Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đánh giá, cuốn “Theo dấu chân Người” của GS.TS – nhà văn Trình Quang Phú là truyện ký với những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã đem đến bạn đọc hôm nay một tình cảm lớn hơn, sâu sắc hơn, một cách nhìn rộng mở, khoa học, nhân văn và đầy tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tin từ Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, đơn vị vừa phát hành cuốn “Theo dấu chân Người” của GS.TS – nhà văn Trình Quang Phú. Với rất nhiều tâm huyết, sự công phu và bền bỉ trong nhiều năm qua, GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông) đã hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Theo dấu chân Người” viết về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài.
Cuốn sách dày gần 600 trang kể về hành trình 30 năm, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (ngày 5/6/1911) bôn ba 5 châu 4 bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941).
Thông qua các bài viết trong cuốn sách, như “Ngọn lửa đỏ giữa trời Tây tuyết trắng”, “Bác Hồ trên quê hương Xô Viết”, “Bên dòng Châu Giang”, “Giữa rừng hoa Dương Tử Kinh”, “Mùa xuân Bác về Tổ quốc”…, độc giả biết được chi tiết về những nơi Bác đã đặt chân đến, những người Bác gặp gỡ hay việc Bác làm nghề gì, kết thân với ai, gắn bó với ý tưởng nào, xa lánh với suy nghĩ nào… Qua đó, tính cách, phẩm chất, tâm hồn cao đẹp của Người được khắc họa một cách giản dị, gần gũi. Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục với nhiều tư liệu quý giá như “Thư gửi Nguyễn Ái Quốc của Phan Châu Trinh”, “Bức thư của Phan Bội Châu gửi Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc)”, “Chúng tôi đến thăm người chiến sĩ cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc”, “Tờ Le Paria và Tổng Biên tập Nguyễn Ái Quốc”, “Nhân dân Trung Quốc luôn tưởng nhớ và kính trọng Hồ Chí Minh”… giúp người đọc thêm sáng rõ về hành trình của Người.
Tác phẩm cũng chính là việc làm thực hiện hóa lời hứa của GS.TS Trình Quang Phú với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Tác giả đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở để sưu tập, ghi chép và đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác những năm tháng ở nước ngoài.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ viết văn học về lịch sử đã khó, viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ càng rất khó. Bên cạnh đó, viết về Bác Hồ cần sự kính trọng bền bỉ và sự can đảm bền bỉ, và nhà văn Trình Quang Phú đã biến sự kính trọng thành hành động: “Viết về Hồ Chí Minh nếu không có góc nhìn mới, tư liệu mới thì dễ bị nhàm chán. Nhưng nếu có tư liệu mới, góc nhìn mới lại dễ bị hoài nghi về tính xác thực của tư liệu, thậm chí vấp vào suy diễn quan điểm”, nhà văn Nguyễn Bình Phương, đánh giá.
GS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, viết về Bác Hồ rất khó, phải có sự dũng cảm, chân thành và thật lòng mới viết được. Thông qua cuốn sách “Theo dấu chân Người” của GS.TS Trình Quang Phú, bạn đọc sẽ hiểu biết về Bác Hồ có chiều sâu, chiều rộng, có thêm chi tiết mới thay vì những thông tin đã biết trên sách báo. Tôi đọc từng trang và có được điều mình mong muốn, có thể là những chi tiết nhỏ, có những chi tiết hư cấu nhưng rất hợp lý, tạo được sự thích thú cho độc giả”.
Cuốn sách cũng là lời hứa của tác giả với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, từ lúc nhận lời cố Thủ tướng đến lúc lên ý tưởng cuốn sách, GS.TS Trình Quang Phú phải mất 28 năm. Tác giả đi đến những nơi Bác Hồ từng đến rồi thể hiện bằng ký và truyện ký là thế mạnh của mình. Các thông tin, dữ liệu được hệ thống đầy đủ, nhuần nhuyễn khiến bạn đọc không phân biệt được đâu là truyện, đâu là báo chí.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, những năm gần đây đã có nhiều nhà văn viết về những nhân vật lịch sử đặc biệt, nhà văn Trình Quang Phú là một trong số đó. Với nghệ thuật kể chuyện chân thật, giản dị, bằng tình yêu và lòng kính trọng với Bác Hồ, nhà văn Trình Quang Phú đã vượt qua những rào cản khi một nhà văn cầm bút viết về một nhân vật lịch sử vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một cuốn truyện ký tư liệu hòa vào chất văn chương, kể chuyện đầy chân thực mà gần gũi. Chính vì vậy, khi đọc cuốn sách này chúng ta như được sống trong thời đại đó, được sống cạnh vĩ nhân đó và đây chính là phép màu của văn học. Những người đang sống hôm nay và cả thế hệ mai sau sẽ biết ơn các nhà văn đã viết về những nhân vật lịch sử của dân tộc, trong đó có nhân vật đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: “Thành công quan trọng nhất của cuốn sách “Theo dấu chân Người” là đã dựng lên chân dung của Bác Hồ từ một nhà yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản và lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Để làm được điều đó, tác giả đã đồng thời làm hai công việc cùng một lúc, đó là công việc của một nhà sử học và công việc của một nhà văn”.
GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1944, quê Phú Yên, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông. Ông đã có 6 tác phẩm viết về Bác Hồ: Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng và Theo dấu chân Người./.