Sự kiện & Bình luận

“Thời hoa lửa” của phóng viên chiến trường

Quỳnh Chi thực hiện 15:45 21/06/2024

Những người làm báo thời chiến tranh - phóng viên chiến trường, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phải đứng trước lằn ranh sinh tử, thậm chí hy sinh để hoàn thành sứ mệnh của người chép sử trong lửa đạn.

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Mai Hưởng (sinh năm 1952) - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng (sinh năm 1947) - nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân). Đây là hai nhà báo đã có mặt ở những trận tuyến ác liệt nhất trong các cuộc chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam, cũng như cùng quân ta giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ Pol Pot. Ký ức “một thời hoa lửa” của hai nhà báo chiến trường khiến người làm báo thêm tự hào, từ đó tiếp bước thế hệ tiền bối nỗ lực xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

PV: Ông chọn nghề báo hay nghề báo đã chọn ông?

Nhà báo Trần Mai Hưởng:

1-tranmaihuong.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng giới thiệu về bức ảnh chụp cùng đồng nghiệp Lâm Hồng Long trên đường qua miền Trung trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân 1975.

Năm 1968, tôi tốt nghiệp phổ thông (hệ 10 năm) khi mới 16 tuổi. Do chiến tranh, nên các trường không tổ chức thi tuyển đại học mà Ban tuyển sinh tỉnh chọn và xếp học sinh vào các trường. Tôi đã nhận được giấy gọi nhập học của trường Đại học Thể dục thể thao nhưng tôi đã đưa ra sự lựa chọn của mình là đi học lớp phóng viên.
Đến giờ tôi nghĩ nghề báo phù hợp với mình hơn. Quá trình làm báo giúp tôi trưởng thành dần từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp, lãnh đạo TTXVN; sự trau dồi, nỗ lực của bản thân.

Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng:

5.jpg
Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt, tôi xung phong nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn, tháng 8/1968. Tôi được giao nhiệm vụ nuôi quân, sau đó chuyển sang thông tin báo vụ. Tham gia chiến trường được một năm, tôi được điều động từ Trường Sơn ra Bắc, học khóa Báo chí đầu tiên (1969 - 1973) Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Sau khi ra trường, tôi về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Từ năm 1973 đến 1981, tôi là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam đối ngoại theo diện biệt phái. Tôi nghĩ nghề báo rất hợp với mình.

PV: Khi còn là phóng viên chiến trường, những chiến dịch và mặt trận nào ông đã đến và có bao giờ ông chạm mặt tử thần?

Nhà báo Trần Mai Hưởng:

Tôi ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 - 1973 “mùa hè đỏ lửa”, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, rồi theo chân các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đến đất Campuchia, có mặt tại thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979. Tôi cũng có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng những năm 80 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới…

2-tran-mai-huong.jpg
Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp.

Những ngày tôi tác nghiệp ở Quảng Trị, có những đêm trong hầm, địch bắn pháo triền miên. Sáng ra, nhìn xung quanh hầm thấy chi chít lỗ pháo. Cũng có lúc đang ở nghĩa địa, địch thả bom B52 gần nơi tôi tác nghiệp, tôi nhanh chóng nằm vào khe giữa các ngôi mộ, mảnh bom bay qua găm vào mộ. Khi đó nếu đang đứng tôi chắc đã hy sinh. Rồi có khi tới một làng, quân ngụy ở đầu làng còn quân du kích của ta ở cuối làng. Đêm ngủ phải để súng ngay trên đầu để nếu có chuyện gì xảy ra còn cùng quân du kích chiến đấu.

6.jpg
Bức ảnh nổi tiếng “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của Đại tá - nhà báo Trần Hồng.

Cả những lúc tôi đi một mình qua sông Thạch Hãn vào vùng chiến sự, phải lấy một mẩu giấy viết họ tên, đơn vị công tác rồi bọc vào bao nilon, rồi lấy kim băng cài vào túi áo trong. Bởi nhỡ trúng bom đạn kẻ thù, quân ta còn có thông tin để báo về gia đình, cơ quan.
Sáng 30/4/1975, những cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn còn ác liệt. Tôi đi theo đội hình thọc sâu của quân ta, qua Thủ Đức trong khi đạn vẫn bắn hai bên. Tổ phóng viên đi trên xe con, đạn bắn bên phải thì né bên trái và ngược lại. Hoặc khi đi qua cầu Rạch Chiếc, sông Sài Gòn, phóng viên chiến trường đều có mặt và ai cũng có thể hy sinh vì bom rơi đạn lạc.

Đối với tôi, Quảng Trị mãi là vùng đất với nhiều sự kiện, nhiều gắn bó. Khi gặp tôi trên đường hành quân, nhà nhiếp ảnh Nghĩa Dũng là phóng viên thông tấn quân sự. Lúc ấy ông mặc chiếc áo có mùi nước tiểu của cậu con trai 3 tuổi cho đỡ nhớ. Nhưng chỉ hôm sau tôi đã hay tin nhà nhiếp ảnh Nghĩa Dũng hy sinh ngay những ngày đầu chiến dịch…

Mùa xuân 1975, tôi không thể quên khoảnh khắc vào Huế, Đà Nẵng ngày đầu tiên giải phóng cùng hình ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”. Chiếc xe trong bức ảnh tôi chụp là chiếc xe tăng mang số hiệu 846 của trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ số 1 Nguyễn Văn Quý, pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ. Họ đã trở thành những người bạn của tôi sau này. Tôi cũng nhớ mãi chuyến đi Vũng Tàu cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, chuyến đi mà bác chụp bức ảnh lịch sử ghi dấu mùa xuân đoàn tụ, thống nhất - bức ảnh mang tên “Mẹ con ngày gặp mặt”.

Tôi không bao giờ quên cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến thủ đô Phnom Penh là một thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Tôi đã có mặt ở đây chiều 7/1/1979 cùng các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Rồi sau đó là những ngày mùa khô gian nan sinh tử khắp các nẻo đường trên đất nước cùng những chiến sĩ Việt Nam. Thời khắc cùng họ đón cái Tết đầu tiên xa Tổ quốc cho đến giờ tôi cũng mãi không quên.

Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng:

Tôi theo quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi chế độ Pol Pot. Ngày 7/1/1979, phóng viên báo Quân đội Nhân dân gồm tôi, nhà báo Anh Ngọc và Đỗ Quảng của báo Nhân Dân di chuyển về nhà tù Tuol Sleng. Chứng kiến khung cảnh xác người chất thành đống, đủ mọi tư thế khác nhau tại nhà tù này, đến giờ tôi còn thấy rùng mình. Sau đó tôi và các đồng nghiệp chụp ảnh trong 15 phút. Giữa hàng nghìn bức ảnh của tôi tại Campuchia, có 25 tấm ảnh được trưng bày tại trụ sở Liên hợp quốc nhằm lên án tội ác chế độ Khmer Đỏ, nhưng tôi chưa có cơ hội nhìn thấy 25 bức ảnh này.

Tôi cũng có mặt tại cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đầu năm 1979. Ngày thứ ba ở đây, tôi chụp được những bức ảnh về xác kẻ thù. Tấm ảnh này được đăng trên các báo Trung ương, đặc biệt báo Quân đội Nhân dân dành nửa trang nhất đăng tải những hình ảnh đó.

Khi tôi lên đồi Chậu Cảnh cách Hữu Nghị quan 5 km, tôi đề nghị Trung đoàn trưởng cho phép tiếp cận nơi diễn ra trận chiến để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Trung đoàn trưởng không đồng ý. Tôi đáp lại chúng ta đều là lính, các anh có súng còn tôi có máy ảnh, sá gì không cho tôi đi. Vậy là tôi được đi theo đoàn trinh sát đến đồi Chậu Cảnh, gặp một tên địch bị thương. Tôi tiến lại gần, cố gắng chụp một kiểu ảnh đặc tả thì ngay lúc đó, các trinh sát nói tôi không thể chần chừ được, rồi tiếng đạn vèo vèo trên đầu, tôi gấp rút chạy theo hai trinh sát. May mắn những lần như vậy tôi đều thoát chết.

PV: Ngoài sự hy sinh luôn thường trực, phóng viên chiến trường còn có những thời điểm khó quên khác không, thưa ông?

Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng:

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, có lần tôi từ Lạng Sơn về đến Vườn hoa Hàng Đậu trước tòa soạn, gặp ngay Thiếu tướng Trần Công Mân - Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân. Ông nói: “Phóng viên ảnh Trần Hồng từ Lạng Sơn về, có gì mới không?”, tôi vội báo cáo “trong túi tôi có xác quân xâm lược”. Thiếu tướng Trần Công Mân bảo tôi về làm ngay. Tôi khẩn trương, tự tay rửa bức ảnh ghi lại cảnh dân quân, bộ đội chủ lực của ta xông lên và phía sau là xác quân thù nằm dưới đất. 8 giờ tối xong ảnh, tôi mang tới cơ quan. Lúc này Tổng Biên tập đã mời 5 người giỏi tiếng Trung đến để làm chú thích ảnh. Sau 10 phút, Thiếu tướng Trần Công Mân tự tay cầm bút ghi chú thích cho bức ảnh của tôi: “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục”.

Hiện nay chỉ mất vài giây, ảnh của phóng viên có thể chuyển ngay về tòa soạn vì công nghệ hiện đại. Nhưng với phóng viên ảnh chiến trường, mỗi cuộn phim có 36 kiểu, chụp xong rồi cuộn vào và phải ghi rất rõ ràng trong cuộn phim có những nội dung gì. Tiếp đó bọc thật kỹ và tìm cách để gửi về tòa soạn. Tôi đi ra những đoạn đường có xe, người đi về Hà Nội và gửi cho họ, chậm nhất 3 - 4 ngày cũng về tới nơi. May mắn phim ảnh của phóng viên Báo Quân đội Nhân dân gửi bằng hình thức này đều đến được tòa soạn. Nếu phải làm ảnh gấp, chúng tôi phải chui xuống hầm, lấy một cái đèn pin và lá chuối non cắt một cái lỗ để soi phim, tráng phim. Một số lần tôi làm như vậy và đều thành công.

Nhà báo Trần Mai Hưởng:

Năm 1975, tôi viết một bài về việc Huế được giải phóng. Tôi đi bộ suốt đêm, anh em nói 11 giờ phải có bài, ảnh chuyển đăng cho kịp sự kiện. Sáng sớm ở Huế hôm đó, tôi đi một vòng thành phố và đến Phu Vân Lâu khoảng hơn 10 giờ. Tôi chỉ có khoảng 45 phút để viết bài và gửi xe cho anh em đem ra Quảng Trị có khu điện đài. Làm sao viết bài trong 45 phút về việc Huế được giải phóng trong hoàn cảnh này với tôi là bài toán khó. Tôi đã ngồi tại Phu Vân Lâu, kê ba-lô lên bậc thềm rồi lấy sổ, bút ra viết bài. Cuối cùng cũng xong đúng tiến độ.

Sau đó báo đăng bài viết của tôi với tiêu đề “Huế cờ đỏ bay”. Mặc dù bài báo ngắn nhưng cũng nói về được lịch sử, quang cảnh thành phố ngày giải phóng, chia sẻ của một số người dân. Bài báo ngắn nhưng rất quan trọng, là bài báo đầu tiên của Việt Nam nói về Huế được giải phóng. Sau đó, tôi cũng là người viết bài báo đầu tiên về việc quân ta giải phóng Đà Nẵng. Những bài báo này đều có ý nghĩa, vì hai thành phố lớn được giải phóng thì việc giải phóng hoàn toàn miền Nam chỉ là vấn đề thời gian.

PV: Những năm tháng tác nghiệp trong chiến tranh khắc nghiệt có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời làm báo của ông?

Nhà báo Trần Mai Hưởng:

Chiến tranh là thử thách nghiêm khắc nhất với một dân tộc cũng như một con người. Trong gian khó ác liệt, giữa lằn ranh sống chết, con người bộc lộ rõ nhất những phẩm chất của mình. Người ta nói không ở đâu hiểu nhau nhanh bằng ở chiến trường. Đúng là như vậy.

Đối với phóng viên chiến trường, vấn đề không chỉ là gian khổ, hy sinh, đem sự sống của mình ra đặt cọc cho mỗi chuyến đi, mỗi chiến dịch. Cái khó hơn là làm sao trong hoàn cảnh như vậy, phải hoàn thành nhiệm vụ. Không những phải kịp thời có mặt, chứng kiến, mà còn phải có được hình ảnh, tư liệu, kịp thời có được tin, bài, ảnh và chuyển được về cơ quan. Đấy là những thách thức rất lớn mà để vượt qua không chỉ cần lòng dũng cảm mà còn cần cả sự quyết đoán, nhanh nhạy khi xử lý tình huống. Và tất nhiên, cần trình độ chuyên môn để ảnh chụp đạt yêu cầu, các bài viết dù rất nhanh nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng.

Những năm tháng chiến tranh đã giúp chúng tôi rèn luyện. Đồng thời, bản lĩnh sống, những giá trị, phẩm chất hình thành từ những năm tháng ấy là điểm tựa cho mỗi người trong những năm tháng hòa bình sau này.

Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng:

Hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là được cầm máy ảnh. Tôi tự thấy mình là người yêu nghề. Tôi đã được cầm máy ảnh để đi tìm sự thật, ghi lấy sự thật trong khoảnh khắc. Nghề nhiếp ảnh đã cho tôi những trăn trở, những day dứt, buồn vui và cả những vinh quang. Nghề báo cho tôi cơ hội đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tìm tòi, tư duy nhiều và cả sự nhạy bén với thời cuộc. Tất cả đều thật đáng trân quý đối với tôi.

Làm báo mỗi thời mỗi thời mỗi khác, tùy theo giai đoạn ấy thế nào, phương tiện ra sao và mỗi người làm báo có tính khí riêng. Tuy nhiên, có một điểm chung mà người làm báo ở thời chiến hay thời bình đều cần phải có, đó là sự đam mê, trung thực và tôn trọng sự thật.

Trân trọng cảm ơn nhà báo Trần Mai Hưởng và Đại tá - nhà báo, NSNA Trần Hồng về cuộc trò chuyện này!

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Thời hoa lửa” của phóng viên chiến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO