Văn hóa – Di sản

Từ Diễn Đồng – gương mặt tiêu biểu của thơ văn yêu nước đầu thế kỷ XX

Lê Văn Tấn - Nguyễn Thị Hưởng 16/11/2023 15:53

Từ Diễn Đồng (1866 - 1922) có quê gốc ở làng Hà Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông đỗ Tú tài khoá thi năm 1906 nên thường gọi là Tú Đồng. Ông là người cùng thời với nhà thơ Tú Xương (1870 - 1907). Theo truyện kể thì Từ Diễn Đồng từ khi chưa đỗ Tú tài, còn gọi là anh khoa Đồng, đã thường đi lại và xướng họa thơ văn với Tú Xương. Đến khi nhà thơ Tú Xương đã mất, Từ Diễn Đồng vẫn còn qua lại thăm hỏi nhiều lần. Điều đó cho thấy tình bạn giữa hai nhà thơ và ảnh hưởng về tư tưởng và thơ văn giữa họ.

Từ Diễn Đồng là người không cộng tác với chính quyền thực dân vì ông rất ghét Tây và những kẻ bợ đỡ Tây. Ông từng đi dạy học ở nhiều nơi thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có một thời gian ông dạy học ở dinh Tuần phủ tỉnh Hà Nam. Cuối đời ông trở về làng Hà Hồi mở lớp dạy chữ Hán tại văn chỉ của làng. Ông vừa dạy học vừa sáng tác thơ văn đả kích bọn thực dân phong kiến, bộc bạch tâm sự yêu nước của một người dân mất nước. Ông mất tại quê nhà năm 1922, thọ 56 tuổi.

Từ Diễn Đồng được biết đến như một nhân cách có lối sống thanh cao, không màng danh lợi trước thời buổi nhiễu nhương của xã hội đương thời. Thái độ bất hợp tác với Tây cho thấy một sự khẳng khái và bản lĩnh của kẻ sĩ trong thời loạn. Dành phần lớn tâm sức và tài năng của mình vào công việc dạy học và bốc thuốc, Từ Diễn Đồng dạy học ở đâu đều được nhân dân và học trò yêu quý, mến mộ và kính phục. Ông không chỉ dạy cho học trò chữ nghĩa kinh sách mà còn dạy họ đạo lý hằng thường, thực tế trong đời sống và sinh hoạt. Dạy học ở đâu, ông thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh sống của người dân nơi đó. Nhân dân đương thời còn lưu giữ mãi về hình ảnh một người thầy giáo không chỉ nghiêm nghị và tâm huyết trên lớp học mà còn “ba cùng” với học trò và bà con nơi ông dạy học. Sử sách không thấy có ghi chép lại về những người học trò đỗ đạt đã từng được Từ Diễn Đồng dạy dỗ; song có lẽ một nội dung quan trọng trong “giáo án” lên lớp của ông đối với học trò chính là tinh thần căm thù giặc ngoại xâm và lòng yêu nước, yêu Tổ quốc tha thiết. Vô số những người học trò bình thường của ông đã đứng lên trong hàng ngũ của khối đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chung của đất nước. Công lao của Từ Diễn Đồng ở đây quả là không nhỏ.

Từ Diễn Đồng còn có những đóng góp đáng quý trên phương diện văn học. Tác phẩm còn lại của ông có trên mười bài thơ Nôm và một vở tuồng về Nguyễn Trãi.

Thơ của Từ Diễn Đồng gồm những bài lẻ, in rải rác đây đó, hoặc qua truyền miệng, chưa đủ thành tập. Một nội dung quan trọng trong thơ ông chính là nỗi niềm day dứt về nỗi tồn vong của đất nước:

Nước non chênh lệch bởi vì đâu?

Kê lại cho cân quả địa cầu.

Giọt máu Hồng Bàng dây đến tớ,

Màu da Hoàng chủng giữ cùng nhau.

Hơn hai mươi triệu người không ít,

Ngót bốn nghìn năm nước đã lâu.

Có lẽ cam lòng nô lệ mãi,

Đua nhau gắng gỏi với năm châu.

(Nước non)

Những lời thơ tha thiết như thế về non nước, về tinh thần tự tôn dân tộc, về niềm tự hào con Lạc cháu Rồng đã có giá trị thức tỉnh và cổ vũ thiết thực cho phong trào yêu nước của quần chúng nhân dân đương thời. Hiện lên trong thơ văn ông là hình tượng của một kẻ sĩ “không ngủ suốt năm canh” vì trở trăn cho tương lai đất nước và hạnh phúc nhân dân: Năm canh thức suốt cả năm canh/ Nghĩ chuyện xa xa giật nảy mình (Không ngủ). Tâm trạng ấy khiến cho nhà thơ thấy đêm như dài ra mãi, ông nóng lòng sốt ruột cho trời mau sáng để có thể làm việc gì đó có ích cho nước, cho dân:

Đêm sao đêm mãi tối mò mò,

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?

Đàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đương ho.

Ngọn đèn giữ trộm khêu còn bé,

Tiếng chó nghi người cắn vẫn to.

Hàng xóm bốn bề ai dậy chửa?

Dậy thời lên tiếng gọi nhà Nho!

(Đêm dài)

Phải chăng hình tượng “đêm dài” trong bài thơ còn mang một ý nghĩa ẩn dụ: sự áp bức bóc lột của thực dân. Nhân dân chưa có “ngày mai”, chưa có ánh sáng tự do và hạnh phúc. Qua đây, người đọc thêm một lần nữa được chia sẻ với cảm xúc của ông.

Nhân vụ vỡ đê năm Quý Sửu (1913), ông cũng lồng tình cảm mất nước với tình cảnh nước lụt để cảnh báo quốc dân: Người mình nào có biết chi đâu/ Nước vỡ nhà trôi cũng đã lâu (Nước lụt). Từ đó ông đặt ra một câu hỏi đầy day dứt về một nghịch cảnh đầy oái oăm:

Ở đây nhà Lý đóng đô đây,

Trải mấy nghìn năm mới đến nay.

Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc,

Cột cờ sao thấy lá cờ Tây.

Nền văn nhà Lý xây kia đó,

Vết kiếm vua Lê vứt chỗ này.

Người cũ bây giờ đâu cả nhi?

Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay.

(Thăng Long thành hoài cổ)

Bài thơ là đóng góp quý giá của Từ Diễn Đồng về đề tài Thăng Long - Hà Nội. Dù ít ỏi nhưng người đọc cũng có thể hình dung được một Thăng Long - Hà Nội trong buổi tao loạn, nhố nhăng những năm đầu thế kỷ XX.

Từ Diễn Đồng còn được nhiều người biết đến qua những bài thơ Nôm Đường luật pha ý vị trào phúng. Cho đến nay, người đọc vẫn còn thuộc một số bài chưa hề in thành sách của ông như: Mặt trời đã xế quãng đường xa/ Đi mãi loanh quanh chẳng thấy nhà (Lạc đường), hay:

Từ khi chưa vợ nhớ chùa Thầy,

Đầu bạc bây giờ mới tới đây.

Cửa Phật khéo tô người một họ,

Chợ Trời sao cắm biển ông Tây.

(Chơi chùa Thầy)

Ông còn có bài Ngũ thập tự thọ với những câu thơ thể hiện giọng điệu và thái độ bực bội, cười gần: Nước loạn, nhà nghèo, mình lại hèn/ Dẫu sống trăm năm chẳng ra cóc...

Từ Diễn Đồng còn là tác giả vở tuồng Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi qua bến Chương Dương: Kìa ai bắt giặc bên sông/ Kìa ai cướp giáo lập công chốn này/ Anh hùng lúc đã ra tay/ Đời xưa đã vậy, đời nay thế nào?... Với vở tuồng này, Từ Diễn Đồng tỏ ra là người vẫn chưa hết hy vọng ở tương lai đất nước: Tối lâu lâu, cũng sáng ra dần...

Đặt trong mạch thơ văn yêu nước chống thực dân Pháp hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Từ Diễn Đồng được đánh giá là một cây bút xuất sắc. Nhà thơ Trần Lê Văn trong Danh nhân quê hương, Tập III (1976) từng đánh giá về ông như sau: “Cũng như Tú Xương - bạn của ông - và nhiều nhà thơ khác hồi ấy, ông thường dùng cái cười làm vũ khí. Cái cười của ông có khi vang lên đanh và sắc, có khi trầm xuống, lẫn với một tiếng nghiến răng căm giận trong tình hình giặc ngoài thù trong đè nặng lên vận mệnh đất nước. Thơ Từ Diễn Đồng sử dụng rất sành ngôn ngữ dân tộc như các nhà thơ ưu tú khác. Thơ ông lại rất “thời sự”, rất hiện đại, so với lúc ấy, và đặc biệt là rất dân gian. Riêng vở tuồng Nguyễn Trãi cũng xứng đáng một công trình nghiên cứu riêng”... Mặc dù trước tác của Từ Diễn Đồng còn lại không nhiều nhưng chỉ từng ấy cũng đủ để ghi danh một tên tuổi đáng được kính trọng về tâm huyết và tài năng trên thi đàn văn học đầu thế kỷ XX của dân tộc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • 18 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng
    Bộ sưu tập 21 bảo vật của Hải Phòng, trong đó là 18 bảo vật quốc gia của nhà Sưu tập An Biên và đặc biệt là Bộ Kim phẩm bằng vàng, bạc trong Thánh cung Đền Nghè được Bảo tàng Hải Phòng lưu giữ, bảo quản và tiếp nhận vào tháng Hai năm 2024, lần đầu tiên được công bố và đưa ra trưng bày tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024.
  • Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số
    Theo đó, đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.
  • Triển lãm mỹ thuật "Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc" tại 49 Trần Hưng Đạo
    Đây là hoạt động văn hóa đầu tiên được tổ chức tại Tòa nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài tòa biệt thự có kiến trúc Đông Dương vừa được thành phố trùng tu để trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội.
  • Lên lịch “phá đảo” phố Hàn “đẹp long lanh nức nở” phía Đông Thủ đô
    Phố chuẩn Hàn K-Town (Grand World) đã trở thành toạ độ ăn - chơi mới “must try - must go” của các tín đồ Hallyu cũng như giới trẻ Hà thành và các khu vực lân cận. Lên lịch tỉ mỉ để “cháy phố” K-Town từ sớm, song nhiều bạn trẻ vẫn khá bối rối bởi có quá nhiều điểm cần check-in, quá nhiều loại hình vui chơi, giải trí, mua sắm… thú vị cần trải nghiệm.
  • Giải pháp số cho doanh nghiệp của SHB nổi bật tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng
    Ngày 8/5, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tham gia Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng và mang đến những công nghệ đang được triển khai, ứng dụng trong các hoạt động, dịch vụ và giải pháp số tân tiến cung cấp tới khách hàng. Đặc biệt, SHB giới thiệu “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” – một trong hai giải pháp được vinh danh tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.
Đừng bỏ lỡ
Từ Diễn Đồng – gương mặt tiêu biểu của thơ văn yêu nước đầu thế kỷ XX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO