Mọi việc tang lễ và chôn cất cha coi như đã xong xuôi, bà con xa gần đều lần lượt về quê cả, chỉ còn tôi và ngôi nhà buồn hiu trống trải. Cơn mưa chiều dai dẳng tràn qua ngõ phố, bong bóng nước phập phồng trôi như số phận con người giữa dòng đời định mệnh. Tôi cố gượng dậy dọn dẹp mọi thứ trong căn nhà bừa bộn mấy ngày nay. Bàn thờ cha thoang thoảng hương trầm, những lọn khói cong oằn vẽ nẻo xa xăm của miền dĩ vãng. Nụ cười hiền từ của cha trong di ảnh y như ngày nào cha còn sống. Ánh mắt cha sâu thẳm như l
Minh họa của Hà Trí Dũng
Dọn dẹp xong tôi làm cơm chiều cúng cha. Cái khăn tang tôi không đốt, mà để làm kỷ niệm, kỷ niệm ngày cha về với đất. Mới hôm nào bác sĩ bệnh viện nói nên đưa cha về nhà. Bệnh già như thế coi như sắp mãn. Trước khi mất cha còn minh mẫn lắm. Cha nói dù giá nào tôi cũng phải học cho xong năm cuối đại học, vì chỉ có học mới hi vọng có tương lai… Cái tủ cha cất đồ đạc ngày trước giờ lại là cái bàn thờ cha. Cái tủ này tôi ít khi nào mở ra và dòm ngó bên trong của nó. Nay nhìn di ảnh cha thờ trên nó, tôi thấy nó gần như là người thân duy nhất còn sót lại. Lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc đến kỳ lạ. Hai dòng nước mắt tuôn rơi. Vội lấy vạt áo lau khô, tôi sợ làm ướt chỗ cha nằm dưới ấy, nước mắt con lạnh cha sẽ không được ngủ yên.
Tôi rót cho cha một chén trà, rồi lại rót cho mình một chén. Vị trà, hương trà làm tôi phần nào bình tâm lại. Tôi sực nhớ ra hôm đưa cha về nhà, khi ngồi trên xe cha có nói: “Cha để dành cho con cái hộp trong tủ, khi nào cha mất con hãy mở ra và làm theo lời cha dặn”. Nhưng từ ngày đó đến nay lu bu và ưu buồn quá đỗi nên tôi bẵng quên. Tôi vội mở cái tủ ra và xem cha dặn điều gì. Quả là dưới mớ quần áo cũ của cha có một cái hộp bằng gỗ, nắp hộp có một ổ khóa số. Không biết cách nào mở ra, tôi loay hoay và chợt nhận ra dưới đáy hộp có dán một tấm hình tôi lúc chừng năm sáu tuổi, bên góc phải bên dưới có ghi ngày tháng năm sinh của tôi. Thì ra đó là mật khẩu để mớ ổ khóa. Tôi quá ngạc nhiên, trong hộp có rất nhiều tiền sắp ngay ngắn, dưới cùng có một lá thư.
“Con gái nuôi yêu quý của cha…”. Tôi ngạc nhiên quá, sao cha lại gọi tôi là “con gái nuôi...”! Nhưng tôi cố gắng đọc cho hết bốn trang giấy xem cha nói những gì. Chữ cuối cùng chấm dứt thì cũng là lúc tôi ngã vật xuống giường òa lên khóc… Tôi khóc cho cha và tôi khóc cho tôi… Chiều mưa bong bóng vẫn phập phồng trôi qua đìu hiu ngõ vắng.
Cha tôi ngày ấy cũng như bao người, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới, đó là xã Tha La I ngày xưa, sau đổi tên là Tân Thạnh, nay là khu thị trấn Tân Châu. Ngày ấy lên vùng này đời sống quá cơ cực, đói kém, thiếu thốn mọi thứ nên chú Út dẫn bà nội trở lại Sài Thành. Nhưng cha tôi thì không chịu về, cha làm đủ thứ nghề để sinh sống. Cuối cùng thì trạm kiểm lâm ở Tha La II cần người làm tạp vụ, và cha tôi xin vào làm ở đó, coi như tạm yên.
Vào một buổi khuya, khi chuyến xe sớm sắp khởi hành qua trạm, cha tôi thức dậy nấu nước pha trà cho các cán bộ trong trạm. Bỗng cha nghe tiếng em bé khóc, mọi người thì cho là tiếng mèo kêu. Cha tôi cầm đèn pin ra phía đám đất trống mọc đầy cỏ chỉ gần đó xem xét, và cha phát hiện ra tôi, đứa bé gái chưa đầy ba tháng tuổi, nằm trong một cái thúng, không biết ai bỏ ở đó tự khi nào. Cha vội đem tôi vô trạm, truy hô cho mọi người cùng biết, rồi nấu nước tắm rửa cho tôi, nấu nước cháo đút cho tôi uống. Ông trạm trưởng hỏi có ai nhận nuôi đứa trẻ này không. Không một ai lên tiếng. Và hiển nhiên từ giây phút hữu duyên ấy mà hai con người không máu mủ trở thành cha con... Đó là cha và tôi. Bao nhiêu tiền dành dụm được cha tôi đều đổ vào nuôi đứa con gái nhỏ. Ngày ấy đói kém quá, đồng tiền công tạp vụ không thấm vào đâu nên cha tôi phải đi làm mướn thêm ở ngoài. Công việc từ sớm khuya cho đến chiều tối, nên cha mới ẵm tôi về Sài Thành nhờ nội chăm sóc hộ để cha có thời giờ làm lụng kiếm tiền đem về cho nội nuôi tôi.
Bà nội ban đầu giận nên mắng cha tôi dữ lắm. Bà nói đã nghèo kiết xác mà còn ham lấy vợ, giờ vợ bỏ phải nuôi con đỏ. Cha tôi vẫn tươi cười.
- Má đừng giận, vợ bỏ thì con nuôi con. Con sẽ cố gắng làm đem tiền về nuôi nó và cho nó ăn học. Má thương con thì thương cháu nha má!
Ấy, tôi ở với nội, cha tôi làm gấp hai gấp ba để nuôi tôi trong cái thời buổi tiền cao gạo kém ấy. Và nội tôi cứ đinh ninh trong lòng, tôi là đứa con gái của cha tôi cho đến ngày nội tôi nhắm mắt.
Nội tôi chết, cha tôi về Sài Thành mua được chiếc xích lô và cứ thế cha làm con ăn học cho tới ngày tôi khôn lớn. Bí mật này chỉ có mình cha tôi biết, nhưng cha âm thầm chịu đựng và không hề nói ra, vì cha sợ nội tôi không ưng, chú Út tôi biết chuyện khi vào hai ba xị sẽ nói bậy bạ, tôi lớn lên mang tiếng đứa mồ côi không cha không mẹ sẽ tủi thân. Tình cha tôi sâu thẳm là vậy đó…
“Con gái nuôi cưng duy nhất của cha. Số tiền này cha dành dụm, lỡ khi cha đột ngột nằm xuống thì con có để mà tiếp tục ăn học. Hãy cố gắng nha con gái, chỉ có học sau này con mới có cơ hội tiến thân, con mới có cuộc sống tốt. Chú Út đã có gia đình nhà cửa riêng, chú có cuộc sống của chú. Bà chết để lại ngôi nhà này cho cha con mình, sau này nó là của con. Bí mật của cha con mình chỉ có cha con mình biết. Bổn phận của cha, cha sẽ làm cho đến phút cuối cùng. Và bổn phận của cha phải cho con biết sự thật về mình. Để sau này nếu có duyên con sẽ gặp lại cha mẹ ruột. Con đừng oán giận họ, mà con phải thương họ. Hoàn cảnh của con người ta không sao mà nói hết được. Con phải sống bằng tình yêu bao dung con nhé….”.
Tôi lớn lên trong sự chăm sóc và yêu thương của nội và cha. Cha không bao giờ để tôi thua kém bạn bè. Từ cái áo cái quần đến đôi giày mới cha đều chú ý lo cho con gái. Chiếc xích lô của cha rong ruổi khắp mọi nẻo đường mưu sinh. Nắng gió làm nước da của cha chai sạm. Và tôi lớn lên trong sự vô tư, chưa hề đắn đo suy nghĩ. Nội tôi lúc còn sống hay nói.
- Cha mày lúc còn con trai ăn chơi dữ lắm. Vậy mà khi có mày nó chịu khó làm ăn. Má mày không hiểu sao mà lại bỏ nó.
Nghe nội nói vậy tôi cũng không quan tâm gì. Vì tôi chỉ biết có cha thương yêu chiều chuộng cho ăn học, còn má tôi thì tôi hoàn toàn không có khái niệm gì, nên tôi cứ thản nhiên không có gì phải bận tâm. Tôi nhớ có lần tôi sốt cao, cha đưa tôi vào bệnh viện, suốt đêm cha không hề chợp mắt. Mỗi khi thức giấc, tôi đều thấy cha giấu niềm lo âu trong nụ cười hiền hậu. Cứ sau mỗi lần tôi bệnh, cha lại mua cho tôi nào là quần áo mới, giày dép mới… Tôi chỉ biết vui thích với những món quà đó, nhưng tôi nào có thấu hiểu sự vất vả của cha, những món quà song hành với bao vòng bánh xe xích lô nặng nhọc.
Năm tháng gió mưa và sự nhọc nhằn làm cho cha tôi ngày một già yếu. Rồi cha đổ bệnh. Rồi cha lặng lẽ bước qua cuộc đời đầy giông bão này. Trước những ngày sắp ra đi, cha ít nói điều gì. Cha chỉ dặn tôi vụ cái hộp, nhưng tôi cũng nghĩ cha nói trong cơn mê sảng mà thôi. Có ai ngờ…
- Cha ơi!
Tôi lại lấy cái khăn tang đội lên đầu và quỳ lạy trước bàn thờ cha thêm lần nữa. Cha ơi… sinh mạng bé nhỏ này của con là do cha cứu lấy. Đời cha vốn đã vất vả nhưng cha lại cưu mang thêm phần vất vả. Cả đời cha không có vợ nhưng lãnh phận nuôi con. Bà nội mắng cha, cha vẫn cười vui vẻ giữ gìn bí mật cho con. Cha bị mọi người cười là bị vợ bỏ, cha vẫn không lấy làm buồn giận. Cha chỉ miệt mài, lam lũ làm kiếm tiền cho con ăn học. Hơn nửa đời cha chỉ biết tận cùng cho hai chữ hy sinh, hy sinh cho một sinh linh bé nhỏ, một giọt máu, dù không rớt ra từ ngón tay mình.
- Cha ơi…!
Tôi thu xếp xong mọi thứ để chuẩn bị trở lại trường đại học. Tôi phải làm cho kỳ được ước vọng của cha tôi. Những bài học từ cuộc đời này nhiều vô kể, nhưng sao sánh bằng bài học từ cuộc đời của một người cha vĩ đại. Tôi nào có phải là đứa con nuôi của cha tôi đâu. Tôi là đứa con gái máu mủ ruột thịt của cha tôi đấy chứ. Tôi không có mẹ, cha tôi sinh tôi ra từ quả tim hồng ấm áp. Cha tôi nuôi tôi và yêu thương tôi từ trong ruột trong gan.
Có ai đó vừa rao câu hát qua ngõ phố.
Trời mua bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
- Tôi ở với cha tôi chứ ở với ai!