Số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, về lượng cung, giao dịch BĐS trên thị trường trong quý III/2020, cả nước có 73.933 sản phẩm nhà ở được bán, chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước (chiếm khoảng 70%). Tính chung trong 9 tháng năm 2020, tổng lượng sản phẩm được chào bán ra thị trường đạt trên 191.000 sản phẩm nhưng nguồn cung mới chỉ có 59.600 sản phẩm, chiếm khoảng 31%. Trong khi đó, giá bán lại tiếp tục “leo thang”, tại thị trường Hà Nội phân khúc căn hộ bình dân tăng 3 – 5% so với quý trước; TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến “cơn sốt” của thị trường khi giá bán tăng 25 – 20% và đặc biệt là tại TP này không còn sản phẩm căn hộ bình dân.
“Điểm sáng của thị trường trong quý III/2020 là có sự phục hồi rõ rệt so với 2 quý trước, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng. Lượng cung mới chào bán tăng 1,21 lần so với quý I và 1,23 lần so với quý II/2020. Lượng giao dịch từ các sản phẩm mới chào bán tăng khoảng 3,54 lần so với quý I và 1,43 lần so với quý II” – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin.
Trong báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV cùng một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực xây dựng gửi Quốc hội đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2019 lượng giao dịch BĐS giảm hơn 40%, nguồn cung dự án giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2019, lượng giao dịch giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường BĐS. “Tuy nhiên, về cơ bản những tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số DN kinh doanh BĐS. Hiện đã thấy tín hiệu phục hồi, phát triển lạc quan. Các DN đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược, kế hoạch mới phù hợp. Thị trường BĐS chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay phát triển “nóng” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép dự án
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, dự báo trong những tháng cuối năm, khi Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường BĐS ấm trở lại. Lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng so với quý III/2020. Ở giai đoạn cuối năm, áp lực tăng nhu cầu đầu tư để hiệu quả sử dụng tiền tăng cao thay vì để trong ngân hàng suốt thời gian dài với lãi suất thấp. Hiện tượng săn tìm đất đai trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin có dự án sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều này vô tình tạo ra nhiều thị trường giao dịch không chính thống, không được kiểm soát, đặc biệt là tạo bong bóng giá cả và thị trường ảo.
Bên cạnh đó, nguồn hàng ở những dự án BĐS do DN triển khai tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn cung mới tại đô thị lớn vẫn diễn ra. Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS cả nước và dự báo giá bán sẽ tăng. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là chủ đầu tư, sàn giao dịch cần có chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả trong giai đoạn cuối năm này.
“Để cho giá cả thị trường được bình ổn thì buộc phải có sự cân đối về cung – cầu, cần tạo điều kiện cho nguồn hàng mới được đưa ra thị trường nhiều hơn. Theo quy luật tự nhiên khi cung – cầu cân bằng, giá sẽ ổn định. Vì vậy, nhằm khắc phục tình trạng BĐS tăng giá liên tiếp, đề nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phép dự án, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong quá trình triển khai” – ông Nguyễn Văn Đính cho hay.