Văn hóa – Di sản

Vương Duy Trinh – nhà chính trị, nhà biên khảo, nhà thơ

Phạm Văn Hưng 20/11/2023 09:50

Vương Duy Trinh sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tự là Tử Cán, hiệu Hương Trì, ông còn có hiệu là Đạm Trai, người xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trước ông khoảng một thế kỷ, Vũ Huy Tấn (1766 - 1810) người xã Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cũng từng lấy hiệu là Đạm Trai.

Ngày trước, nhà Nho vốn trọng văn hiến nhưng số sách vở mà tầng lớp này để lại đến ngày nay không còn nhiều, đặc biệt là các sách vở, thư tịch về biên khảo. Trong kho sách Hán Nôm, số thi văn tập chiếm một tỉ lệ lớn. Điều này là sản phẩm của cung cách đào tạo thời đó và như Phan Huy Chú từng nói: “Văn chương của cổ nhân thường chia ra hai lối mà người ta vẫn có ít ai kiêm được cả hai. Người có cái học chuyên về trước thuật thì phần lớn kém ở lời văn hoa mĩ; trái lại, người có tài ngâm vịnh thì nói chung lại thiếu sự uyên bác. Có tài mà kiêm được hai phương diện ấy thực khó lắm thay!” (Từ trong di sản, 1981). Lịch sử nước nhà thời trung đại chỉ để lại không nhiều những gương mặt “kiêm bị” như vậy. Vương Duy Trinh (? - ?) là một trong những người như thế.

Vương Duy Trinh sống vào giai đoạn cuối thế kỷ.XIX - đầu thế kỷ XX, tự là Tử Cán, hiệu Hương Trì, ông còn có hiệu là Đạm Trai, người xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trước ông khoảng một thế kỉ, Vũ Huy Tấn (1766 - 1810) người xã Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cũng từng lấy hiệu là Đạm Trai. Theo một số tài liệu tộc phả, ông khởi tổ của dòng họ này vốn đã lâu đời, con cháu không còn ghi chép được, chỉ biết theo truyền khẩu rằng dòng họ Vương Duy Trinh xưa là người gốc Minh Hương, sau phát triển làm nhiều nhánh khác nhau. Vương Duy Trinh vốn là người thông minh, ham học, ham hiểu biết, đặc biệt là những tri thức ngoài kinh điển. Năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức 23 (1870) ông đi thi và đỗ Cử nhân dưới triều Dực Tông hoàng đế. Là một người có uy tín trong triều, ông được giao một số chức trách quan trọng. Theo hồi kí của ông Nguyễn Văn Mại (1858 - 1945), Vương Duy Trinh từng làm Tổng đốc Quảng Nam, vùng đất nổi tiếng với bản tính “hay cãi”. Điều này chứng tỏ Vương Duy Trinh là một người được triều đình khá tin tưởng khi giao cho chức trách tỉnh thần của một vùng đất nổi tiếng hiếu học và ngạnh trực như vậy. Năm 1898, vị quan đã từng trở thành biểu tượng của ngành tuồng Việt Nam - Đào Tấn - đến Quảng Nam nhậm chức thay Vương Duy Trinh. Vương Duy Trinh lúc đó được điều về kinh sung vào Hội đồng chấm thi Hội, sau đó ông được thăng làm Bố chánh rồi Tổng đốc Thanh Hóa.

Là một người ham mê tìm tòi và có tâm với truyền thống văn hiến của dân tộc, khi làm Tổng đốc Thanh Hóa, ông đặc biệt lưu tâm đến những biểu hiện hoặc dấu tích văn hóa của vùng đất này. Năm 1904, trong cương vị Tổng đốc đầu tỉnh, ông đã soạn Đông Sơn huyện văn chỉ bị kí ghi chép đầy đủ tên những người đỗ đại khoa trong suốt 27 khoa thi từ năm 1247 đến 1844 của huyện này, với 446 vị Tiến sĩ. Sống trong một thời đại mà mọi biểu hiện hành xử của mỗi con người, ở những cương vị cao, rất dễ bị quan chiêm và trở thành tư liệu “nghị án” của sử bút, ông tập trung sự chú ý và đam mê của mình vào biên khảo. Các nhà nghiên cứu sau này mỗi khi “đụng” tới Thanh Hóa đều khó có thể bỏ qua hai công trình Thanh Hóa kỉ thắngThanh Hóa quan phong của ông. Có lẽ do ảnh hưởng điểm của bậc tiền bối Lưu Công Đạo, Tri huyện Vĩnh Lộc, trong cuốn Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí (viết vào năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long 15 (1816)) nên ông coi việc người làm quan phải hiểu sâu về địa chí của địa phương do mình trị nhậm là đương nhiên và đúng ra đề xướng, chủ trương, tổ chức biên soạn hai cuốn sách nói trên. Trên thực tế, để biên soạn hai cuốn sách đó, Vương Duy Trinh không thể "lấy tay che trời” mà thực sự ông đóng vai trò tập hợp trí tuệ tập thể trong cương vị một tổng công trình sư, một người “chủ biên”. Nhìn vào ê kíp làm việc biên khảo cùng ông là một danh sách các nhà khoa bảng thuộc quyền như: Cử nhân Hoàng Ngã Kì Khanh - Tri phủ Hà Trung, Cử nhân Trần Danh Phương - Tri phủ Thọ Xuân, Cử nhân Tôn Thất Đàn - Tri huyện Hậu Lộc, Cử nhân Nguyễn Duy Thanh - Huấn đạo Cẩm Thủy..; hơn nữa, có cả những vị đại khoa đỗ đạt cao hơn ông như Tiến sĩ Phan Hữu Nguyên (tức Phan Quang) - Tri huyện Nông Cống, Phó bảng Nguyễn Văn Đàm - Tri phủ Yên Định... Từ đây có thể thấy ở ông một năng lực lãnh đạo bao quát, tập hợp nhân tài và đặc biệt là khả năng khéo léo, mềm dẻo trong cách ứng xử với tầng lớp trí thức cấp cao trong tỉnh lúc bấy giờ. Là một người vốn khiêm nhường, hẳn ông không thể “hợp” được với thái độ mà ông cho là “kiêu ngạo” của Phó bảng Hoàng Mậu - Tri huyện Quảng Xương, Giáo thụ Thọ Xuân. Công trình Thanh Hóa kỉ thắng đã được Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền trân trọng viết lời bạt, góp phần khẳng định thêm giá trị của công trình biên khảo địa phương chí điển hình này. Công trình có dung lượng khoảng 27.000 chữ, mô tả khá đầy đủ về tỉnh Thanh trên nhiều phương diện, được hoàn thành năm Thành Thái 15 (1903) khi mà xã hội Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trên chặng giao thời - đoạn chuyển tiếp giữa thời trung đại và hiện đại.

Bên cạnh khả năng tập hợp lực lượng, Vương Duy Trinh còn là người biết phát huy sáng tạo cá nhân một cách mạnh mẽ và có một niềm đam mê sâu sắc với văn hóa dân gian. Tác phẩm Thanh Hóa quan phong là một công trình tập hợp được nhiều câu ca dân gian trên gần khắp địa bàn Thanh Hóa, từ các phủ huyện miền xuôi đến các châu miền núi. Bên cạnh đó tác phẩm còn tập hợp được khoảng 500 thổ âm bằng chữ viết của người miền núi (có chua cả chữ Hán). Qua khảo sát, ông khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa một châu quan, có chữ là lối chữ Thập châu đó. Người ta thường nói rằng nước ta không có chữ. Tôi nghĩ rằng không phải. Thập châu vẫn là đất nước ta, trên châu còn có chữ, lẽ nào dưới chúng lại không? Lối chữ châu là lối chữ nước ta đó (...). Từ sau Sĩ Vương dạy lối chữ Trung Quốc mà lối chữ nước ta bỏ hết. Thập châu bởi là nơi biên viễn nên lối chữ ấy vẫn còn...”. Điều này thể hiện lòng trân trọng của ông đối với văn hiến dân tộc. Cùng với những gương mặt như Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Thận Duật, Phạm Đình Toái,... Vương Duy Trinh là một người có công lớn trong việc giữ gìn những nét đẹp và truyền thống của cha ông để lại tự nghìn xưa.

Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam trải qua nhiều biến động lịch sử to lớn. Những người ra làm quan với triều Nguyễn thực khó có nhiều sự lựa chọn để sống sao cho không bị tì vết, và trong hoàn cảnh bó buộc, vô kế khả thi đó mỗi người thể hiện lòng yêu nước theo một cách khác nhau. Việc làm của Vương Duy Trinh và nhóm cộng sự xứ Thanh cũng là một phương diện của lòng yêu nước. Chắc hẳn trong mắt các bạn đồng liêu khi đó, Vương Duy Trinh là cả một nhân cách đáng trọng. Sau khi đỗ Cử nhân năm Canh Ngọ (1870), ông giữ chức quan Ngự sử dưới triều Kiến Phúc (1884) và tham gia xử vụ án làm hao hụt lớn số thóc số tiền lớn ở Thanh Hóa. Dù ở cương vị nào, vị Hiệp biện Đại học sĩ Vương Duy Trinh cũng hoàn thành trách nhiệm mà triều đình giao phó mà đằng sau sự giao phó đó hàm chứa một sự tin cậy cả về tài năng và phẩm giá của con người vốn đội mũ giải trãi can gián vua, đàn hặc trăm quan, có tài làm Tổng đốc lại có tài biên khảo. Giai thoại kể rằng khi Vương Duy Trinh làm Tổng đốc vùng “hay cãi” thì cụ Phan Tây Hồ đã từ chức quan Thừa biện một thời gian nhưng vẫn hay đến tỉnh đến phủ để “cà khịa” bằng những câu kiểu: “Tỉnh Quảng Nam là tỉnh của dân Quảng Nam, vậy tôi cũng là người chủ tỉnh này, tôi muốn đến lúc nào thì đến. Đến để xem xét công việc của các quan. Các quan làm phải thì thôi chứ các quan làm bậy thì chúng tôi là dân phải can thiệp vào” mà Tổng đốc Vương Duy Trinh vẫn xuề xòa coi như không có gì và không hề có ý tư hiềm gì với “nhà Nho dân chủ” này.

Đạm Trai Vương Duy Trinh còn để lại một số tác phẩm như Hương Trì học thảo thi sao, Hương Trì học thảo văn sao, Hương Trì văn tảo và hai công trình biên soạn tập thể Thanh Hóa kỉ thắng, Thanh Hóa quan phong đã nêu. Thơ văn của ông được chọn vào các sách Tăng quảng minh thiện quốc âm chân kinh, Thi tấu hợp biên, Thi văn đối liên sao tập, Võng Châu đình đề vịnh tập, Vương tộc gia phả... Ở con người Vương Duy Trinh có khí chất của một học giả, có màu sắc quan phương của một vị trọng thần nhưng đằng sau đó là một tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ vốn yêu mến cảnh và người đất Việt. Bên cạnh việc soạn văn cho tấm bia ở đình Võng Châu ở núi Hàm Rồng dựng năm Thành Thái thứ 12 (1900) và tấm bia chùa Đào Viên dựng năm Thành Thái thứ 17 (1905) - mà đến nay những bút tích trên đã mất hoặc bị mòn không thể đọc được, chỉ còn bản dập - ông còn viết một bài thơ khắc trong động Long Quang (ở phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa hiện nay) bên cạnh thơ của các danh sĩ Lý Thường Kiệt, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà... viết về phong cảnh Hàm Rồng. Tháng 11 năm Thành Thái thứ 14 (1902), ông viết một bài tôn vinh cảnh Sầm Sơn:

Dám hỏi duyên gì với nước non?

Đã lâu hay mới dấu chân còn?

Bể sâu dài rộng bao nhiêu thước?

Núi đó kìa đây mấy chục hòn?

Đà dựng cây xanh lồng gió mặn,

Sóng dồi cát bạc lẫn trăng tròn.

Có Thầy có cảnh thêm vui vẻ,

Non nước thề cùng mảnh sắt son.

Bên cạnh đó, trong Thanh Hóa quan phong do ông biên soạn còn chép được 14 bài ca trù vốn được lưu hành rộng rãi ở Thanh Hóa đương thời. Có thể nói việc làm của ông không chỉ là một nghĩa cử với văn hóa dân tộc mà còn tạo được sợi dây liên kết vô hình giữa ông (cùng nhóm cộng sự) với các bậc danh sĩ tài hoa nổi tiếng trong việc sáng tác và thưởng thức ca trù trước đó và đương thời như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Chu Mạnh Chinh, Tản Đà... Sợi dây đó cũng góp phần kết nối các trung tâm ca trù Thanh Hóa với ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh) và ca trù Lỗ Khê - Đông Anh (Hà Nội). Và qua đó, người đời có được một hình ảnh trọn vẹn về Đạm Trai Vương Duy Trinh, một người - không phải là vô cớ, trong các tập văn sao, thi sao của mình - lấy hiệu “Hương Trì” để định danh các văn phẩm đó.

Ở con người, hành trạng, sự nghiệp của Vương Duy Trinh có nhiều điều còn được dân gian và một số sách vở nhìn theo một số góc độ chưa “thuận” với những điều đã biết về ông. Đó cũng là một điều dễ hiểu đối với một người đứng ở vị trí như ông, phải xử trí những cảnh ngộ như ông từng gặp, phải chọn những đáp án như ông phải chọn (dù số đáp án không phải là duy nhất nhưng đôi khi tình huống lịch sử lại đẩy sự lựa chọn của những người như ông vào thế bí). Dù sao thì với Vương Duy Trinh, miền đất văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã có thêm một niềm tự hào hoàn toàn xứng đáng, không cần đến sự chiếu cố nào. Vương Duy Trinh đã làm giàu thêm truyền thống văn hiến của dân tộc bằng chính năng lực và tâm huyết của mình. Ở ông có sự hòa quyện của ba phương diện: nhà chính trị, nhà biên khảo và nhà thơ. Và giờ đây chúng ta có thể đủ chắc chắn để nói rằng: Trong thời điểm đó, ở cương vị như ông, với lựa chọn như ông, làm được như vậy đã là một sự tự vượt lên chính mình quá lớn. Với vị thế một nhà Nho, như vậy đã là quá đủ để thanh thản khi coi cõi tạm này là “sinh kí”.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
  • Cổ vật triều Nguyễn được định danh và triển lãm trên không gian số
    Định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn và ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro.
  • Công nhận Mộc bản ở chùa Dâu (Bắc Ninh) là Bảo vật Quốc gia
    Bộ mộc bản chùa Dâu gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
  • Gìn giữ nét Việt cùng giấy Dó giữa lòng Hà Nội
    Vùng Bưởi xưa nổi danh Hà thành với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến nghề làm giấy dó làng Yên Thái. Nghề làm giấy dó xưa đã đi vào ca dao người Việt, niềm tự hào nét tinh hoa văn hóa của người Kẻ Bưởi: Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
  • Lễ hội làng Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Lễ hội truyền thống làng Keo thuộc thôn Giao Tất, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.
  • Phát huy giá trị di sản văn hóa Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ
    Ngôi đền Đồng Cổ nằm trong không gian di sản bên bờ Hồ Tây, Hà Nội độc đáo vì gìn giữ được Hội thề trung hiếu từ thời nhà Lý đến nay. Đây là di sản không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có mang ý nghĩa giáo dục bồi đắp lòng kiên trung, hiếu học theo khát vọng của người xưa.
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Sôi động “Đường chạy sắc màu”, triển lãm ảnh “Công an Thừa Thiên Huế - Vì cuộc sống bình yên”
    Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Đường chạy sắc màu - Những bước chân vì cộng đồng” và triển lãm ảnh “Công an Thừa Thiên Huế - Vì cuộc sống bình yên”.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Vương Duy Trinh – nhà chính trị, nhà biên khảo, nhà thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO