Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.771 USD/oz, tăng hơn 7 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng tăng mạnh.
Tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 19 USD/oz so với giá mở cửa tuần và tăng 28 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước. Nguyên nhân giúp giá vàng tăng là do, báo cáo kinh tế tháng 5 và dự báo tăng trưởng kinh toàn cầu năm 2020 có những suy giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, đầu tuần giá vàng thế giới đã tăng mạnh do kinh tế Hong Kong bị đình trệ, với trên 2.000 doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản.
Giữa tuần, giá vàng thế giới tiếp tục được hỗ trợ nhờ nhiều thông tin không mấy khả quan cho nền kinh tế. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm mạnh hơn 1,9% so với mức dự báo trước đó, xuống mức âm 4,9%, trong đó kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 8%.
Cùng với đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2, có thể vượt mốc 10 triệu người nhiễm bệnh vào tuần sau và hơn 500.000 người tử vong. Cuối tuần, Mỹ cũng đã công bố số người thất nghiệp trong tuần ở mức là 1,48 triệu người, giảm 750.000 người so với tuần trước đó. Tuy nhiên, tính từ đầu thời kỳ có dịch đến nay, Mỹ đã có 30,5 triệu người mất việc làm. WHO và chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ và các nước không có biện pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan thì người lao động vẫn chưa muốn quay trở lại làm việc. Điều này cũng đồng nghĩa với kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.
Tuần qua, giá vàng trong nước biến động mạnh theo xu hướng thế giới. Cụ thể, SJC trên thị trường tự do đã tăng 170.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji, giá vàng SJC trong tuần đã tăng 370.000 đồng/lượng. Còn Phú Quý cũng tăng 350.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn, mức tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần ở Phú úy và tăng 480.000 đồng tại Bảo Tín Minh Châu.
Dự báo của chuyên gia, giá vàng thế giới và trong nước còn tăng mạnh khi kinh tế toàn cầu kém phát triển và dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát.
Giá xăng tiếp tục tăng gần 900 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 27/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đối với xăng E5RON92 ở mức 50 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), xăng RON95 trích lập ở mức 200 đồng/lít (bằng kỳ trước), dầu diesel ở mức 600 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (bằng kỳ trước) và dầu mazut trích lập ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 100 đồng/kg).
Đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 900 đồng/lít (kỳ trước chi 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 550 đồng/lít (bằng kỳ trước), không tiếp tục chi Quỹ BOG đối với dầu mazut (kỳ trước chi ở mức 200 đồng/kg).
Giá xăng tiếp tục tăng gần 900 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5 RON 92 được điều chỉnh được điều chỉnh tăng 868 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 893 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu tăng ở mức nhẹ hơn. Cụ thể, dầu diesel tăng 599 đồng/lít; dầu hỏa tăng 428 đồng/lít; Dầu mazut tăng 581 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.258 đồng/lít; Xăng RON95-III: Không cao hơn 14.973 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 12.114 đồng/lít; Dầu hỏa: Không cao hơn 10.038 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 10.903 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng dầu đã có 4 lần tăng liên tiếp sau chuỗi giảm sâu do Covid-19.
Rau xanh tăng giá mạnh
Khảo sát tại một số chợ lẻ như Xóm Mới (Gò Vấp), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Tân Định (quận 1), giá một số loại rau xanh liên tục tăng những ngày gần đây.
Rau xanh tăng giá mạnh.
Chị Hoa, tiểu thường tại chợ Xóm Mới cho biết, cải xanh tăng 7.000 đồng lên 30.000 đồng một kg, cải ngọt tăng 5.000 đồng lên 30.000 đồng, xà lách 30.000 đồng lên 35.000 đồng một kg, ngò rí 55.000 đồng một kg.
Chị Loan ở chợ Tân Định cũng cho biết giá rau tăng hơn tuần nay. Mỗi loại tăng 5.000-7.000 đồng một kg.
Báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn và nông sản Thủ Đức cũng cho thấy, một số loại rau hiện tăng giá mạnh. Trong đó, cải xanh, cải thảo, bó xôi, cải quăn tăng 3.000-10.000 đồng một kg, dưa leo, đậu bắp, đậu đũa tăng 3.000-5.000 đồng.
Giá rau tăng, theo chị Hoa tiểu thương chợ Xóm Mới là do mưa kéo dài khiến sản lượng giảm, không đủ nguồn cung. Mặt khác, người dân lo ngại dịch bệnh kéo dài, tiêu thụ khó nên trước đó họ đã giảm xuống giống. Đặc biệt, các loại rau thơm như ngò rí, diếp cá, tía tô... sản lượng khá thấp nên giá tăng cao mà vẫn không có hàng để bán.
Ngoài nguyên nhân mưa kéo dài, trước đó, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán cũng khiến người dân không có nước để tưới rau. Nhiều nơi nông dân phải mua từng can nước về dùng nên chi phí sản xuất cao. Số khác, do sợ lỗ nên họ không xuống giống.
Giá gia cầm tăng mạnh
Ông Nguyễn Lãm, chủ trại gà 6.000 con tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho biết, nhiều tháng qua, người chăn nuôi gia cầm luôn gồng mình gánh lỗ, sản phẩm bán ra dưới giá thành sản xuất do đầu ra khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, một số địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm H5N6 cũng khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi sử dụng thịt gia cầm. “Có những lúc, giá gà chỉ còn 10-14 ngàn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi lỗ 5-7 ngàn đồng/kg. Không những vậy, giá thấp nhưng thương lái cũng không thu mua vì khó tiêu thụ. Điều này đã khiến tôi thua lỗ cả trăm triệu đồng trong vụ nuôi vừa rồi”, ông Lãm thông tin.
Giá gia cầm tăng mạnh.
Không chỉ giá gà giảm mà giá vịt thịt cũng chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có trong nhiều năm qua. Anh Cao Trung Đông (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) cho biết, vài năm trở lại đây, nghề nuôi vịt thịt khá thuận lợi bởi giá cả luôn ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2020, giá vịt đột ngột giảm mạnh. Từ mức 38-40 ngàn đồng/kg giảm xuống còn 20-22 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, chi phí chăn nuôi ước tính khoảng 28-30 ngàn đồng/kg. Vì vậy, người chăn nuôi lỗ trên 20 triệu đồng khi nuôi 1.000 con vịt. Giá trứng vịt cũng giảm về mức dưới giá thành sản xuất, ở mức 1,1-1,2 ngàn đồng/trứng.
Tuy nhiên, 1 tháng trở lại đây, giá bán các loại gia cầm đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm chạm đáy. Giá gà công nghiệp tăng trên 55 ngàn đồng/kg; vịt cũng tăng lên 38-40 ngàn đồng/kg, trứng vịt ở mức 20 ngàn đồng/chục. Các mức giá này giúp người chăn nuôi gia cầm có lãi tốt. Ngoài việc xuất bán nhanh đàn gia cầm đang tồn đọng thì người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị con giống, khử trùng chuồng trại để tái đàn.
Theo ngành chăn nuôi, giá các loại gia cầm phục hồi nhanh ngoài nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ tăng, còn do nguồn cung không dồi dào như trước. Trong khi đó, sau dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ khôi phục, nhất là hàng loạt trường học, các bếp ăn tập thể trong KCN hoạt động đều trở lại khiến nhu cầu tăng cao.
Trứng gia cầm giảm sâu
Qua khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, chợ Phùng Khoang, chợ Hà Đông… giá trứng gia cầm đang ở mức khá rẻ. Cụ thể, trứng vịt loại nhỏ có giá 2.200 - 2.300 đồng/quả, loại to có giá 2.500 đồng/quả, trứng vịt lộn 3.300 đồng/quả; trứng gà nâu có giá 2.300 - 2.500 đồng/quả, trứng gà ta có giá 3.000 - 3.500 đồng/quả; trứng cút thường 500 đồng/quả, cút lộn là 650 đồng/quả…
Trứng gia cầm giảm sâu.
Chị Phạm Thị Hảo, tiểu thương bán trứng tại chợ Thành Công cho biết, trứng gia cầm bắt đầu giảm mạnh từ đầu mùa nắng nóng tới nay. Trung bình mỗi quả trứng giảm 500 đồng. Theo chị Hảo, nguyên nhân chính khiến giá trứng giảm là do lượng tiêu thụ trong dân giảm mạnh. “Nếu trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 300 quả trứng các loại thì nay chỉ bán được hơn 100 quả/ngày. Không chỉ trứng mà các loại thực phẩm khác trong chợ cũng bán chậm trong những ngày nắng” – chị Hảo chia sẻ.
Ông Ngô Văn Sinh - một hộ chăn nuôi vịt đẻ ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa cho biết, trứng gia cầm giảm sâu từ đầu năm và có nhích lên một chút sau khi Chính phủ thông báo hết lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, bắt đầu vào mùa nắng nóng, giá trứng lại giảm mạnh. Các đầu mối nhập trứng không bán được hàng nên giảm lượng trứng nhập. Mặt khác, trời nắng nóng nên việc bảo quản trứng khó khăn, chỉ sang ngày thứ 4 là trứng đã bị loãng lòng, vì vậy tư thương cũng lợi dụng ép giá người chăn nuôi.
Tương tự, trang trại của ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa mỗi ngày sản xuất ra 40.000 quả trứng gà. Hiện giá trứng xuất tại chuồng chỉ đạt 1.200 - 1.400 đồng/quả, trong khi giá thành sản xuất là 1.600 đồng/quả. Với giá trứng này, mỗi ngày gia đình ông phải bù lỗ cả chục triệu đồng.
Giá mít Thái tăng nhẹ
Sau nhiều tuần bị rớt giá xuống mức rất thấp, giá trái mít Thái tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng trở lại khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần.
Giá mít Thái tăng nhẹ.
Ngày 23/6, mít Thái loại 1 (trái tròn đẹp, trong lượng từ 9 kg/trái trở lên) được thương lái và vựa trái cây ở TP Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… thu mua ở mức 8.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Mít Thái loại 2 (từ 7 đến dưới 9kg/trái) có giá 6.000 đồng/kg; mít Thái loại 3 (từ 5kg đến dưới 7kg/trái) có giá 3.000 đồng/kg. Dù có tăng trở lại nhưng nhìn chung giá trái mít Thái vẫn còn ở mức khá thấp so với những tháng đầu năm 2020, khi có thời điểm giá lên đến 30.000-35.000 đồng/kg.
Theo tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh trái cây, nhiều khả năng giá trái mít còn tiếp tục tăng trong những tháng tới do nhu cầu tiêu thụ tăng. Thời gian qua, giá mít giảm thấp do nhu cầu tiêu thụ mít giảm vì bước vào mùa thu hoạch chính vụ của nhiều loại trái cây nhiệt đới. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng khiến đầu ra xuất khẩu mít có phần chậm so với các năm trước, nhất là khi trái mít Thái (mít giống Thái được trồng tại các địa phương vùng ĐBSCL) chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc.