng đội, đến đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió.

Và cũng chính từ những bài hát ấy, biên giới trở nên gần hơn, ấm hơn và thiêng liêng hơn trong lòng mỗi người Việt Nam. Với anh, biên cương không chỉ là nơi Tổ quốc được bảo vệ bằng máu, bằng súng, mà còn là nơi trái tim người lính hòa nhịp cùng trái tim nhân dân. Ở đó, âm nhạc không phải để biểu diễn, mà là để lắng nghe, để sẻ chia, để kể lại những câu chuyện không tên nhưng thấm đẫm tình người.

Từ những bản nhạc sâu lắng ấy, anh đã kể lại bằng âm thanh những điều mà lời nói đôi khi không diễn tả được về tình đồng đội, tình quân dân, tình quê hương và đặc biệt là tình yêu dành cho những con người bình dị với nhiệm vụ vinh quang, cao cả nơi phên giậu của Tổ quốc./.

Bài liên quan
  • Chương trình ca nhạc "Nhịp cầu gắn kết": Sự hòa quyện giữa âm nhạc và văn hóa
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2025, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam sẽ tổ chức chương trình ca nhạc "Nhịp cầu gắn kết" với sự góp mặt của hai nghệ sĩ tài năng Sophie de Quay và Simon Jaccard. Sự kiện hứa hẹn mang đến những giai điệu giàu cảm xúc, kết nối khán giả thông qua âm nhạc và văn hóa đa sắc màu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đại tá - NSƯT Nguyễn Tuấn Anh: Viết nhạc giữa mây ngàn, nơi linh thiêng Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO