Văn học - Nghệ thuật

Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975

Bùi Quang Thuận 15:48 01/05/2025

Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.

Là con trai của nhà thơ Quang Dũng, ông đã tiếp nối truyền thống gia đình, đóng góp vào công cuộc bảo vệ và thống nhất đất nước. Bài viết “Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975” trích từ cuốn nhật ký của ông, tái hiện những ngày hành quân đầy gian khổ, những trận đánh khốc liệt và cảm xúc vỡ òa khi lá cờ chiến thắng tung bay trên dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Đây không chỉ là một tư liệu lịch sử quý giá mà còn là lời tri ân tới những người lính đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu để đất nước có được ngày hôm nay. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến độc giả như một lời nhắc nhớ về giá trị của hòa bình và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Buổi lễ xuất quân:

Tôi được về đơn vị pháo cao xạ - loại pháo 37 ly hai nòng chuyên bắn máy bay tầm thấp rất hiệu quả. Tình hình chiến sự thay đổi nhanh chóng vào những tháng đầu năm 1975 ấy. Vừa về đơn vị mới, tôi đã cùng đồng đội nhận lệnh: Gấp rút chuẩn bị đi B (đi B là vào chiến trường miền Nam). Buổi lễ xuất quân sáng hôm ấy thật oai nghiêm và xúc động. Sau lời tuyên thệ và đọc lệnh hành quân của Trung đoàn trưởng trước cả đoàn quân xe pháo chỉnh tề, tất cả mọi người hô vang lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Ngày đi đêm nghỉ, đoàn quân vượt qua giới tuyến ngăn cách hai miền Bắc - Nam trước đây, nay đã thuộc vùng kiểm soát của ta, khoảng 15 ngày cuối cùng của trận chiến là những ngày gian khổ nhất và cũng nhiều ký ức nhất, không thể nào quên.

Trên đường hành quân:

Mới 5 giờ sáng, máy bay trinh sát OV10 và L19 đã thay nhau quần suốt trên cao chỉ điểm cho pháo bắn đì đùng cả ngày vào những nơi nghi ngờ, còn khi thấy mục tiêu, máy bay ném bom lập tức được kêu tới. Gần trưa, chúng phát hiện ra chiếc xe “Gat 51” chở hàng quân nhu của trung đoàn bộ giấu không kỹ ở bìa rừng liền bắn pháo khói. Chỉ dăm phút sau, cứ như trực sẵn, hai chiếc AD6 cánh quạt đã vù đến thả bom và bắn đại liên ngay cách chỗ tôi trú ẩn chỉ vài trăm mét. Lũ AD6 này bay rất thong thả, lượn vòng rồi chúc xuống cắt bom quả một cho tới khi mục tiêu tan tành mới thôi.

Cũng may chúng không phát hiện được gì thêm nên sau vài vòng quần thảo bắn vu vơ, hai chiếc AD6 rút êm. Tới chiều, mọi người tưởng đã yên ổn thì lại nghe tiếng trực thăng to dần. Một lũ tám chiếc “cán gáo” ầm ầm kéo đến, chúng sà xuống, bật cả đèn pha dưới bụng lộn đi lộn lại, thấp tới mức nhìn rõ cả tên lính cắp súng máy ngồi thò chân ra cửa máy bay, có lúc chúng buông cả thang dây như sắp thả quân nhưng rồi lại thôi. Quân ta đã được lệnh sẵn sàng, vẫn phải giữ bí mật tuyệt đối không được bắn khi không có lệnh, chỉ phản công nếu bị phát hiện. Lũ máy bay vẫn lượn ầm ầm ở trên bắt đầu bắn súng máy và phóng đạn cối ùng ùng về phía bìa rừng. Không khí thật căng thẳng, xem ra phải đánh nhau rồi đây. Tụi trực thăng tiếp tục bắn ùng ùng và xả thêm mấy loạt đại liên nữa xuống mặt đất, đột nhiên nâng độ cao lượn thêm vài vòng như để xem lại chiến tích của mình rồi kéo nhau mất hút. Lính ta thở phào nhẹ nhõm, kể cũng lạ, cả một đoàn quân lớn như vậy mà sao chúng không phát hiện ra nhỉ? Những tưởng bị lộ trăm phần trăm rồi chúng mới kéo đến như vậy. Lính tráng có phần ấm ức vì mục tiêu ngon quá, đúng “nghề cao xạ” của mình, chỉ một loạt đạn là “xong phim” ngay. Ở đây, địch chưa biết mùi cao xạ bắn bao giờ nên chúng vẫn ung dung làm chủ bầu trời.

Những thử thách đầu tiên:

Hôm nay làm nhiệm vụ bảo vệ trên không cho bộ binh tiêu diệt bốt Bình Mỹ I cách khoảng 2 kilomet. Đúng 5 giờ 30 phút chiều, pháo lớn và cối của ta bắn dồn dập vào đồn địch. Bọn giặc phản pháo và bắn như vãi đạn ra ngoài, chúng kêu cả pháo nơi khác bắn hỗ trợ để ngăn cản bộ binh ta tấn công. Pháo sáng của địch rực trời, súng bộ binh, súng máy các loại nổ liên hồi. Khói bụi và lửa cháy trùm dần lên căn cứ địch. Chống trả tới 10 giờ đêm thì chúng tháo chạy vì vừa không cầm cự nổi vừa không có tiếp viện, bỏ lại những xác chết và một khung cảnh đổ nát hoàn toàn vì lửa đạn. Thế là vùng giải phóng được mở rộng thêm xuống phía Nam. Tới một giờ sáng, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ mới: Hành quân bám sát bảo vệ cho một đoàn tăng xung kích theo suốt chiến dịch, có khả năng sẽ vào tận Sài Gòn.

Tác phẩm “Trên chặng đường chiến dịch” của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Đoàn xe chậm chạp bò đi trong sự cảnh giác cao độ cho tới rạng sáng thì gặp được đơn vị xe tăng trú quân ven một cánh rừng. Cũng lúc này ở phía Biên Hòa, tiếng súng bắn nhau rộ lên dữ dội, chớp lửa lóe lên liên tục và tiếng nổ dồn từng chập, trận đánh chắc cũng gần lắm. Trên trời, từng đàn máy bay của địch bắt đầu kéo tới, chúng bật đèn pha rồi nối tiếp nhau lao xuống ném bom và bắn đạn lửa. Xem cuộc thả bom lúc tảng sáng này thật ghê gớm, có lẽ có cả bom Napan hoặc trúng kho xăng ở dưới mặt đất nên lửa khói cứ cuồn cuộn bốc lên lớn khác thường, che kín một góc trời. Phải gần một giờ đồng hồ tiếng súng mới ngớt dần, lũ máy bay cũng ngừng ném bom và bay đi hết.

Ngày 28/4/1975:

Phải 8 giờ sáng mới triển khai và ngụy trang trận địa xong, hôm nay đã là ngày 28/4. Nhiệm vụ trong ngày là bảo vệ cho bộ binh và xe tăng tiêu diệt khu đồn Mỹ Chánh, đồng thời bảo vệ cho cả trận địa ca nông 85 của D14, cối 120 của D16 ở cả hai phía trước và sau. Phía Biên Hòa vẫn còn những đám cháy và tiếng súng thưa thớt, lâu lâu mới có một tiếng nổ lớn vọng lại, chắc ta và địch đang kìm chân nhau trong thành phố. Cả ngày rất ít máy bay qua trận địa, mấy hôm liền đều gặp tình trạng dàn xong trận địa thì máy bay không tới nữa. Có lẽ phạm vi hoạt động của chúng thu hẹp dần theo bước tiến quân ta, trên nhận định: Nếu không nhanh chớp thời cơ thì sẽ không được đánh máy bay nữa vì cường độ hoạt động của chúng giảm rất nhanh. Tin chiến thắng dồn dập của ta trên khắp các mặt trận truyền về và nhận định của trên: Cứ đà này chỉ mươi bữa nữa là Sài Gòn thất thủ.

Suốt đêm hôm ấy, ta tấn công các đồn địch ở xung quanh - pháo ca nông và cối của ta bắn lên phía trước, địch phản pháo lại. Tiếng đạn pháo kích, đạn cối bay qua bay lại chi chít trên đầu và nổ quanh trận địa.

Ngày 29/4/1975:

Ngay từ sáng sớm ngày 29/4, pháo kích và đạn cối đã rộ lên ở phía Nam và kéo dài suốt cả ngày. Khu vực trận địa của tôi ở đây có vẻ yên tĩnh hơn, không có tiếng pháo qua lại trên đầu như đêm qua, chỉ có nhiều tốp phản lực bay qua nhưng đều ngoài tầm bắn hiệu quả, nhiều lúc đã báo động cấp I nhưng chúng lại lảng ra cũng chưa bắn được, đặc biệt không thấy bọn L19 hay OV10 lượn lờ nữa. Cho tới khoảng 4 giờ chiều, trinh sát báo cáo: 2 tốp F5 từ phía Nam lên hướng thẳng vào trận địa. “Tất cả bắt mục tiêu”, tiếng đại đội trưởng hô vang. Các pháo thủ thao tác nhanh chóng, đưa mục tiêu vào kính ngắm, nòng pháo đã hướng hết về phía máy bay địch, các khẩu đội trưởng giơ cao cờ đợi lệnh. Tiếng đo xa báo cự ly dồn dập 2400… 2000… 1500… “Tất cả chuẩn bị”, tiếng đại đội trưởng dõng dạc, cờ chỉ huy đã giơ cao, tiếng các khẩu đội báo tiêu! “Bắn!” - cờ chỉ huy phất mạnh, cả trận địa gầm lên, tiếng nổ giòn đanh. Những loạt đạn từ pháo 2 nòng 37 ly đỏ rực vun vút lên bầu trời đón đầu tốp máy bay - đạn toàn vượt trước. “Tiếp tục: Bắn!”, loạt đạn thứ hai… lũ máy bay đã ngang đỉnh trận địa hoảng sợ phát hiện ra pháo phòng không vội vàng lật ngang. Những luồng đạn lửa lần này đã có phần vào giữa đội hình của chúng, nổ bung ra những bông khói xám phía trên tốp máy bay. Một chiếc xì khói nhẹ phía đuôi nhưng vẫn bay mất hút cùng đồng bọn (sau này đơn vị được xác nhận bắn rơi 1 máy bay - nó bị thương và rơi ở chỗ khác) tiếc là không bắn rơi tại chỗ được cái nào.

Đêm 29/4/1975:

Đêm, ta tiến công toàn tỉnh Thủ Dầu Một, pháo kích liên tục bắn qua bắn lại trên đầu. Khoảng 12 giờ khuya, địch phản pháo vào trận địa ca nông 85 và rộng ra cả khu vực đơn vị đang rải quân. Đạn nổ ghê sợ nối tiếp nhau, mặt đất rung chuyển sau mỗi tiếng nổ gần, đất đá rơi rào rào.

Cuộc đấu pháo lúc chuyển gần, lúc giãn xa, có cả tiếng pháo lớn 130 ly của ta bắn tới và “vua chiến trường” 175 ly của địch đáp trả. Tiếng đạn tầm xa này rất đặc biệt, đi rất cao u…u… rồi mất hút, chìm trong các loại tiếng nổ khác. Cuộc đấu pháo dai dẳng cứ thế kéo dài tới mờ sáng mới chấm dứt. Điểm lại quân số báo cáo nhanh chỉ có bên 85 một khẩu đội trúng đạn có thương vong, không rõ cụ thể, rải rác mấy chiến sĩ nữa bị thương chuyển tuyến sau, xe pháo có một vài trầy xước do mảnh đạn và đất đá văng vào, còn lại an toàn.

Ngày 30/4/1975:

Sáng 30/4 chuẩn bị hành quân theo đội hình xe tăng - sẵn sàng chiến đấu trong bất cứ tình huống nào, mỗi khẩu đội thường trực ba pháo thủ trên mâm pháo để có thể vừa chạy vừa bắn được ngay, còn lại trên xe xếp ba lô, đồ đạc sang hai bên, người nằm trong chĩa súng ra. Đường tiến quân hôm nay xác định rất nguy hiểm, qua nhiều đồn bốt địch giữa ban ngày, phối hợp với xe tăng và bộ binh tiến về thị xã Bình Dương, từ đây chỉ còn khoảng 40 kilomet nữa là tới Sài Gòn. Với khí thế này chắc chỉ ngày mai thôi là tới Sài Gòn. Lệnh trên đưa xuống: Phải khẩn trương qua đoạn đường này kịp chi viện cho tuyến trên.

Chứng kiến trận địa pháo như diễn tập:

Xa xa đã nhìn thấy khu đồn địch như một thành phố nhỏ kéo dài hàng kilomet nối liền vào những làng mạc phía sau, nhiều nơi đang bốc lửa to dần. Gần đến nơi cách khoảng 2 kilomet thì gặp trận địa pháo lựu 122 ly của D10 dăng hàng thẳng tắp trên mặt đất trống ven một bãi cỏ dài cao ngang lưng người. Hàng chục khẩu pháo đang liên tục nã đạn vào đồn địch, không có hầm hố, ngụy trang gì hết. Cả một trận địa pháo lớn dàn ra như diễn tập, hạ nòng gần như bắn thẳng vào đồn thù. Ta cảm giác mỗi loạt bắn như cầm những viên đạn ném đi tới đích. Lần đầu tiên, tôi ngây người ra nhìn cảnh cận chiến của pháo binh diễn ra trước mắt. Quá đẹp trong thế áp đảo của quân ta, địch không hề bắn lại một phát nào, chỉ có tiếng súng bộ binh giao tranh phía trước và pháo ta bắn mà thôi.
Lúc này, đoàn xe tăng vượt lên trước nhằm thẳng nơi súng đạn đang nổ dữ dội ấy xông lên, còn đơn vị pháo của tôi tiến thêm tới một khu nghĩa địa cách đồn địch khoảng 1000m thì đặt pháo dàn trận ở đây.

Pháo lựu 122 ly cũng đã ngừng bắn cho bộ binh và xe tăng xông vào đột phá. Địch vẫn ngoan cố chống cự bên trong các công sự kiên cố, chờ đợi viện binh tới giải cứu, với tất cả các loại hỏa lực có trong tay, chúng bắn như vãi đạn và đã bắn cháy một rồi hai chiếc xe tăng của ta. Để hỗ trợ cho bộ binh, pháo 37 ly được lệnh hạ nòng bắn uy hiếp trực tiếp vào căn cứ địch. Các bộ phận trinh sát, đo xa khẩn trương báo cự ly cho pháo thủ lấy phần tử bắn trên máy ngắm quang học của pháo. Với mục tiêu cố định và khoảng cách thế này thì hầu như pháo phòng không ngắm đâu trúng đó. Từng chùm đạn lửa và đạn xuyên như hỏa tiễn bắn thẳng vùn vụt nổ tung, phá vỡ các mục tiêu nhô cao còn sót lại và các ổ đề kháng ngoan cố chống cự khiến quân địch khiếp vía kinh hoàng. Có lệnh phát ra: Ngừng bắn! Thời cơ tốt cho bộ binh và xe tăng tràn lên tiêu diệt, bắt sống bọn giặc còn sống sót, quân ta đã làm chủ hoàn toàn trận đánh.

Vị trí trọng yếu của địch bị tiêu diệt:

Đây chính là căn cứ Phú Lợi, một vị trí trọng yếu ở phía Bắc Sài Gòn đã bị phá toang. Cửa ngõ đã mở, quân ta ào ạt tràn qua tiến về phía Thủ Dầu Một và sâu hơn nữa. Đơn vị pháo cao xạ của tôi không theo đoàn tăng và bộ binh nữa mà vẫn chiếm giữ trận địa tại bãi nghĩa trang này. Cho tới đầu giờ chiều, mọi người bỗng phát hiện một đoàn chiến xa, xe bọc thép khoảng gần 50 chiếc các loại của địch trên con lộ phía ngoài khu căn cứ, nơi bị đánh tan hoang lúc sáng cùng rất đông binh lính cắm cờ trắng ra hàng.

Niềm vui trong ngày chiến thắng:

Tới tận hơn 4 giờ chiều, tin ta đã chiếm Sài Gòn, dinh Độc Lập về tay quân giải phóng, tổng thống Việt Nam cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện mới được thông báo. Tiếng hò reo ầm ầm mừng chiến thắng âm vang suốt mấy cánh đồng đơn vị đang rải quân. Thật sự là nỗi vui mừng không thể tả, chúng tôi quên hết những vất vả, gian nan khi vượt qua dãy Trường Sơn, vượt quãng đường hàng ngàn cây số với cả mấy ngàn con người cùng binh khí, khí tài quân sự, để tham gia trong chiến dịch lịch sử mang tên Bác kính yêu. Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kết thúc ở Sài Gòn trưa 30/4/1975.

Ảnh trước ngày lên đường. (Anh Bùi Quang Thuận người thứ ba từ phải sang)

Sau bữa ăn chiều ồn ào và phấn khích đó là lệnh hành quân, mọi người nhanh chóng thu xếp quân trang, xe pháo, khí tài, tập trung và lên xe. Đoàn xe bật đèn pha sáng trưng nối đuôi nhau chạy thẳng ra đường lớn.

Cứ như vậy, đoàn xe chạy khoảng gần nửa giờ giữa các loạt pháo sáng, pháo dù và thỉnh thoảng xen những loạt đạn đì đùng gần xa khắp nơi rồi rẽ vào một trận địa pháo của địch mới rút đi không lâu. “Xuống xe, chúng ta nghỉ ở đây”, lệnh của đại đội trưởng. Các khẩu đội cho anh em nhận nhà, cắt gác cẩn thận, phải rất chú ý vì xung quanh là những bãi mìn lẫn rào kẽm gai và có thể còn cả những kẻ chống đối lẩn trốn trong rừng hoặc trong dân.

Những khẩu pháo 105 ly và 155 ly còn nằm nguyên trong công sự với các hòm đạn, hòm liều phóng và cát tút đã bắn chất đống ngổn ngang chứng tỏ địch ở đây bắn khá nhiều trong trận chiến vừa qua. Cả đêm 30/4/1975 ấy, tiếng trò chuyện râm ran khắp doanh trại, không ai ngủ được vì mừng vui.

Tự hào xen lẫn niềm vui, cả một lớp người như tôi ở trong tâm thái ấy, được chứng kiến giờ phút thay đổi của đất nước.

Cuốn nhật ký của tôi dầy lên theo từng ngày hành quân, thành một tư liệu quý làm sống lại cả một quãng thời gian oanh liệt của đơn vị trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh. Riêng tôi có làm một bài hát tham gia chương trình văn nghệ của sư đoàn sau đó được lấy làm ca khúc truyền thống của Trung đoàn 186 với tựa đề: “Khúc ca pháo binh đoàn Chiến thắng”./.

Bài liên quan
  • VTV với hành trình truyền cảm hứng: 50 năm thống nhất - Bản hùng ca xuyên thế kỷ
    Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông đặc biệt – một bản giao hưởng truyền hình đa nền tảng, giàu cảm xúc và chiều sâu tư tưởng, đưa công chúng sống lại những thời khắc lịch sử và khơi dậy khát vọng dựng xây tương lai.
(0) Bình luận
  • 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển cùng đất nước
    Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước...
  • Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam khai mạc trại sáng tác tại Hà Nam
    Trại sáng tác diễn ra từ ngày 11 - 17/4, với sự tham gia của 26 tác giả trong lĩnh vực văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam và tác giả thuộc hội chuyên ngành Trung ương.
  • Phát hành cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đơn vị vừa phát hành cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh”.
  • Ra mắt bộ sách ảnh “Saigon 365” chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng và con trai - Nguyễn Huỳnh Bách, vừa ra mắt bộ sách ảnh streetlife (Cuộc sống đường phố) mang tên “Saigon 365” tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh.
  • Cơ hội khám phá thế giới sách tranh thiếu nhi UK
    Từ ngày 21/3 đến ngày 28/3/2025 tại NXB Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội sẽ diễn ra "Tuần lễ sách tranh thiếu nhi UK: Khám phá, Mơ mộng, Sáng tạo". Đây là một hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm giới thiệu tinh hoa sách tranh thiếu nhi Anh quốc đến độc giả Việt Nam.
  • Phát động Cuộc thi văn xuôi “Trang viết và cuộc sống"
    Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phát động Cuộc thi Văn xuôi “Trang viết và cuộc sống” trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình năm 2025 với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO