Tiến sĩ sử học người Mỹ Keith Taylor năm 1983 khi đến thăm đền Hùng đã ghi: “Các vua Lạc, đó là sự tồn tại buổi bình minh của Việt Nam”.
Tiến sĩ sử học người Mỹ Keith Taylor năm 1983 khi đến thăm đền Hùng đã ghi: “Các vua Lạc, đó là sự tồn tại buổi bình minh của Việt Nam”. Thời đại các vua Hùng với kinh đô có nhiều dấu tích ở làng Cả (Việt Trì) đang được các giới lịch sử, khảo cổ, dân tộc học... khám phá. Thời Hùng Vương cũng có thể tìm ở nghi lễ, phong tục đặc biệt trong thức cúng ẩm thực ở lễ hội dân gian. Thức cúng nhằm dâng thần, từ một truyền thuyết và cũng từ đặc sản của địa phương cũng là món ăn thường nhật từ sản phẩm nông nghiệp nhưng khi yến ẩm trong lễ hội giữa muôn người, ta thấy ngon hơn, sảng khoái hơn vì đó là lộc, là khước của trời đất thần thánh ban tặng cho con người.
Thăng Long - Hà Nội có bề dày lập đô gần nghìn năm nếu tính từ vua Lý Thái Tổ (năm Thuận Thiên 1010), chậm hơn Đất Tổ 4000 năm. Mặc dù quá trình đô thị hoá, hiện tượng văn hóa làng trong phố vẫn giữ vững với người Tràng An đánh giặc giỏi, làm ăn tài và vui chơi nhã.
Cỗ làng đi vào những câu ca bình dân:
- Người ơi người có nhớ quê
Giò Chèm, nem Vẽ quạt lá đề
như xưa.
(Hội Vẽ, quận Bắc Từ Liêm)
- Bánh dày, bánh cuốn chè lam
Tượng trưng truyền thống thi làm
lương khô.
(Hội Đại Tự, huyện Hoài Đức)
- Tháng tư mồng Tám hội thề
Xôi chè, cơm trứng tích về đón vua,
(Hội Đồng Cổ - Nguyên Xá - quận Bắc Từ Liêm)
- Đông Cao có lệ bó mo
Tráng Việt có lệ đi mò ăn đêm
(Hội Đông Cao, huyện Mê Linh)
- Dù ai chồng rẫy vợ chê
Bánh “Bác” Giang Xá lại về với nhau
(Hội Giang Xá, huyện Hoài Đức)
Bánh “Bác” kiểu bánh chưng dài của dân tộc Tày nhưng khác vỉ gạo nếp trộn gấc...
Bánh bác - đặc sản của làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội
Cỗ làng đi vào phương ngôn: Cháo Dương, tương Sủi (Hội Dương Xá - huyện Gia Lâm); Bánh dầy nếp cái, con gái họ Ngô (Hội Tả Thanh Oai - Thanh Trì); cỗ Dương Đanh, hành làng Nội (Hội Dương Đanh - huyện Gia Lâm); Giỗ Quỳnh Lôi, xôi Thượng Cát (quận Hai Bà Trưng và quận Bắc Từ Liêm); Xôi gấc làng Gạ, hỉ hả tháng Giêng (Hội Phú Gia - quận Tây Hồ); Cá đồng Tran, khoai lang đồng Trữ (Hội Phú Hoa Trang - huyện Chương Mỹ); Cơm Văn Giáp, táp cầu Dền (Hội Văn Giáp - huyện Thường Tín); Nước giếng Nghè, chè Cam Lâm (Hội Đường Lâm - thị xã Sơn Tây)...
Không chuộng mâm cao cỗ đầy, nhiều làng quê vẫn giữ nét mộc mạc trong bữa cỗ. Làng Đậu Hạ (huyện Gia Lâm) có cỗ bánh dày, bánh phu thê. Làng Hòa Xá (huyện Thanh Trì) làm cỗ chỉ có liễn cơm tẻ, bát canh đậu xanh, cà muối xổi. Làng Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) chỉ có bánh dày, chè kho, cơm nắm và đĩa nộm giá muối vừng cùng rau ghém trộn. Làng Cổ Loa (huyện Đông Anh) dùng cỗ bỏng chủ, chè lam mời khách cùng xôi chè, oản quả. Làng Bình Đà (huyện Thanh Oai) hội ngày 6/3 có tục rước cúng 100 phẩm oản, 100 quả chuối, 100 miếng cau... tượng trưng cho lễ phẩm dâng lên 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Làng còn dâng lễ bánh vía gồm nước trong (1 bát), trầu cau (1 tráp), tiền mã (100 tờ), oản lớn (12 phẩm), bánh chay (bánh vía 3 viên) đậy kín trong đài.
Làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ) cúng bánh trôi gọi là viên tù tì. Bánh trôi nặn 100 viên theo hình quả trứng sau khi tế. Hai Bà Trưng thì đem 49 viên đất vào, các bông sen thả xuống dòng Hát (một nhánh của sông Hồng). Tục lệ trước ngày 6/3 không một gia đình nào được ăn bánh trôi…
Làng Kim Liên (quận Đống Đa) thờ Cao Sơn có tục làm cỗ 7 tầng trong ngày hội xuân 16/3 (Âm lịch) cỗ xếp từ dưới lên: tầng 1 xôi gấc, tầng 2 bánh chưng, tầng 3 bánh dày, tầng 4 bánh xu xê (phu thê), tầng 5 bánh cốm, tầng 6 quả táo, tầng 7 ông Lã Vọng cấu tạo bằng con gà luộc.
Làng Vân Gia (thị xã Sơn Tây) có hội vào ngày 15 tháng Giêng và 15 tháng chín. Trai nhiều làng khác phải đánh được 99 con cá trắng to để làm tiệc cá dâng thánh Tản Viên. Già làng chế biến thành món cá mổ moi, bỏ mật, cho gừng vào rồi luộc chín. Món cá nướng cũng mổ moi cho gừng vào bụng, ướp cá bằng lá nghệ, sau đó lấy chảo úp lên cá rồi cời than củi đỏ hồng phủ kín chảo, khi nào than lụi thì mở chảo lấy cá... Làng còn món gỏi cá bằng cách trộn thịt cá với giò chuối (hoa chuối) trộn vừng già, nước canh quả. Món nham cá là dùng ruột cá trộn mật, gừng muối đem đun sôi để làm nước chấm cùng cá nướng, cá gỏi.
Điểm qua cỗ trong hội làng, có thể thấy ông cha ta rất tinh tế trong ẩm thực. Qua ẩm thực của hội làng cũng có thể hiểu được phần nào nét sinh hoạt trong đời sống, bản sắc đậm đà của dân tộc ta trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu về ngày giỗ Tổ các vua Hùng trên báo Nhân Dân ngày 26/4/1969 thì: “Ôn cũ biết mới, ta nghiên cứu buổi bình minh ban đầu của dân tộc ta để càng thêm sáng tỏ cái mới của nước ta, của thời đại ngày nay, khi dân ta cùng nhân dân thế giới thực hiện bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”.