Thế giới điện ảnh

“Địa đạo” - Tái hiện ký ức chiến tranh hào hùng

Hoàng Dạ Vũ 20:15 31/05/2025

Sau hơn một thập kỷ ấp ủ từ ý tưởng tới hiện thực, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa cho ra mắt tác phẩm mới “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Bộ phim kể lại cuộc sống và chiến đấu cam go của 21 chiến sĩ du kích Bình An Đông dưới lòng đất Củ Chi năm 1967. Từ năm 2014 đến 2016, đạo diễn đã tiến hành viết kịch bản cho bộ phim “Địa đạo” với tâm niệm “Củ Chi đã chọn mình, không được phép từ chối!”. Đó là mong muốn trở về với cội nguồn bi tráng của dân tộc và đặt câu hỏi về những giới hạn con người bị đẩy tới trong khói lửa.

poster-phim-_dia-dao_.jpg

Theo PGS.TS. Phạm Gia Lâm (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội), chiến tranh luôn là hiện tượng phản tự nhiên, do đó diễn ngôn trong bộ phim “Địa đạo” là diễn ngôn phản chiến. Trong bộ phim, nhân vật chính là Nhân dân, không có một nhân vật trung tâm như các phim thông thường. Đây là kiểu cốt truyện hiện đại, như những mảnh ghép (mosaic) làm nên tổng thể câu chuyện chung, cốt truyện được mở rộng dần với sự tham gia của khán giả như một trò chơi thực tế thay thế. Cuộc chiến trong “Địa đạo” là cuộc chiến bất đối xứng giữa một bên là lực lượng quân lực Hoa Kỳ hùng hậu, trang thiết bị hiện đại, đối lập với đội du kích Bình An Đông chỉ có vỏn vẹn 21 người trú ẩn dưới lòng đất. Do vậy, bộ phim không được xây dựng theo mô típ anh hùng cá nhân như thông thường mà được thể hiện theo cấu trúc của một phim về thảm họa. Những người du kích phải chiến đấu, sinh tồn để vượt qua thảm họa khủng khiếp là chiến tranh. Đạo diễn đã lựa chọn tập trung vào ba câu chuyện chính, mỗi câu chuyện thể hiện một góc tiếp cận về con người trong chiến tranh. Câu chuyện về tình đồng chí xoay quanh nhân vật Bảy Theo và đội du kích với tình cảm gần gũi, đùm bọc lẫn nhau như trong một gia đình; câu chuyện tình yêu đôi lứa giữa hai nhân vật Tư Đạp và Ba Hương được xây dựng như một mạch chính xuyên suốt bộ phim; và cuối cùng là câu chuyện của Út Khờ với những mâu thuẫn, day dứt giữa bản năng con người và tình người, tình đồng đội.

Bộ phim là sự kết hợp thể loại tài liệu và phim truyện được gọi là “docu-drama” hay phim giả tài liệu. Chính điều đó đã góp phần tạo nên không khí chân thực, sống động về cuộc sống và chiến đấu trong lòng địa đạo, với những khó khăn, gian khổ và nguy hiểm đến nghẹt thở, làm cho người xem cảm nhận sâu sắc những gì cha ông đã trải qua trong chiến tranh khốc liệt. Để tái hiện lại chân thật nhất không gian chật hẹp, tối tăm của địa đạo, các nhà làm phim đã kỳ công xây dựng một địa đạo thật ngay tại hai phim trường lớn của HK Films để thể hiện được những cảnh quay diễn tả cảnh sinh hoạt đời thường và những pha chiến đấu căng thẳng, nghẹt thở trong lòng địa đạo. Địa đạo trong trường quay được tái hiện tỉ mỉ đến từng chi tiết. Với sự giúp đỡ, tư vấn của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực - một du kích đã từng sống và chiến đấu dưới địa đạo Củ Chi, một địa đạo thô sơ, phức tạp và đan cài với nhau, mô phỏng việc “đào bằng tay” của người dân Củ Chi thời bấy giờ đã được ê-kip tạo nên.

phim-dia-dao-2-copy-58678366808270598173127.jpg

Với một bối cảnh được xây dựng sát với thực tế như thế, việc quay phim cũng phải tuân thủ những điều kiện gần giống như địa đạo thực để đem lại cho khán giả cảm giác chân thực nhất. Nhưng đó cũng lại là những thử thách đối với ê-kíp thực hiện. Khó khăn đầu tiên là địa hình và ánh sáng trong địa đạo mô phỏng. Ngoài việc địa đạo mô phỏng trong lòng đất được xây dựng trong phim trường, được thử đi thử lại với rất nhiều chất liệu và cách thức, tất cả các cảnh quay đều phải được thực hiện bằng tay, vừa để có cái nhìn “con người” nhất, thực tế nhất, cũng bởi vì không gian hẹp không thể dựng ray cho máy quay được. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giữ nguyên ánh sáng trong phim chỉ thuần là ánh đèn dầu và đèn pin của các chiến sĩ, thay vì sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng khác để quay phim dễ dàng hơn. Chính vì vậy, tuy ánh sáng khi lên phim rất ít ỏi, nhiều lúc tối om khiến khán giả khó theo dõi các nhân vật, nhưng bù lại cảm giác tối tăm, đáng sợ càng tăng thêm tính chân thực. Theo Giám đốc hình ảnh K’Linh, quá trình quay phim của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” tốn thời gian gấp 6 lần so với những phim điện ảnh khác, vì không gian hạn chế khiến mọi công đoạn đều bị kéo dài hơn.

1_4.jpg

Một trong những khâu êkíp dành nhiều tâm sức nhất là hóa trang. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhóm chiến sĩ trong phim dành phần lớn thời gian sống dưới địa đạo, mặt mũi luôn lấm lem, da đen sạm vì ám khói. Anh đặt tiêu chí các vệt than, bùn trên người các diễn viên cần được xử lý tự nhiên. Đoàn phim “Địa đạo” đã thuê chuyên gia người Mỹ tái hiện chân dung lính du kích trong cuộc chiến ở Củ Chi năm 1967. Ở một số cảnh người lính bị trọng thương do bom đạn, khâu tạo hình phức tạp hơn, Jefferson Cabral - chuyên viên hóa trang người Mỹ - phải mất nhiều giờ để thực hiện. Đoàn phim cũng đầu tư cho phần trang phục - yếu tố quan trọng góp phần phác họa giai đoạn cuối thập niên 1960. Đạo diễn cùng tổ thiết kế tìm hiểu kỹ về lịch sử để tránh các trường hợp gây tranh cãi.

Theo bà Mai Lâm - phụ trách phục trang, từng bộ quần áo, phụ kiện phải làm tự nhiên, thô sơ nhưng không được qua loa. Mỗi bộ đồ còn phản ánh tính cách từng nhân vật, như Út Khờ mặc trẻ trung, giàu màu sắc, còn Ba Hương giản dị hơn với đồ tự thêu. Chính những chi tiết thêu tay trên trang phục đã tạo cảm xúc cho các diễn viên hóa thân vào các nhân vật, đem đến sự rung động cho khán giả. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ trong phim cũng được đạo diễn chú ý chăm chút, như chi tiết khúc mía mà Ba Hương đưa cho Tư Đạp trong buổi đêm sau một ngày chế bom vất vả, khi cổ họng Tư Đạp đắng ngắt vì chất hóa học thì ăn mía sẽ làm dịu đi, hàm ý tình yêu giản dị mà sâu sắc.

Bên cạnh các yếu tố kĩ thuật được đầu tư công phu, kĩ lưỡng, thì vai trò của dàn diễn viên cũng góp phần quan trọng vào thành công của bộ phim. Gồm cả những tên tuổi đã thành danh như Thái Hòa, Quang Tuấn lẫn những diễn viên trẻ mới vào nghề như Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon…, nhìn chung họ đều hoàn thành khá tốt và tròn vai, đều hết lòng vượt lên khó khăn để hóa thân thành những du kích gầy gò, lấm lem mà tỏa sáng trên màn ảnh. Ngoài ra, không thể không nhắc tới sự đóng góp của âm thanh và âm nhạc trong phim. Âm thanh được xử lý rất chi tiết và tinh tế, với nhiều tầng âm từ trên mặt đất cho tới âm dội trong lòng đất giúp cho khán giả cảm nhận chân thực hơn không gian dưới lòng địa đạo. Âm thanh còn mang tính tự sự khi đan xen những đoạn bom rơi đạn nổ đinh tai là những khoảng lặng hiếm hoi với tiếng chim kêu hay lời ca vọng cổ ngọt ngào của Út Khờ. Bài hát chủ đề của phim mang âm hưởng dân ca Nam Bộ vừa da diết vừa hào hùng đã nhân lên tinh thần bi tráng, vẻ đẹp bất khuất của hình tượng các nhân vật du kích Củ Chi.

im1age.jpg

Ngoài những thành công không thể phủ nhận của bộ phim thì vẫn còn một số điểm hạn chế, gây tranh luận. Trong đó, rất nhiều khán giả bày tỏ khó theo dõi lời thoại vì tiếng nhỏ, giọng địa phương, đồng thời cũng khó nhận biết các nhân vật do ánh sáng yếu và khuôn mặt lấm lem. Nhưng có lẽ đó chỉ là những khó khăn tạm thời, khi người xem đã quen với môi trường và tập trung theo dõi thì sẽ tiếp nhận được nội dung phim. Điểm gây tranh cãi hơn cả là những cảnh nóng trong phim, đặc biệt là cảnh ân ái giữa Tư Đạp và Ba Hương trong bối cảnh bom đạn làm rung chuyển cả địa đạo. Nhiều người cho rằng cảnh đó không cần thiết, thậm chí mang đến cảm giác phản cảm khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ cách xử lý của đạo diễn, với dụng ý đề cao tình yêu và sự sống vượt lên trên sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Dù bom đạn khốc liệt đến đâu, sự sống vẫn tiếp diễn, mặt trời vẫn tỏa sáng.

Với sự thành công cả về nghệ thuật lẫn doanh thu sau hơn một tháng công chiếu, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng như tín hiệu đáng mừng cho sự khởi sắc của dòng phim chiến tranh. Ra mắt đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, bộ phim đã cộng hưởng với tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, xứng đáng là tác phẩm điện ảnh tái hiện một ký ức hào hùng, không thể lãng quên./.

Bài liên quan
  • Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Tuần phim diễn ra từ ngày 12 đến 15/5 tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là dịp đặc biệt để tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc lan tỏa di sản văn hóa và giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ trong thời đại mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Trưng bày “Bút sắc, lòng son”: Tái hiện tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản
    Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
  • Phố Hàng Buồm - Không gian di sản giữa lòng thành phố sáng tạo
    Nằm trong lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm không chỉ là nơi lưu giữ những di sản quý giá của Thăng Long xưa mà còn là minh chứng sinh động cho sự hòa quyện giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh thành phố đang vươn mình trở thành đô thị sáng tạo. Giữa dòng chảy hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Hàng Buồm trở thành một mô hình điển hình cho việc phát huy giá trị di sản để hướng tới phát triển bền vững, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa, vừa mở ra những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch.
  • Phường Tùng Thiện: Lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 27/7/2025), Đảng ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tùng Thiện (TP. Hà Nội) đã, đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tri ân người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, qua đó lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
  • Shophouse Thương phố Vinhomes Wonder City: Đón trọn sinh khí, đón đầu cơ hội tăng giá tại Tây Hà Nội
    Nằm ngay trên các trục giao thương huyết mạch, dòng shophouse Thương phố 120m² tại Vinhomes Wonder City không chỉ đón trọn vượng khí từ vị thế phong thuỷ hiếm có mà còn là tài sản chiến lược cho nhà đầu tư muốn tích luỹ giá trị bền vững và khai thác thương mại dài hạn tại Tây Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
“Địa đạo” - Tái hiện ký ức chiến tranh hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO