Thơ hay có nên nên phổ nhạc?

arttinme| 28/04/2022 22:25

Nhiều nhạc sĩ thường cộng tác với nhà thơ vì họ cho rằng nhà thơ sẽ có thế mạnh soạn ca từ. Ở ta rất hiếm gặp cặp nhạc sĩ - nhà thơ nào “ăn đời ở kiếp” với nhau mà người làm nhạc chỉ tìm đến thơ mỗi khi thấy cần thiết, hoặc cũng có thể ngẫu nhiên bắt gặp được bài thơ mình đồng cảm, đang muốn có bài hát về cùng đề tài.

Trong kho tàng ca khúc Việt Nam hiện đại, số lượng những bài phổ thơ chiếm tỉ lệ đáng kể. Cần phân biệt: Nhạc sĩ phổ thơ và cùng với nhà thơ tạo nên phần lời ca là hai việc khác nhau.

Phổ thơ là từ một bài thơ hoàn chỉnh có sẵn, nhạc sĩ phổ nhạc (tất nhiên hoàn chỉnh nói theo nghĩa tương đối với tư duy của nhà thơ). Còn một cách khác là nhạc sĩ bàn với nhà thơ phác thảo phần lời ca rồi dựa vào đó tạo nên giai điệu hoặc làm nhạc trước rồi mời nhà thơ viết lời dưới các nốt nhạc. Trong bài viết này, tôi chỉ xin bàn về việc thứ nhất: phổ thơ.

nganh-sang-tac-am-nhac-1647936569.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều thế hệ công chúng đã rất ưa thích và truyền tụng những: Bộ đội về làng (Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi phổ thơ Huyền Tâm), Anh vẫn hành quân (Huy Du phổ thơ Trần Hữu Thung), Đường chúng ta đi (Huy Du phổ thơ Xuân Sách), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp phổ thơ Anh Ngọc), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp phổ thơ Đằng Giao), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối phổ thơ Đăng Thục), Nhớ (Hoàng Vân phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang), Đôi dép Bác Hồ (Văn An phổ thơ Tạ Hữu Yên), Đợi (Huy Thục phổ thơ Vũ Quần Phương)...Con số đó là rất nhiều, không thể kể hết. Tất cả những trường hợp trên đều là nhạc sĩ phổ nhạc từ bài thơ đã có sẵn. Những bài thơ này đã được nhà thơ công bố hoặc chưa nhưng được coi là đã hoàn chỉnh. Trước khi xuất hiện những bài hát trên, người ta đã không hoặc ít biết đến những bài thơ cùng tên. Những nhà thơ vừa kể (và rất nhiều nhà thơ khác) không phải là không có thơ hay, thậm chí nhiều người được coi là nổi tiếng trong lĩnh vực thơ nhưng là những bài khác, không trở thành bài hát, chứ không phải những bài được phổ nhạc.

Ngược lại, có rất nhiều bài thơ nổi tiếng được đông đảo công chúng ưa thích nhưng người ta lại không hề nhớ được tên bài hát mặc dù đã được những nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Có thể dẫn ra một số trường hợp tiêu biểu: Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm (Hồ Bắc phổ nhạc), Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (Huy Thục phổ nhạc), Đợi anh về của Xi – mô - nốp (Vân Đông và Văn Chung cùng phổ nhạc)…

Chiếc áo xanh của Tố Hữu là một bài thơ hay, được rất nhiều người ưa thích. Đã có 3 nhạc sĩ nổi tiếng cùng phổ nhạc bài thơ này là: Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Lương Ngọc Trác nhưng cả ba bài hát đều không không lưu lại được trong trí nhớ người nghe. Những bài thơ hay như Đồng chí của Chính Hữu, Quê hương của Giang Nam, Núi đôi của Vũ Cao, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Bói Hoa của Đoàn Lê, Hoa chanh của Nguyễn Bao tôi cũng từng nghe nhưng vì quá tầm thường nên đã chẳng thể nhớ tên người phổ nhạc.

Tất nhiên, qua hiện tượng trên, chẳng có ai ngây ngô để nghĩ rằng: Những bài thơ bình thường hoặc dở sẽ trở thành bài hát hay và ngược lại, khi phổ thơ, cứ bài hát không hay là hình thành từ bài thơ đặc sắc. Vấn đề hoàn toàn ở lao động sáng tạo của nhạc sĩ – một thứ sáng tạo lần thứ hai khi phổ thơ.

Đã là một bài thơ hay dĩ nhiên là phải hội tụ được nhiều yếu tố, và hẳn nhiên là khi xuất hiện, gây được ấn tượng, tạo mĩ cảm tối đa cho người thưởng thức. Nhưng khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ bắt buộc phải tổ chức lại lời lẽ trong một kết cấu, khúc thức nhất định. Điều này đặt ra việc không thể bê nguyên xi lời thơ sang bài hát mà phải cắt xén, có khi lại cần thêm vào, lúc lại đảo thứ tự các khổ thơ. Rất nhiều khi để cho bài hát hoàn chỉnh thì bài thơ đã không còn hình hài cũ. Như vậy thì không thể gọi là phổ thơ mà chỉ là phỏng thơ, tức là thơ hay thì chẳng nên phổ mà chỉ nên phỏng.

Nhưng thường là khi có được bài thơ hay, người nhạc sĩ rất thích thú, cảm thấy tiếc những lời lẽ nhà thơ làm ra nên dễ sa vào việc huy động hết thơ vào bài hát dẫn đến ca khúc lủng củng, rườm rà, lê thê. Như vậy thì không thể hay được. Nhưng những bài thơ Núi đôi của Vũ Cao hay Đêm nay Bác không ngủ của Minh Hụê mà nhạc sĩ đã phổ nhạc thì biết lược bỏ chỗ nào, phổ nhạc chỗ nào? Tôi đã thấy các nhạc sĩ cứ thế mà cho âm nhạc bám theo tất cả các câu thơ. Rốt cuộc, bài hát rất dài, loãng. Huy Thục đã không tạo ra được bài hát hay từ Đêm nay Bác không ngủ nhưng lại cho ra đời bài Đợi thật đặc sắc. Vấn đề có lẽ ở điểm này: Bài thơ của Vũ Quần Phương chỉ ở mức “thường thường bậc trung” (quan điểm cá nhân). Nhưng nhờ một giai điệu thú vị của Huy Thục từ chất liệu ca trù cộng với việc xử lí khúc thức rất hợp lí trong cách phát triển chủ đề âm nhạc đã khiến Đợi có một diện mạo mới. Còn bài thơ của Minh Huệ thì đã quá hoàn chỉnh, ít nhất cũng đã in sâu vào tiềm thức của rất nhiều người thì khó có thể có một đường nét giai điệu nào đủ sức khiến người ta thích thú, vồ vập.

Đó có lẽ là lí do để nghĩ tới một điều: Khi một tác phẩm đã định hình, tồn tại vững chắc ở một loại hình nào đó rồi, nhất là đã có đời sống, tiếng tăm, đã được khẳng định giá trị trường cửu thì hãy hết sức thận trọng trong việc chuyển nó sang một loại hình khác.

Để phổ thơ, có lẽ cách tốt nhất là nhạc sĩ hãy tìm đến những bài thơ có ý, tứ phù hợp với ý định sáng tác của mình nhưng chưa phải là bài thơ đặc sắc, hoàn chỉnh. Sự đồng điệu nào đó về cảm xúc trong ý tứ, tư tưởng của tác phẩm sẽ giúp người nhạc sĩ tạo nên bài hát hay. Và thực tế, từ thành công của những bài hát phổ thơ, đã chứng minh điều đó.

Cũng chính vì một thực tế như đã thấy mà có lẽ chẳng ai minh định giá trị một nhà thơ lại căn cứ vào việc nhà thơ ấy có được nhiều hay ít bài thơ được phổ nhạc.

Bản thân tôi chưa thấy một bài thơ rất hay nào mà khi phổ nhạc, người nhạc sĩ tặng công chúng được bài hát cũng hay tương xứng (Xin nhắc lại: phổ thơ chứ không phải là phỏng thơ). Vậy, thơ hay chẳng nên phổ nhạc là như thế. Đây là một vấn đề thú vị. Chắc chắn, sẽ có nhiều ý kiến đồng tình và ngược lại, không cùng quan điểm. Rất mong các nhạc sỹ, nhà thơ và đông đảo công chúng yêu thích âm nhạc tham gia bàn luận, ngõ hầu vấn đề được sáng tỏ thấu đáo thêm.

(0) Bình luận
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Thơ hay có nên nên phổ nhạc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO