Văn hóa – Di sản

“Bảo tồn thích ứng” thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh đền Sóc

Phương Anh - Ngân Hà 09/05/2023 06:30

Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc không chỉ lưu giữ, tiếp truyền những giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc mà còn tạo dựng nên điểm đến du lịch tâm linh độc đáo của Thủ đô.

dsc09618.jpg
Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc mang vẻ uy nghi, trầm mặc.

Dấu ấn lịch sử - văn hoá trường tồn của dân tộc

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, hay còn gọi là đền Gióng Sóc Sơn được xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 980), là nơi thờ Thánh Gióng - một trong “tứ bất tử” của văn hóa dân gian Việt Nam.

Thánh Gióng là một trong những thiên huyền thoại đẹp đẽ và hoành tráng nhất của người Việt, thể hiện tinh thần và sức mạnh đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sức sống của hình tượng vị anh hùng Thánh Gióng trong dân gian đã trở thành ký ức cộng đồng vô cùng sâu sắc, tồn tại “ăn sâu bám rễ” trong tiềm thức mỗi người dân về một biểu tượng văn hóa có tầm vóc đặc biệt.

Theo PGS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, hình tượng Thánh Gióng sở dĩ có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân vì tính dân tộc được thể hiện rất rõ. Thánh Gióng nảy sinh ra từ hoàn cảnh lịch sử, từ vị trí địa lý của cư dân bản địa nên Thánh Gióng được người dân tôn vinh là biểu tượng cho chống giặc ngoại xâm. Bởi người Việt Nam từ cổ chí kim luôn phải thực hiện hai nhiệm vụ cao cả nhất, đó là dựng nước và giữ nước.

dsc09630.jpg
Tượng thờ đứng Thánh Gióng tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Gióng chính là trung tâm thực hành tín ngưỡng cao nhất để con cháu người Việt tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của Thánh Gióng. Ngày nay, di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc đã và đang lưu giữ giá trị, bản sắc văn hóa tín ngưỡng đó, là chứng tích cho trang sử hào hùng của dân tộc.

Chia sẻ với phóng viên Người Hà Nội, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích Đền Sóc Nguyễn Nam Nho cho biết: “Trong “nồi lẩu văn hoá” văn hoá Việt Nam, văn hoá Gióng và văn hoá Hùng Vương là hai văn hoá rất riêng. Tại quần thể di tích đền Sóc, có ba văn hoá Gióng đang hiện hữu và được lưu giữ. Một là văn hoá tre, hai là văn hoá trận, ba là văn hóa phồn thực.”

Tre gắn liền với văn hoá và lịch sử Việt Nam. Tự xa xưa, tre được sử dụng trong đời sống hàng ngày của người Việt: Tre dùng để dựng nhà, làm công cụ sản xuất, làm đồ dùng sinh hoạt, tiêu biểu như chõng tre, đũa tre,… Đặc biệt, trong cuộc chiến bảo vệ bờ cõi, tre được Thánh Gióng dùng làm vũ khí chiến đấu. Những rặng tre hàng trăm năm tuổi tại đền Sóc đang chứng minh cho giá trị trường tồn đó.

Về văn hoá trận, đó là tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng bảo vệ tổ quốc khi vị Phù Đổng Thiên Vương - đức Thánh Gióng dẹp giặc Ân. Nét văn hoá này được nhìn nhận rõ nét qua kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn, tái hiện lại trận đánh giặc Ân trong hội Gióng.

Tên gọi Gióng cũng có những lý giải mà chúng ta thấy liên quan đến văn hoá tín ngưỡng phồn thực. Gióng (trong Thánh Gióng) hay Dóng được các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng cho rằng có cội nguồn từ giông, cơn giông. Chi tiết Gióng dùng gậy sắt, ngựa sắt, mặc áo giáp sắt... đi đánh giặc trong truyện Thánh Gióng gợi sự liên quan đến những trận giông bão phát sinh ra sấm sét tạo thành những cơn mưa hạ cần cho đồng ruộng. Ngoài ra, nhiều người cho rằng văn hoá phồn thực còn được thể hiện qua tục thờ hoa tre trong lễ hội Gióng. Hoa tre được cắm lên thành dò gợi sự liên tưởng tới bó lúa vàng óng ngày mùa của cư dân nông nghiệp nước ta.

hoatredocx-1549347789218.jpg
Dò hoa tre trong lễ hội Gióng đền Sóc.

Trải qua bao thăng trầm của tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những giá trị lịch sử, văn hoá của đền Sóc vẫn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc.

Năm 1962, Quần thể di tích đền Sóc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Quần thể di tích đền Sóc là Di tích Quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, lễ hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội lớn của Sóc Sơn nói riêng và cả nước nói chung, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010.

“Bảo tồn thích ứng” trong giai đoạn mới

Dựa trên những giá trị di tích, lịch sử và văn hoá trường tồn đó, nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng. Đặc biệt, theo chiến lược phát triển du lịch của TP Hà Nội, vị thế quan trọng của quần thể di tích đền Sóc trong đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc là yếu tố then chốt đưa nơi đây thành một trong những điểm du lịch tâm linh độc đáo của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Để đạt được mục tiêu đó, phương pháp “bảo tồn thích ứng” được xem như “chìa khoá vàng” thúc đẩy sự phát triển của du lịch văn hoá, tâm linh đền Sóc. Đây là phương pháp bảo tồn gìn giữ, chuyển tiếp, bổ sung giá trị và có sự sáng tạo để tiếp tục đưa di sản sống với xã hội đương đại mà khu di tích đền Sóc đang được áp dụng thực hiện.

Cụ thể, UBND huyện Sóc Sơn cùng Trung tâm Quản lý Khu di tích đền Sóc đã thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Gióng tại đền Sóc – di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó tuyên truyền khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta; đồng thời giới thiệu và quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn với du khách trong và ngoài nước nhằm phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội.

vnapotalhanoikhaihoigiongxuanquymao20236558239-16747900052552038823443-crop-16747900541831462362931-1-.jpg
Kịch trường văn hoá dân gian rộng lớn trong Hội Gióng đền Sóc năm 2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, khu di tích đã trải qua 13 lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng nhiều cổ vật có giá trị. Trung tâm Quản lý Khu di tích đền Sóc luôn chú trọng tôn vinh, giữ gìn và bảo tồn giá trị kiến trúc, những nét độc đáo của quần thể di tích đền Sóc. Việc triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo đền, chùa bảo đảm yếu tố nguyên gốc của di sản. Đối với những công trình, hiện vật bị xuống cấp do thời gian tác động, Ban quản lý chỉ đạo tu bổ theo đường nét, chất liệu nguyên bản nhất có thể.

dsc09570.jpg
Bức tượng ông lợn tại Miếu Ông Lợn được làm từ vôi, mật mía giấy bản nhưng phần mũi đã bị hỏng qua quá trình thay đổi của thời gian, tượng này được trát lại sao cho vẹn nguyên nhất với hình dáng ban đầu.
dsc09626.jpg
Chữ Thọ trước ban thờ Đức Thánh Gióng, đã tồn tại từ rất lâu, do thời gian mai một cũng dần bị bào mòn, Ban Quản lý cũng đã tu bổ để giữ được nét cổ kính nhất.

Ngoài ra, việc xây dựng bổ sung các công trình, không gian văn hóa sáng tạo tại đền Sóc đều gắn với bảo vệ cảnh quan và mang tính bền vững. Trung tâm thêm mới, trồng bổ sung nhiều cây xanh, đặc biệt là nhân giống rặng tre ngà cùng nhiều loài thực vật quý hiếm khác. Cảnh quan xung quanh được bày trí nhiều không gian tiểu cảnh vào những dịp lễ, Tết, tái hiện nét văn hoá đặc trưng của người Việt nhằm phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch.

Tất cả các công trình, dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo diện mạo mới và thuận tiện cho du khách đến thăm viếng Đền Sóc, mang đến dáng dấp của một quần thể di tích tự nhiên, hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng. Khách đến hành hương không chỉ cúng lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn được thưởng ngoạn cảnh quan tươi đẹp và tận hưởng bầu không khí trong lành của rừng cây, hồ nước vùng đất bán sơn địa.

Bà Dương Thị Hồng, đến từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là du khách tham quan đền Sóc chia sẻ: “Đến nơi thờ tự Thánh Gióng tại đền Sóc, tôi rất xúc động bởi tinh thần yêu nước và lòng biết ơn vị anh hùng dân tộc Phù Đổng Thiên Vương được trỗi dậy. Cảnh quan di tích lịch sử nơi đây cũng rất đẹp, vừa cổ kính, uy nghiêm, vừa có nhiều phong cảnh mới mẻ, hiện đại được bổ sung.”

dsc09528.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm tại quần thể di tích đền Sóc.

Những phản hồi tích cực của du khách là tín hiệu cho thấy, việc bảo tồn di tích, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại đền Sóc đang có nhiều khởi sắc, ngày càng hấp dẫn khách du lịch.

Hiện nay, huyện Sóc Sơn đã xây dựng một số Tour du lịch gắn đền Sóc với chùa Non nước, Phủ Thành Chương, Núi Đôi, Núi Hàm Lợn (nóc nhà Hà Nội)... Dự án này mong muốn khai thác thêm tuyến du lịch cho đền Sóc bằng cách kết nối khu trung tâm đền Sóc với một số thôn có thờ Thánh Gióng và môt số làng nghề ở xung quanh không gian đền; tạo thành một sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng du lịch di sản, văn hóa và trải nghiệm với đời sống nông thôn.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, tiềm năng, nhưng việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh vẫn chưa được khai thác hiệu quả tối đa.

Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích Đền Sóc cho biết: “Trong vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích theo chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, ngoài việc giữ gìn và tu bổ những giá trị văn hóa còn lại của di tích, chúng ta cần phải phát huy những giá trị đó một cách bài bản và đúng luật. Di tích muốn trường tồn thì cần được nhiều người biết đến, cần được quảng bá rộng rãi đến đông đảo du khách và nhân dân địa phương”.

Dó đó, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần dân tộc là nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu: Tăng cường khuyến khích trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ kế cận; nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tuyên truyền, quảng bá Tín ngưỡng Thờ cúng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với định hướng khai thác những giá trị nổi trội về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, có thể thấy, “bảo tồn thích ứng” đã và đang trở thành cội nguồn góp phần thúc đẩy du lịch văn hoá, tâm linh tại khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc nói riêng, các di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội nói chung; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững./.

Bài liên quan
  • Phát huy giá trị di tích lịch sử Đền Sóc
    Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô luôn được quan tâm, chú trọng. Điều này đã thể hiện rõ tại Khu di tích lịch sử đền Sóc – nơi những dấu ấn kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng nhiều cổ vật có giá trị vẫn được gìn giữ. Năm 2021, Khu di tích này đã được TP. Hà Nội trao chứng nhận điểm du lịch của Thủ đô. Đây là sự khẳng định những giá trị to lớn về vă hóa, lịch sử, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch cho khu di tích này.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ngắm nhìn mùa hè rực rỡ qua triển lãm “Bóng nắng - Sự phản chiếu”
    Sáng 8/5, phòng tranh đương đại Gate Gate Gallery (55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội ) đã chính thức giới thiệu triển lãm "Bóng Nắng - Sự phản chiếu | The Sun's Reflection”. Đây là triển lãm đầu tay của họa sĩ Lê Quỳnh Anh sau hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm ngôn ngữ hội họa cá nhân của họa sĩ.
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Có một Hà Nội đẹp riêng đến lạ
    Một ấn tượng khó quên trong tôi khi đến Hà Nội là trải nghiệm đi xe buýt Hà Nội. Có người đùa vui rằng “Hà Nội không vội được đâu” và khuyên tôi muốn đi nhanh, đi vội thì bắt taxi hay Grabbike. Nhưng tôi muốn “không vội” để khám phá xe buýt ở Hà Nội như thế nào, có khác gì với xe buýt ở quê tôi không.
  • Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm sẽ cưỡng chế thu hồi đất xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu
    UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ban hành các Quyết định từ số 1004 đến 1016/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 về cưỡng chế thu hồi đất đối với 13 chủ sử dụng đất nằm trong mốc giới thu hồi của Dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thời gian cưỡng chế dự kiến trong ngày 22/5/2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
  • Triển lãm giao lưu mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội
    Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên  Hội Mỹ thuật 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 thành phố lớn.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • "Những ngày Văn học châu Âu" tại Việt Nam: Giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính
    “Những ngày văn học châu Âu” sẽ diễn ra từ nay đến 19/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính.
  • Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.
  • Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương
    Để phát huy hơn nữa hoạt động quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương phục vụ du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế.
  • Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tổ chức triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân các chiến sĩ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên (30/7/1954 – 30/7/2024), Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội), Hội Cựu chiến binh và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Bảo tồn thích ứng” thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh đền Sóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO