Tác giả - tác phẩm

Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương

Cát Tường thực hiện 14:40 19/09/2024

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.

chan-dung-1.jpg
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu

PV: Chào chị! Bước chân vào lĩnh vực hội họa với tư cách là một tiến sĩ văn học, chị thấy đâu là điểm chung hay khác biệt giữa viết và vẽ?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Thực ra, tôi đến với hội họa một cách rất tự nhiên, không với một tư cách nào cả. Tôi hầu như không bao giờ nghĩ mình là tiến sĩ văn học khi làm bất kì việc gì ngoài chuyên môn. Hội họa càng không phải là nơi tôi cần phải khoác một tư cách nào để tìm đến. Với tôi, điều cốt yếu của nghệ thuật là sự hồn nhiên, tự nhiên. Khi đến với nghệ thuật, bạn càng trút bỏ được nhiều lớp lang danh xưng để nhập hòa cái bản thể cá biệt của mình vào đó thì càng dễ hưng phấn.

tac-pham-1.jpg

Có lẽ điểm thuận lợi của tôi khi bước chân vào lĩnh vực hội họa là tôi đã được tắm trong nghệ thuật suốt những năm theo đuổi lĩnh vực văn chương. Văn chương đã khơi lên trong tôi sự nhạy cảm với cái đẹp, khao khát được bày tỏ cái đẹp và những rung động về nó. Những cảm xúc vi tế đó đã dần xây nên con người nghệ sĩ trong tôi. Và con người nghệ sĩ đó, niềm khao khát khám phá thế giới từ những điều li ti nhất đó là thứ đã dẫn dắt tôi vào thế giới hội họa.

PV: Vậy thông điệp hay những điều chị muốn truyền tải qua 2 hình thức này có tương đồng với nhau?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi thực hành nghệ thuật trước hết là cho chính bản thân mình, để thỏa mãn niềm hưng cảm của chính mình với ngôn từ, với màu và cọ. Nếu bạn là một người viết, đôi khi việc sáng tạo ra một từ ngữ nào đó trong một cách nào đó mới lạ cũng đủ để bạn thấy hạnh phúc rồi, chưa cần nói đến câu chuyện hay ý tứ. Cũng thế, khi bạn là một người vẽ, khi tạo ra được một vệt màu loang tự nhiên đúng ý cũng đủ khiến bạn lâng lâng, chẳng cần ai bình phẩm hay ngợi khen. Tự bạn hạnh phúc trong quá trình sáng tạo của mình.

tac-pham-2.jpg
Một số bức tranh của tác giả Nguyễn Thị Thanh Lưu

Và tất nhiên, vì sáng tạo để thỏa mãn khao khát khám phá bản thân bằng nghệ thuật cho nên dù viết hay vẽ, tôi đều rút ruột phóng chiếu thành tác phẩm chứ không nghĩ gì nhiều đến thông điệp. Với tôi, thông điệp là cái đến sau.

PV: Kể từ sau tập thơ “Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi” (2019), cho đến nay chị chưa ra mắt thêm tác phẩm văn học nào mới. Phải chăng chị vẫn đang tích lũy những ý tưởng, cảm hứng để viết?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Việc viết và xuất bản là hai việc không nhất thiết phải tương đồng. Tôi vẫn viết nhưng chưa có ý định xuất bản thêm (vì đang quá bận với những việc khác). Việc viết của tôi rất ngẫu hứng, tôi viết trên đường đi chợ, viết trên đường đi họp phụ huynh cho con, viết lúc nửa đêm bừng tỉnh vì một giấc mơ hoặc cũng có thể viết lúc giữa trưa đang ngồi ăn 1 cốc chè vỉa hè. Tôi có thể viết một mạch 1 bài thơ trong 5 đến 10 phút mà cũng có thể chỉ viết 1 vài câu, để bắt lại cái tứ thơ chợt đến rồi chờ bao giờ rảnh và có hứng thì quay lại với nó sau. Nói chung, tôi yêu tự do cho nên không bao giờ gò ép mình vào khuôn khổ nào cả, với nghệ thuật thì càng không.

PV: Được biết, chị tình cờ đến với hội họa sau một buổi workshop bên bờ biển Hawaii vào năm 2016. Sau đó, chị đi học và nhanh chóng tạo nên những dấu mốc ấn tượng trong lĩnh vực này. Liệu chị có thể chia sẻ thêm cách lựa chọn đề tài khi vẽ, những kỷ niệm khó quên hay những “bí quyết” để có sự nghiệp hội họa thành công?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Đúng là tôi đến với hội họa rất tình cờ nhưng đã nhanh chóng bị hội họa mê hoặc và dành rất nhiều thời gian cho bộ môn nghệ thuật hấp dẫn này. Nếu trước đó tôi thức khuya đọc sách thì giờ đây, tôi chong đèn vẽ tranh, có khi đến 1 - 2 giờ sáng. Có những ngày tôi vẽ liên tục quên cả ăn trưa và chỉ muốn được ở một mình để vẽ. Sau những ngày như thế, tôi hiểu ra, tôi đã “phải lòng” hội họa, như cách tôi từng say mê văn chương thuở mới lớn. Và tôi đã nghiêm túc dành thời gian cho hội họa như một sự nghiệp mới trong đời.

tac-pham-3.jpg

Tôi lựa chọn đề tài rất đơn giản vì tôi vẽ những gì tôi cảm, những gì khiến tôi rung động. Đó là lí do tôi chọn vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung trẻ thơ và phụ nữ. Với tôi, đó là hai thế giới nên thơ, sống động và gần gũi, dễ gây xúc động nhất. Vốn là một người viết, một người đọc, một người nhiều suy tư, tôi cũng chọn vẽ các nhân vật của mình trong những trạng thái quen thuộc với chính bản thân mình. Series tranh “Người đọc” ra đời như thế.

Tôi vừa chân ướt chân ráo bước vào lãnh địa của hội hoạ nên chưa dám nhận là mình thành công hay có sự nghiệp gì đáng kể. Tôi chỉ say vẽ và muốn được vẽ, vậy thôi. Tôi vẽ nhiều nên 2 triển lãm cá nhân thực hiện liên tiếp, chỉ cách nhau chừng 6 tháng. Nhiều người hỏi sao sức đâu mà vẽ lắm thế? Triển lãm liên tục. Nghĩ lại, tôi đã thực hiện những triển lãm cá nhân đó chỉ bằng tình yêu nhiệt thành, hồn nhiên với hội hoạ. Dĩ nhiên, cũng có chút máu liều và may mắn là liều mà lại thành. Từ những triển lãm đó, tranh của tôi được chọn trưng bày ở nhiều triển lãm khác nhau.

Với tôi, không chỉ riêng hội họa mà với bất kì bộ môn nghệ thuật nào, nếu thực sự đam mê, dành thời gian học hỏi nghiêm chỉnh và tự trau dồi, nuôi dưỡng cảm xúc với nó thì rồi ai cũng tìm ra con đường riêng cho mình. Nghệ thuật đẹp nhất chính là ở tính bao dung của nó. Nó chứa chấp tất cả, chấp nhận tất cả mọi trường phái, mọi đối tượng. Ai muốn đến với nó theo cách nào cũng được, lối nào cũng được bất kể đại lộ hay tiểu ngạch, miễn là người ta thực tâm trao trút tình yêu, mồ hôi và nước mắt. Ai cũng có cơ hội để trở thành một người nghệ sĩ, nếu muốn.

PV: Khi công việc cá nhân bận rộn, chị sắp xếp thời gian ra sao cho việc thực hành nghệ thuật? Và giữa văn chương và hội họa, chị có đang thiên vị hội họa hơn hay có sợ rằng nếu tập trung vào cái này thì sẽ triệt tiêu cảm hứng của cái kia đi?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi là người khá kỉ luật và khi đã say mê cái gì thì dành rất nhiều thời gian cho nó. Ví dụ, khi tập trung vào việc vẽ, tôi sẽ cố gắng vẽ mỗi ngày, coi đó là việc chính. Ngay cả khi di chuyển liên tục vì việc cá nhân, tôi vẫn tham gia vào đời sống nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau: duy trì thói quen đi xem tranh, xem triển lãm ở bất kì đâu tôi tới, đọc sách về nghệ thuật, đem theo bút và màu để phác họa khi cảm thấy cần... Với việc viết thì còn dễ hơn nữa vì ở đâu tôi cũng có thể viết được, như đã chia sẻ ở trên.

Nhưng phải thú thật là tôi đang dành nhiều thời gian cho hội họa hơn văn chương, từ việc đọc, xem, nghiên cứu cho đến thực hành. Một cách tự nhiên bị cuốn vào vậy thôi chứ tôi không có ý đồ và cũng không lo sợ gì. Tôi không bao giờ nghĩ thực hành bộ môn nghệ thuật này lại chèn ép hay triệt tiêu cảm hứng của bộ môn kia đi. Trái lại, việc này sẽ vun đắp cho việc kia, vẽ sẽ giúp tôi được tròn đầy trong việc viết, một lúc nào đó về sau.

PV: Vậy chị có thể chia sẻ thêm những dự định về văn học nghệ thuật trong tương lai?

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi đang trong thời gian sắp xếp lại cuộc sống nên chưa có dự định nghệ thuật nào cho tương lai gần. Nếu có xuất bản sách hoặc triển lãm cá nhân thì chắc cũng phải 2 năm nữa. Đối với tôi, viết hay vẽ đều bắt đầu từ sở thích cá nhân, phục vụ cho thỏa mãn cá nhân và tôi tự hài lòng với những gì tôi đang làm. Thật hạnh phúc vì những sáng tạo ban đầu chỉ là cho riêng mình mà rồi được công chúng đón nhận, đồng cảm và lan tỏa. Nhiều lúc bất ngờ thấy ai đó trích một câu thơ của mình hoặc chọn bức tranh của mình làm hình đại diện trên mạng xã hội, cũng vui. Nhưng dù thế nào, khi bắt đầu viết hoặc vẽ, công chúng duy nhất tôi muốn thuyết phục là chính mình.

PV: Chân thành cảm ơn chị về cuộc chuyện trò thú vị này!

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh năm 1983 tại Nghệ An. Chị từng học trường THCS Năng khiếu Vinh, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi ra trường, chị có 4 năm làm công tác nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Sau đó, chị kết hôn và sang Mỹ cùng chồng. Trong chặng đường sáng tác văn học, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã ra mắt bạn đọc cuốn tự truyện “Làm dâu nước Mỹ” (2014), truyện thiếu nhi “Nhật ký Cà Kiu” (2015) và tập thơ “Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi” (2019); tổ chức 2 triển lãm cá nhân “Người đọc” (2022) và “Có nhau” (2021). Một số tác phẩm hội họa của chị đã được chọn để trưng bày trong nhiều triển lãm ở trong và ngoài nước. Cuối năm 2021, chị thiết kế một phòng tranh cá nhân tại số 23C Tông Đản (Hà Nội), đặt tên là Lưu’s Space. Đây là không gian để chị trưng bày các tác phẩm, thực hành sáng tác, tiếp đón bạn bè và các nhà sưu tập…

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Tái bản cuốn sách “Tham nhũng: Mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà
    Nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng đến bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách “Tham nhũng: Mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO